Người Việt sắm Tết: Rằm tháng Giêng vẫn chưa phải đi chợ

(Dân trí) - Mỗi dịp Tết đến xuân về, đại đa số người Việt đều chi tiêu “lỏng tay" hơn so với ngày thường với quan niệm cả năm chỉ có một lần. Đây cũng là thời điểm làm ăn "rực rỡ" đối với nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh bán lẻ.

Những ngày giáp Tết Nguyên Đán thường không khó để bắt gặp cảnh người dân chen chân nhau mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị hay chợ.
Những ngày giáp Tết Nguyên Đán thường không khó để bắt gặp cảnh người dân chen chân nhau mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị hay chợ.

Dù chợ và các siêu thị gần nhà đã mở cửa từ mùng 2 Tết nhưng tới tận hôm nay (mùng 9 Tết), chị Nguyễn Minh Trang (Hà Đông, Hà Nội) vẫn chưa phải mua thêm thức ăn cho gia đình. Trong tủ lạnh gia đình chị vẫn có đầy đủ cả thịt, cá, rau củ cho tới bánh kẹo, hoa quả.

“Cứ đà này, chắc tới Rằm tháng Giêng tôi cũng vẫn chưa phải ra tới chợ”, chị nói.

Tương tự, chị Trần Thu Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Dù biết là không ăn hết nhưng tôi vẫn phải mua đầy đủ các loại từ thịt gà, bò, lợn cho tới giò chả, bánh chưng để bày mâm Cúng ngày Tết cũng như mời khách. Số thức ăn này áng chừng phải ăn đủ trong 2 tuần bình thường".

Chị Hương cũng cho biết thêm, ngoài nhu cầu mua sắm cho gia đình, chị cũng chi tiêu một khoản không nhỏ để mua sắm đồ dùng gia dụng để đón Tết và mang biếu họ hàng, bạn bè. Ngoài ra, chị cũng chi khoảng gần 1/4 số tiền tiêu Tết cho việc đi lại về quê quán và thăm hỏi bạn bè.

"Tính sơ sơ, gia đình tôi chi khoảng 40 triệu đồng cho cái Tết này, chiếm gần 2/3 tiền thưởng Tết ở cơ quan rồi", chị nói thêm.

Trên thực tế, mỗi dịp Tết đến xuân về, đại đa số người Việt đều chi tiêu “lỏng tay" hơn so với ngày thường với quan niệm cả năm chỉ có một lần. Đây cũng là thời điểm làm ăn "rực rỡ" đối với nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh bán lẻ. Bên cạnh giá vé tàu xe thường tăng vọt trong thời điểm này, chi phí dành cho mua sắm các vật dụng gia đình như thực phẩm, đồ uống và quần áo mới dành cho các thành viên trong gia đình cũng tăng mạnh. Tết cũng là dịp nhu cầu tiền mặt tăng mạnh, do phong tục lì xì gia đình và bạn bè.

Nói về thói quen chi tiêu ngày Tết của người Việt, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: "Có nhiều gia đinh chi 30-40% tổng số tiền họ chi trong cả năm để mua sắm dịp Tết. Việc chi tiêu của người dân trong dịp Tết liên quan đến phong tục như mua sắm đào, quất hay sửa nhà cửa... có thể là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều chi tiêu của người dân cần xem xét lại như mua vàng mã quá nhiều, rượu bia, bánh mứt thừa mứa..."

TS Doanh cho rằng, điều này xuất phát từ tâm lý của người dân bởi "chẳng phong lưu cũng ba ngày Tết, kiết cú như ai cũng rượu trà". "Tức là người ta có tâm lý sĩ diện, muốn bằng anh bằng chị. Nhà bên cạnh mua cây đào to, mình cũng phải mua cái gì đó không kém", TS Doanh lý giải.

​Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt thì phân tích, vào dịp Tết nhu cầu tiêu dùng và đi lại đều tăng mạnh so với ngày thường và nếu xét toàn diện thì luôn tồn tại 2 mặt.

"Tết làm cho nhu cầu, ví như nhu cầu đi lại tăng và nếu xét một cách lành mạnh thì nó kích cầu kinh tế giao thông vận tải. Nhưng nhiều khi nhu cầu đi lại nhiều quá vượt quá khả năng đầu tư của xã hội đối với các phương tiện giao thông vận tải, đối với đường xá, làm cho chi tiêu có vẻ tăng lên, được vụ trước mắt của thu nhập nhưng làm giảm sút rất nhiều dự trữ. Được cái lợi trước mắt, nhưng sẽ giảm dự trữ xã hội", ông phân tích.

Chưa có một con số công bố chính thức từ cơ quan quản lý cho việc chi tiêu Tết của mỗi người Việt nhưng theo một nghiên cứu được tiến hành bởi hãng TNS - thuộc Kantar Group, một trong những hãng tư vấn, nghiên cứu lớn nhất thế giới - công bố hồi năm ngoái đã chỉ ra rằng đa số người tiêu dùng đều có kế hoạch chi tiêu cho dịp Tết cao hơn bình thường, với tổng chi tiêu trung bình là 14,2 triệu đồng (khoảng 643 USD).

Dẫn kết quả này, tờ Forbes từng nhận xét Tết Nguyên đán ở Việt Nam giống như gộp Giáng Sinh, năm mới và sinh nhật ở phương Tây làm một vậy. Mọi hoạt động đều xoay quanh gia đình, khi hàng triệu người lên đường về quê vào dịp này.

Trao đổi với báo chí trước Tết Đinh Dậu, ông Ashish Kanchan, Giám đốc điều hành Kantar TNS Việt Nam cho rằng, Tết năm nay, chi tiêu của người Việt không có nhiều biến động so với năm Tết năm ngoái. Cụ thể, 43% người Việt sẽ chi tiêu nhiều cho Tết âm lịch 2017 hơn 2016. Số người vẫn giữ mức như Tết âm lịch 2016 là 50%. Số người chi cho Tết năm nay ít hơn năm ngoái là 7%. Trong khi đó, các con số trên của Tết 2016 so với Tết 2015 lần lượt là 41%, 46% và 13%.

Nguyên nhân được cho là kinh tế năm nay so với năm ngoái không có nhiều biến động nên người dân vẫn giữ mức chi không đột biến.

Theo Kantar, người dân Việt Nam sẽ chi nhiều cho thức ăn, đồ uống, trang trí nhà cửa, làm đẹp vào Tết năm nay. Cụ thể, họ sẽ chi 19% cho quần áo, mỹ phẩm, trang sức; 16% cho việc trang hoàng nhà cửa; 38% cho đồ ăn thức uống.

Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 1 từ Tổng cục Thống kê vừa mới công bố cũng cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước tính 330.300 tỷ đồng, tăng 5,6% so với tháng 12/2016 và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2016 (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,7%).

Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 252.700 tỷ đồng, tăng 6,5% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ. Theo đó, một số ngành hàng phục vụ Tết Nguyên đán có mức tăng cao là nhóm lương thực, thực phẩm tăng 9,5% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ, nhóm may mặc tăng tương ứng 8,2% và 11,5%, nhóm giao thông lại tăng tương ứng 7,8% và 11,2%...

Về dịch vụ, doanh thu nhóm ngành lưu trú, ăn uống ước tính đạt 37.300 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số địa phương có doanh thu tăng cao là Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 12%, Thanh Hóa tăng 8,6%, Kiên Giang tăng 7,4%, Hà Nội tăng 5,7%, Đà Nẵng tăng 5,2%...

Ngoài ra, trong dịp nghỉ lễ, doanh thu nhóm du lịch lữ hành đạt mức cao 3.400 tỷ đồng, tăng 8% so với tháng trước và tăng 30,7% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ khác đạt 36.900 tỷ đồng, tăng tương ứng 2,7% và 9,3%.

Phương Dung