Người tiêu dùng “tiếp tay” cho giá sữa tăng?
(Dân trí) - Nếu không có công điện của Thủ tướng yêu cầu không được lợi dụng tăng xăng dầu để “té nước theo mưa”, chắc hẳn giá sữa đã được điều chỉnh tăng rất mạnh. Góp phần cho các nhà kinh doanh tăng giá sữa một cách bất hợp lý, có vai trò của người tiêu dùng.
“Tiền nào của... nấy”?
Chị Trần Thị Thu, nhân viên văn phòng tại Hà Nội và là bà mẹ của cậu con trai hơn 3 tuổi, kể: Từ khi bắt đầu cho bé uống sữa, gia đình chị chỉ “kết” mỗi sữa XO (nhập khẩu) từ Hàn Quốc.
“Ông xã tôi chỉ thích mua sữa ngoại, sữa nhập khẩu vì anh ấy bảo “tiền nào của nấy”. Tôi có cô bạn sống bên Hàn Quốc, nghe cô ấy nói, sữa XO là dòng sữa được ưa chuộng bên đó nên chúng tôi tin dùng”, chị Thu nói.
Cùng cách nghĩ đó, đôi vợ chồng trẻ Hồng - Tú cũng chọn sữa XO và Friso Gold cho cậu con trai chưa đầy một năm tuổi để uống thay đổi. Khi được hỏi “sao không chọn sữa nội?”, Hồng chia sẻ: “Vợ chồng tôi chả dư giả gì đâu, nhà vẫn đang phải đi thuê nhưng phải chọn cho bé loại sữa tốt nhất. Hàng ngoại bao giờ chẳng tốt hơn hàng nội, tôi tin là gia đình nào cũng nghĩ như vậy, bởi mỗi nhà chỉ đẻ có 1 - 2 đứa nên muốn dành mọi điều tốt nhất cho con”.
Ngược lại, hai con của chị Nguyễn Thị Lan (một đứa lên 4 tuổi, đứa lên 2 tuổi) từ bé chỉ uống sữa Cô gái Hà Lan (sữa liên doanh, sản xuất trong nước).
Chị nói: “Bạn bè vẫn khuyên tôi đổi loại sữa nhập khẩu cho các cháu nhưng tôi chưa tìm thấy lý do gì để thay loại sữa này cả, vì các cháu uống rất hợp, phát triển bình thường cả về trí tuệ và sức khoẻ.
Tôi có một người anh làm trong ngành sữa bảo, cơ bản các thành phần sữa đều giống nhau, chứ chênh lệch tiền là liên quan nhiều đến quảng cáo, phát triển thương hiệu”.
Trở lại cảm nhận của chị Trần Thị Thu, vào cuối năm 2005, thị trường khan hiếm sữa XO, gia đình chị buộc phải thay thế các dòng sữa tương đương như: Abbott, Nestle.
“Nhưng con trai tôi giờ chỉ thích uống sữa tươi Mộc Châu, nhân một dịp đi chơi tôi cho con uống thử, bé liền hỏi “Sữa gì mà ngon thế mẹ?”. Loại sữa này có vị béo vừa phải và rất ngon, bọn trẻ sành miệng vô cùng, sữa nào ngon là biết ngay. Tuy nhiên, thời gian gần đây loại sữa này đã tăng thêm 2.000 đồng/chai, tôi thấy tăng vậy là quá nhiều, chỉ nên tăng từ 500 đồng - 1.000 đồng/chai thôi…".
Chất lượng sữa tương đương nhau
Bác sỹ Lê Thị Hải, Trưởng phòng khám và tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng) cho biết: “Sữa nội (sản xuất trong nước) hay sữa ngoại (nhập khẩu) đều có chung thành phần chính là sữa bò và tùy thuộc từng hãng sữa sẽ có thêm vi chất dinh dưỡng khác nhau.
Nguyên liệu sữa đều nhập khẩu từ New Zealand, Úc, Hà Lan… nhưng khâu đóng gói trong nước rẻ hơn nên các loại sữa bột sản xuất trong nước có giá thành thấp hơn sữa nhập, chứ xét về bản chất là giống nhau”.
Một cán bộ kinh doanh từng làm trong một hãng sữa nổi tiếng cho hay: “Tâm lý của các bà mẹ là phải chọn loại sữa tốt nhất dành cho bé trong năm đầu đời nhưng thực tế, khó có bậc phụ huynh nào biết rõ đâu là loại sữa tốt nhất.
Về thành phần cơ bản, các loại sữa nội và ngoại đều giống nhau, tuy nhiên, chiến lược xây dựng thương hiệu đã ảnh hưởng tới giá thành của từng sản phẩm.
Trước đây, cũng với sản phẩm sữa này, khi chưa trở thành thương hiệu nổi tiếng có giá khoảng 65.000 đồng/hộp 400g. Khi họ bắt đầu chiến dịch quảng báo, sữa đó ngay lập tức tăng thêm 10.000 đồng/hộp hoặc cao hơn rất nhiều”.
Cũng theo vị cán bộ này, tâm lý tiêu dùng của người Việt rất khó thay đổi và hay theo đám đông, đây chính là lý do khiến nhiều người phải trả giá cao đến 200 - 300% cho những mặt hàng tương đương nhau về chất lượng.
Thậm chí, một số loại sữa ngoại còn kém xa hàng trong nước do máy móc, thiết bị cũ kỹ, lỗi thời; trong khi nhiều công ty sữa trong nước chú tâm đầu tư cho công nghệ nên chất lượng vì thế cũng được bảo đảm hơn. Nhưng cái thua thiệt, bị mất thị phần "ngay trên sân nhà" của các hãng sữa nội phần nhiều là chưa biết tận dụng lợi thế tiếp thị, quảng cáo.
Như vậy, sữa vốn không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu nhưng lại là một trong những mặt hàng có số lần điều chỉnh tăng nhiều nhất. Kể từ đầu năm tới nay, các loại sữa nhập khẩu đã có khoảng 3 - 4 lần tăng giá, gần đây nhất, sau khi giá xăng dầu tăng vào ngày 21/7, các cửa hàng đều tự động tăng giá sữa lên từ 10 - 20% (thời điểm đó nhiều hãng sữa trong nước cũng điều chỉnh tăng giá lên khoảng 10%).
Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho tâm lý tiêu dùng chuộng hàng ngoại nhưng theo giới chuyên môn, chính “thượng đế” lại đang làm khó mình.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành bày tỏ: “Người tiêu dùng Việt Nam đang là “nạn nhân” của những chiêu tiếp thị, quảng cáo trên ti vi, trên các phương tiện truyền thông một cách có tính toán của các công ty sản xuất, nhãn hiệu nước ngoài. Phần lớn nhãn hiệu sữa được người tiêu dùng ưa chuộng xuất phát từ nước ngoài, nên giá tiền mà người tiêu dùng bỏ ra là mua chính cả cái nhãn hiệu đó.
Nhưng người tiêu dùng lại không biết rằng để xây dựng được thương hiệu, được lòng tin của người tiêu dùng, các nhà sản xuất đã phải tốn rất nhiều tiền để quảng cáo, tiếp thị và khi một nhãn hiệu nào đó tạo được lợi thế trên thị trường, thì họ sẽ tính mặt hàng đó có thể lên giá tối đa là bao nhiêu để bù lại phần chi phí thiếu hụt”.