Người Trung Quốc bị đầu độc thực phẩm bẩn như thế nào?

Chính quyền tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) vừa triệt phá 2 băng nhóm buôn lậu thịt và bắt giữ 20 đối tượng. Hơn 100.000 tấn cánh gà, thịt bò và thịt lợn đông lạnh trị giá lên đến 3 tỷ NDT (483 triệu USD), trong đó có cả thịt bị thối rữa và thịt đông lạnh có tuổi đời trên 40 năm đã bị thu giữ.

Vụ việc này một lần nữa lại đặt ra vấn đề về an toàn thực phẩm ở quốc gia đông dân nhất trên thế giới, nơi mà các vụ nhiễm độc và bê bối thực phẩm diễn ra gần như thường nhật dưới sự kiểm soát lỏng lẻo.

Kinh hoàng “Chân gà xác sống”

Kinh hoàng “Chân gà xác sống”

Theo tờ China Daily, kết quả của chiến dịch truy quét thịt bẩn có quy mô trên toàn quốc vừa kết thúc vào đầu tháng 6 có tổng cộng 21 băng nhóm buôn lậu thịt bẩn ở 14 tỉnh đã bị phát giác, trong đó 2 băng tại tỉnh Hồ Nam - nơi khoảng 800 tấn thịt được tìm thấy trong đợt truy quét gần đây nhất và 20 nghi phạm bị bắt giữ.

Theo lời một cán bộ hải quan Trung Quốc, một phần trong số thực phẩm đông lạnh này được chế biến từ gia súc, gia cầm ốm, và một phần có bao bì ghi thời hạn từ những năm 1970, tính ra tuổi đời của chúng đã phải hơn 40 năm tuổi. Số khác đã thối rữa và đang trong quá trình phân hủy. Sau khi vụ việc này bị phanh phui, các trang mạng Trung Quốc tràn ngập lời bàn tán về tình trạng mất an toàn thực phẩm ở nước này. Cộng đồng mạng đã sử dụng một thuật ngữ mới “chân gà zombie (xác sống)” hay “chân giò 7x”, “cánh gà 8x” để chỉ chân gà thối rữa được ngâm tẩm hóa chất để lừa người tiêu dùng.

Phần lớn truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng, các nhà quản lý đã thu giữ số lượng thịt thối đông lạnh được đóng bao bì có ghi nhãn mác nước ngoài nhưng không rõ nguồn gốc. Rất có thể các băng nhóm buôn lậu đã mua nhiều thịt cũ, thối rữa ở nước ngoài rồi sau đó tuồn vào Trung Quốc. Thịt thối trong các kho đông lạnh sẽ được nhóm buôn lậu phân phối đến nhiều thành phố trong nội địa và cả ra bên ngoài. Thịt thối đông lạnh không rõ nguồn gốc này được đưa vào thị trường bán buôn, nhập vào các quầy hàng thực phẩm, nhà hàng, và thậm chí cả các siêu thị. Trước khi đưa vào thị trường, thịt thối đông lạnh được xử lý tẩy mùi và “phù phép” bên ngoài như tươi mới. Chúng được đưa đến các nhà hàng và qua chế biến tẩm ướp gia vị, nước màu rồi nấu chín làm cho cho người tiêu dùng ăn mà không thể phát hiện ra.

Tờ China Daily nêu cụ thể, những kẻ buôn lậu mua thịt giá rẻ ở nước ngoài rồi tuồn vào Trung Qụốc thông qua các ngả Hồng Kông và Việt Nam. Các chuyến hàng được chuyển đến Hồng Kông, sau đó được đóng gói và chuyển qua cảng Hải Phòng rồi sang Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam). Tờ China Daily cho hay, sau khi xuất hàng qua Việt Nam, những kẻ buôn lậu thuê các cư dân sống ở biên giới với giá rẻ chuyển hàng đến các thành phố ở Trung Quốc để tiêu thụ trong các chợ, siêu thị và nhà hàng trên khắp cả nước hoặc rao bán trên mạng. Theo tờ Tin Tức Bắc Kinh, thịt đông lạnh quá hạn được phát hiện hầu hết tại các thành phố cấp 2 và cấp 3 của Trung Quốc, sau đó bán lại cho các nhà hàng nhỏ ở một số thành phố thuộc tỉnh Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên.

Nối dài cơn ác mộng “an toàn thực phẩm Trung Quốc”

Một trong 20 đối tượng bị bắt trong chiến dịch vừa qua có tên là Li nói, ông ta và người nhà năm ngoái bán được ít nhất 100 tấn chân gà và chân giò lợn cho một số tiệm ăn uống trong thành phố và một vài cửa hàng ở chợ đầu mối.

Cơ quan chức năng lo ngại rằng, những sản phẩm thịt này có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe vì chúng không được dự trữ, kiểm tra và vận chuyển đúng cách, chưa kể việc hết hạn quá lâu. Một lãnh đạo hải quan ở Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, cho biết bọn buôn lậu thường vận chuyển hàng bằng phương tiện thông thường thay vì xe đông lạnh để tiết kiệm chi phí nên thịt liên tục bị rã đông và biến chất. Nếu loại thịt này chưa rã đông, khách hàng không thể phân biệt chúng là thịt tươi hay thịt thối từ 4 thập kỷ trước.

Thịt có thể bảo quản lâu nếu được làm đông lạnh liên tục, nhưng thịt lậu thường được vận chuyển trong điều kiện bảo quản kém, nhiều lần bị rã đông, nên chất lượng không đảm bảo.

Yang Bo, Chi cục phó Chi cục Hải quan Trường Sa nói rằng, những loại chân gà, chân giò như vậy chứa đầy vi khuẩn và “ngậm” nhiều hóa chất độc hại. Chúng được ngâm trong hydrogen peroxide (một loại phụ gia thực phẩm bị cấm sử dụng) để trông tươi ngon và để được lâu. Loại thực phẩm bẩn này có thể nhiễm nhiều loại virus, trong đó có virus cúm gia cầm H7N9, bệnh lở mồm long móng, bệnh bò điên và các vi khuẩn khác, vi rút đe dọa tính mạng.

An toàn thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của chính phủ Trung Quốc - nơi các vụ nhiễm độc và bê bối thực phẩm diễn ra gần như thường nhật dưới sự kiểm soát lỏng lẻo. Các lô thịt bẩn sẽ được sử dụng tại các quán ăn vỉa hè, vùng sâu vùng xa hoặc xuất khẩu. Trung tâm An toàn Thực phẩm Hồng Kông (CFS) cho biết chính quyền đặc khu ít khi kiểm tra các lô hàng thực phẩm xuất khẩu hoặc tái xuất. “Vì Hồng Kông là cảng trung chuyển lớn nên chúng tôi không thể kiểm tra tất cả thực phẩm qua đây. Hơn nữa, thật không công bằng phải huy động nguồn lực địa phương để kiểm tra thực phẩm cho các quốc gia khác” - một quan chức hải quan Hồng Kông nói với Tân Hoa Xã.

Rõ ràng cho tới thời điểm này an toàn thực phẩm vẫn là một điều xa xỉ tại đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, và người dân vẫn phải tiếp tục sống chung với các loại thực phẩm dơ bẩn và độc hại. Đó là chưa kể đến việc những kẻ buôn lậu vì lợi nhuận mà tuồn các đồ “bẩn” này sang các quốc gia khác.

Theo Ngân Hà
An ninh thủ đô


Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Kinh tế, quý độc giả có thể gửi đến ban Kinh tế báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email kinhdoanh@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!