Người Việt vẫn có xu hướng tiết kiệm cao nhất thế giới
(Dân trí) - Báo cáo nghiên cứu của Nielsen chỉ ra rằng, người Việt vẫn là những người có xu hướng tiết kiệm cao nhất trên thế giới. Với 3/4 người Việt được hỏi (72%) cho biết họ sử dụng tiền nhàn rỗi để tiết kiệm (so với mức 66% trong quý trước).
Theo báo cáo Chỉ số niềm tin người tiêu dùng vừa được hãng nghiên cứu thị trường Nielsen công bố, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam quý IV/2017 giảm 1 điểm so với quý trước, đạt 115 điểm. Tuy vậy, niềm tin của người tiêu dùng Việt vẫn tiếp tục giữ ở mức cao trong suốt năm 2017 vừa qua, điều đó đã giúp Việt Nam tiếp tục xếp thứ 7 trong số các quốc gia lạc quan nhất toàn cầu.
Báo cáo của Nielsen chỉ ra rằng, người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các khoản mục lớn nhưng vẫn có xu hướng xây dựng nền tảng tài chính vững chắc.
Liên tục trong nhiều năm qua, người tiêu dùng Việt luôn cho thấy rằng sau khi đã trang trải hết các chi phí sinh hoạt thiết yếu, họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các khoản mục lớn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Gần phân nửa người Việt cho biết, họ thường sử dụng tiền nhàn rỗi để mua sắm quần áo mới (49%) và chi tiêu cho các chuyến du lịch (44%). Bên cạnh đó, khoảng 2 trong 5 người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm công nghệ mới (40%), các khoản vui chơi giải trí bên ngoài (41%) và sửa chữa nhà cửa (42%).
Tuy nhiên, người Việt vẫn là những người có xu hướng tiết kiệm cao nhất trên thế giới. Với 3/4 người Việt được hỏi (72%) cho biết họ sử dụng tiền nhàn rỗi để tiết kiệm (so với mức 66% trong quý trước). Báo cáo cũng chỉ ra rằng tiết kiệm là một phần không thể thiếu trong việc chi tiêu của người tiêu dùng trong khu vực Đông Nam Á (66%).
Trong quý này, các mối quan tâm lớn nhất của người Việt vẫn giống như quý trước. Công việc ổn định dẫn dầu trong danh sách các mối quan tâm lớn của người Việt (46%). Sức khỏe là mối quan tâm lớn thứ hai (40%). Các mối quan tâm khác đó là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống (27%), sự phát triển của nền kinh tế (21%) và sức khỏe & hạnh phúc của bố mẹ (19%).
Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám đốc, Nielsen Việt Nam, có sự chuyển dịch nhẹ trong mối bận tâm của người tiêu dùng Việt về công việc và nền kinh tế. Những mối quan ngại này trở nên mạnh hơn trong quý cuối của năm 2017, điều này có thể khiến người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn trong việc tiêu dùng và dè dặt hơn trong việc mở rộng hầu bao cho các khoản chi phí không cần thiết.
"Bên cạnh đó, sự thận trọng này có thể là do người tiêu dùng muốn có một cuộc sống tốt hơn, họ muốn được sở hữu các sản phẩm công nghệ cao, muốn có những kỳ nghỉ dài hơn, thường xuyên hơn và họ cũng xây dựng một nền tảng tốt hơn cho tương lai của con cái. Chính tất cả những điều nói trên đã khiến họ trở nên dè dặt hơn và ưu tiên tiết kiệm hơn là tiêu dùng", bà Quỳnh nhận xét.
Phương Dung