Người tiêu dùng... kiệt sức: Kích cầu để thoát hiểm
Nền kinh tế được đánh giá là có dấu hiệu phục hồi nhưng rất mong manh. Kích cầu thông qua tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước để cải thiện sản xuất, tiêu dùng là phương án thoát hiểm hiện nay.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ về giải pháp kích cầu nền kinh tế.
Thưa ông, người tiêu dùng “thắt chặt hầu bao” là do đâu? Việc cắt giảm tối đa trong chi tiêu của người dân đã ảnh hưởng thế nào đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN) cũng như nền kinh tế ?
Năm 2013, nền kinh tế đã có sự hồi phục nhất định, thể hiện qua chỉ số công nghiệp tăng, đơn đặt hàng tăng, 11.000 DN đã hoạt động trở lại sau thời gian đóng cửa vì khó khăn, số DN đăng ký thành lập mới tăng trên 10%... Thành quả đáng ghi nhận là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được con số lạm phát.
Tuy nhiên, sự hồi phục còn hết sức mong manh, chưa bền vững và không nên quá lạc quan về sự hồi phục này. Đặc biệt là năm nay, tăng trưởng nông nghiệp chỉ khoảng 2,6%. Đây là mức tăng trưởng rất thấp, thấp hơn nhiều so với mức tăng khoảng 3,3% những năm trước đây. Thu nhập của nông dân giảm sút nên sức mua của đối tượng này hết sức giới hạn. Nhu cầu về sắt, thép, xi măng xây dựng nhà cửa ở nông thôn rất hạn chế, nhu cầu tiêu dùng hằng ngày bị thắt chặt.
Ở các thành phố, lực lượng lao động thất nghiệp gia tăng do số DN phá sản và cắt giảm biên chế lớn. Nhiều DN cắt giảm lương công nhân viên để duy trì hoạt động cầm chừng nên thu nhập giảm mạnh. Trong khi đó, các mặt hàng thiết yếu chỉ tăng giá mà không hề giảm hoặc tăng nhiều giảm ít, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân, nhất là người lao động có thu nhập thấp.
Nền kinh tế đang ở trạng thái suy kiệt, cả đầu tư và tiêu dùng cá nhân đang tiếp tục bị thu hẹp. Hậu quả là làm nguồn cầu hạ thấp, DN lâm vào khó khăn do hàng hóa tồn kho, ứ đọng lớn…
Vậy theo ông, cần có giải pháp nào để cứu vãn tình trạng trên?
Sự phục hồi kinh tế ở Việt Nam đang chậm so với các nước trong khu vực. Trong khi phần lớn các nước ở khu vực đã lấy lại đà tăng trưởng thì Việt Nam vẫn nằm ngoài quỹ đạo, chưa có dấu hiệu thoát đáy cũng như dấu hiệu hồi phục bền vững. Cần nỗ lực đồng bộ hơn nữa về các biện pháp tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách mạnh mẽ để có được tốc độ hồi phục tốt hơn.
Có ý kiến cho rằng nên sử dụng gói kích cầu lớn để thúc đẩy nền kinh tế như năm 2009, do tình hình kinh tế vĩ mô hiện đã ổn định hơn một chút...
Theo tôi, không có khả năng có gói kích cầu lớn. Nguồn ngân sách hiện nay đang rất khó khăn, tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm mới đạt 66,6% - theo báo cáo của Bộ Tài chính. Do đó, khó có thể có gói kích cầu lớn. Hơn nữa, cho đến thời điểm này, Chính phủ cũng chưa hề đề xuất đến gói kích cầu này.
Nếu vậy thì biện pháp cụ thể và thiết thực trong tình hình hiện nay là gì, thưa ông?
Mục tiêu cần được xác định là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, hồi phục kinh tế, kích cầu tiêu dùng. Các giải pháp đều được đề ra cả rồi, quan trọng là ở khâu tổ chức thực hiện. Đầu tiên, tôi muốn nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện đề án tái cấu trúc đầu tư công. Hiện nay, đề án này chưa thấy trình Quốc hội, do đó cần phải sớm trình để khẩn trương có lộ trình thực hiện.
Bên cạnh đó, đề án tái cấu trúc DN nhà nước cũng nên đẩy mạnh hơn. Nếu như đẩy mạnh tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc DN nhà nước thì tình hình ngân sách sẽ bớt khó khăn, khả năng đầu tư của nhà nước cũng lớn hơn, nhiều DN được tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất. Đi liền với sự hồi phục của DN là tạo nhiều việc làm, giảm thất nghiệp cũng như cải thiện thu nhập. Như vậy, cầu trong xã hội có thể tăng đáng kể.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: Kích cầu nhưng phải ổn định
Phải thừa nhận là kinh tế vĩ mô đã được cải thiện: Lạm phát từ trên dưới 20% xuống còn khoảng 6%-7%; tiền Việt Nam có giá hơn; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư, dự trữ ngoại tệ tăng lên đáng kể... Tuy nhiên, vẫn còn chưa ổn ở chỗ: siết chặt các chính sách để kiểm soát lạm phát thì tăng trưởng giảm, thể hiện rõ qua chỉ số tăng trưởng năm ngoái là 5%, năm nay dự đoán khoảng 5,2%-5,3%; ngân sách khó khăn, hụt tiêu cả năm khoảng 5,3%; nợ xấu còn đó; đầu tư vào thị trường và niềm tin vào thị trường chưa cao; tốc độ tăng tiêu dùng giảm, các thị trường xuất khẩu gặp khó khăn nên tổng cầu giảm mạnh, DN không có hoặc ít có cơ hội kinh doanh.
Chúng ta đã có Nghị quyết 02 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu nhưng triển khai thực hiện còn lề mề, chưa quyết tâm. Theo tôi, muốn kích cầu để nâng tổng cầu lên, phải bảo đảm 3 mục tiêu: Ổn định kinh tế vĩ mô, rủi ro nợ công trong tầm kiểm soát được và đầu tư phải hiệu quả, lan tỏa tốt.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Giảm giá để kích sức mua
Dự đoán sức mua từ nay đến cuối năm tăng không đáng kể do khả năng tài chính của người tiêu dùng eo hẹp. Hàng tồn kho còn rất lớn, cụ thể: Giấy, bìa carton tồn kho tăng khoảng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, xe máy đang tồn khoảng 82%, đường tồn đến 400.000 tấn, đồ dùng gia đình các loại tồn 20%-25%, nước giải khát tồn 25%-30%, bánh kẹo tồn khoảng 10%-12%...
Để giải quyết tình trạng tồn kho, cần tập trung làm thế nào giúp người dân tăng thu nhập, có tiền mua sắm thì mới kích cầu được. Ngoài ra, cần có chính sách an sinh xã hội, trợ cấp cho người nghèo; tổ chức hệ thống phân phối về nông thôn; các nhà sản xuất kinh doanh phải giảm giá bán, tăng cường khuyến mãi, tiết giảm chi phí để tránh tăng giá bán mới thu hút được người mua. Quản lý tốt giá của các mặt hàng độc quyền như điện, nước, xăng dầu… cũng là biện pháp hạn chế tăng giá, bớt gánh nặng chi tiêu cho mỗi gia đình.
T.Dương ghi |
Theo Phương Nhung
NLĐ