Người Việt "ham cờ bạc" nhất nhì thế giới?
(Dân trí) - "Ham mê cờ bạc nhất thế giới thì có người Việt, người Trung Quốc. Sang Mỹ, Macao, Campuchia thì thấy người Việt, người Trung Quốc rất nhiều. Chúng ta không cho người Việt vào casino ở Việt Nam thì họ lại vác tiền sang Campuchia, Macao… để đánh bạc", chuyên gia Lương Hoài Nam nhận xét.
Đặt vấn đề tại tọa đàm “Hạ tầng du lịch - nền tảng cho du lịch Việt Nam cất cánh” được báo Diễn đàn đầu tư tổ chức cuối tuần trước, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, cần phải tính toán cho việc quy hoạch đầu tư vào các khu du lịch nghỉ dưỡng.
"Có những lúc chúng ta nghĩ cần phải đầu tư sân bay trước và cơ sở hạ tầng sau, nhưng sau đó đầu tư vào cơ sở hạ tầng lại kéo theo nhu cầu đầu tư vào sân bay", ông Tuấn bày tỏ băn khoăn và cho rằng, thực tế, đây là câu chuyện "con gà và quả trứng". Và một trong những vấn đề đặt ra hiện nay, theo ông Tuấn, chính là chủ trương phát triển casino liệu đã phù hợp hay chưa?
Theo ông Lương Hoài Nam - Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch thuộc Tổng cục Du lịch, chính sách cần xuất phát từ thực tế. Vị chuyên gia cho rằng, việc người Việt vào casino, có thể nhiều người không thích, nhưng dù muốn công nhận hay không thì đó là thực tế rồi.
Ông Nam nhận xét, ham mê cờ bạc nhất thế giới có người Việt, người Trung Quốc. Bằng chứng là sang Mỹ, Macao, Campuchia, thấy người Việt và người Trung Quốc có mặt ở các địa điểm casino rất nhiều.
"Chúng ta không cho người Việt vào casino ở Việt Nam thì họ lại vác tiền sang Campuchia, Macao… để đánh bạc. Giờ một vé máy bay trăm USD sang Singapore chơi bạc không là gì cả, chi phí vé ô tô qua biên giới Tây Ninh thì còn rẻ hơn nữa", chuyên gia này cho hay.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhìn nhận, casino thuộc kinh tế dịch vụ tài chính. Trước đây casino đi từ thí điểm, đầu tiên có ở Đồ Sơn, rồi ở Móng Cái, hầu như đều cho người nước ngoài. Bây giờ, Chính phủ đã ban hành Nghị định để quản lý với những điều kiện để đầu tư.
Ông Phúc khẳng định, cách làm như hiện nay là đúng hướng, bởi trong điều kiện này, "kể cả không cho người dân đánh bạc thì người ta cũng đi ra nước ngoài để đánh".
Song theo ông, mặc dù Bộ Chính trị có chủ trương và vừa rồi có quy định các trò chơi có thưởng trong đó có quy định đua chó, đua ngựa nhưng các quy định này ban hành còn khá chậm.
Nhìn chung, việc phát triển casino cũng như các dịch vụ đi kèm chính là một trong những giải pháp để có thể thu hút cũng như giữ chân khách du lịch (thuộc nhóm giàu).
Ông Lương Hoài Nam cho biết, năm ngoái, Việt Nam đón được 10 triệu khách quốc tế, trong khi Singapore đón 20 triệu khách, Hồng Kông đón 25 triệu khách, Thái Lan đón 30 triệu khách. Như vậy, lượng khách của Việt Nam bằng 1/2 Singapore, bằng 2/5 HongKong, bằng 1/3 Thái Lan.
Nhưng đó mới chỉ là con số du khách vào. Con số theo ông Nam "đau lòng" hơn ở chỗ: TPHCM đang muốn thu hút 7 triệu khách quốc tế, nhưng một sự thật là thành phố này không giữ được khách du lịch quá 3 ngày. Cho nên, quan trọng là phải hiểu đúng khách hàng, hiểu họ muốn gì mà đáp ứng.
Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng nêu quan điểm: "Có người nói Việt Nam nhiều resort quá. Tôi thì không có số liệu cụ thể nhưng về mặt cảm tính thì tôi thấy hạ tầng du lịch trực tiếp của mình, các tổ hợp phức hợp khu du lịch vui chơi của mình chưa ăn thua gì so với thế giới".
Ông Nam cho rằng, tiềm năng du lịch của chúng ta rất lớn. Năm ngoái, khách nội địa là 62 triệu lượt, chứng tỏ, dân Việt rất “máu” đi du lịch. Vấn đề là cách khai thác tiền của khách như thế nào.
"Tôi là người Hà Nội nhưng không hài lòng với cách làm du lịch ở đây. Sài Gòn người ta sống về đêm, Đà Nẵng có cầu Rồng chiếu sáng rất lung linh, Cần Thơ cũng có cây cầu chiếu sáng rất đẹp, nhưng ở Hà Nội thì tối om. Chỉ chiếu sáng được mấy ngày Tết rồi lại tắt ngóm. Dân không đi chơi về đêm thì lấy đâu ra nguồn thu", ông Nam chia sẻ.
Bích Diệp