Người trồng khoai lang bị “mắc bẫy”

“Chủ động nguồn khoai chỉ là cái cớ. Nguồn khoai hợp tác trồng này sẽ kềm giá khoai của nông dân trong mùa hút khoai và cũng chính nó đánh chết nông dân trồng khoai trong mùa thu hoạch rộ".

Giá khoai lang tím Nhật loại đẹp hiện ở mức 200.000đồng/tạ, nhưng nếu không đạt chuẩn xuất khẩu chỉ còn khoảng 30.000đồng/tạ. Với quy cách sản phẩm thu mua hiện tại, nếu thu hoạch một công (1.000m2) khoai trong lúc này, năng suất trung bình 40 tạ/công, người trồng chỉ thu được khoảng 5 triệu đồng, chưa đủ trả tiền thuê đất.

 

Người trồng khoai lang bị “mắc bẫy”
Giá khoai xuống thấp, nông dân bị lỗ nặng đành phải bán trong nước với giá 1.600đồng/kg. 

 

Ông Huỳnh Văn Quân, phó chủ nhiệm hợp tác xã khoai lang Tân Thành, huyện Bình Tân, Vĩnh Long cho biết, giống khoai lang tím Nhật có thể cho thu hoạch sau 4 tháng (tính từ ngày trồng), nhưng nếu khoai xuất khẩu đi Trung Quốc phải thu hoạch ở thời điểm 4 tháng là củ khoai đẹp nhất.

 

Tuy vậy, từ một tháng trở lại đây, lái buôn Trung Quốc (thu mua tại các nhà vựa khu vực xã Thuận An, huyện Bình Minh) “ăn” hàng chậm, sản lượng giảm, giá rớt mạnh… nên đã có khoảng 500ha khoai lang ở Bình Tân lâm cảnh “quá lứa” do nông dân sợ lỗ nặng khi bán khoai với giá ngày càng giảm.

 

Tuy nhiên, theo ông Đào Duy Quang, lái buôn khoai ở xã Tân Thành, nếu neo khoai trên ruộng hơn 130 ngày sẽ là một thua thiệt càng lớn cho nông dân.

 

Ông Quang nói: “Khoai vượt cỡ (trên 300gram/củ) và khoai cỡ nhỏ (dưới 50gram/củ) chiếm từ 50% sản lượng trở lên tuỳ thời gian neo khoai. Các loại khoai này gộp chung gọi là khoai dạt, lái buôn Trung Quốc không mua, thị trường nội địa cũng không chuộng loại khoai tím Nhật này nên chỉ có giá khoảng 30.000đồng/tạ”. Với giá này, nông dân Lê Hoàng Lâm ở xã Thành Đông đang thuê 20 công đất ở xã Mỹ Thuận để trồng khoai lang nói rằng: “Xong đợt khoai lang này khả năng chạy ra Bình Dương trốn nợ và làm thuê kiếm sống rất lớn!”

 

Năm ngoái, khi giá khoai lang lên tới mức 1,2 triệu đồng/tạ, người dân các huyện Bình Tân, Bình Minh, Tam Bình… ùn ùn đầu tư trồng hoặc cho thuê đất trồng khoai lang. Trong khi đó, các lái buôn người Trung Quốc cũng liên kết với một số lái buôn khoai địa phương tìm nơi thuê đất, tổ chức trồng khoai.

 

Một lái buôn kiêm người trồng khoai ở xã Thành Đông cho biết, theo thời vụ tại Bình Tân, từ tháng tám âm lịch hàng năm sản lượng khoai giảm dần tới tháng hai năm sau. Đây là một trong những nguyên nhân khiến khoai sốt giá. Cuối năm ngoái, các lái buôn khoai người Trung Quốc đã “hợp tác” với một số lái buôn ở Bình Tân tìm nơi thuê đất, tổ chức trồng khoai lang trái vụ thu hoạch với Bình Tân. Xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), nơi có vùng đất trồng lúa có thể chủ động nguồn nước nhờ khép kín trong đê bao là điểm đến lý tưởng để thực hiện mục tiêu này.

 

Huỳnh Hiếu, một đối tác hợp tác trồng khoai với thương nhân Trung Quốc tiết lộ: “Tuỳ giao kèo hợp tác mà phía nhà buôn Trung Quốc đầu tư vốn trồng khoai từ 50 – 100% và nếu họ đầu tư 100% vốn coi như mình làm mướn nên ít người chọn cách này”

 

Theo ông Hiếu, các nhà buôn Trung Quốc họ nói là họ muốn chủ động nguồn hàng xuất khẩu hơn trong mùa khoai hút hàng, sốt giá. Thế nhưng, nhiều năm làm ăn với thương buôn khoai lang người Trung Quốc, ông Hiếu khẳng định: “Chủ động nguồn khoai chỉ là cái cớ. Nguồn khoai hợp tác trồng này sẽ kềm giá khoai của nông dân trong mùa hút khoai và cũng chính nó đánh chết nông dân trồng khoai trong mùa thu hoạch rộ".

 

Trong khi cơ quan quản lý các địa phương đang “ngủ quên” với thành tích đưa cây màu xuống ruộng nên chưa thể xác định được có bao nhiêu hécta khoai lang đã và đang chực chờ đánh đổ nông dân địa phương mình. Thậm chí nhiều vị lãnh đạo còn sợ làm mất lòng các nhà buôn Trung Quốc, họ giận không thèm mua, khoai lang của nông dân càng ế.

 

Theo Ngọc Tùng

SGTT