Người tiêu dùng…kiệt sức:

Dân văn phòng tất tả làm thêm

Kinh tế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp và các cơ quan phải cắt giảm lương cán bộ, công nhân viên nên không ít người phải kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống.

Chị Vũ Thị Hồng Vân làm kế toán cho một công ty tư nhân tại TP Hà Nội với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Từ nửa năm nay, chị bị giảm 20% thu nhập. Chồng chị Vân là kỹ sư của một xưởng cơ khí chính xác, chuyên sản xuất các thiết bị theo đơn đặt hàng từ hãng Canon Việt Nam với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng.

 

Dân văn phòng tất tả làm thêm
Chị N.T.P, nhân viên của một công ty TNHH ở Hà Nội, tranh thủ thời gian buổi tối đi bỏ mối hàng cho một đại lý tạp hóa gần nhà để kiếm thêm thu nhập Ảnh: Phương Nhung

 

Chân trong chân ngoài

 

Do thời gian gần đây, công ty ít ký được hợp đồng nên thu nhập của chồng chị Vân giảm đáng kể, có tháng chỉ còn 6-7 triệu đồng. Tính ra, vợ chồng chị Vân bị “hụt thu” hơn 6 triệu đồng/tháng.

 

“Trước đây, vợ chồng đều làm công sở nên phải thuê người giúp việc với khoản thù lao 2 triệu đồng/tháng, ăn ở luôn tại nhà. Nay chi phí thuê người giúp việc đã quá sức nên tôi phải gửi con ở trường mầm non công lập, hằng ngày còn phải nhận sổ sách của các công ty khác về làm thêm để cải thiện thu nhập” - chị Vân cho biết.

 

Cùng cảnh ngộ bị cắt giảm lương, chị N.T.P, nhân viên xuất kho của một công ty TNHH chuyên về thực phẩm, cho biết tổng thu nhập của vợ chồng chị khoảng 13 triệu đồng/tháng nhưng phải trang trải chi phí nuôi 2 con ăn học.

 

“Khéo xoay xở thì chỉ vừa đủ chi tiêu, nay tôi bị giảm 15% lương do tình hình chung nên thực sự khó khăn” - chị P. than phiền. Để tăng thu nhập, ngoài giờ hành chính, chị P. phải xin nhận hàng từ công ty về bỏ mối cho các đại lý gần nhà.

 

Xu hướng kinh doanh, buôn bán thêm ngoài giờ hành chính trong một bộ phận nhân viên văn phòng đang rộ lên trong thời gian gần đây ở TP Hà Nội. Nhờ quảng cáo trên những trang mạng xã hội và một số diễn đàn được các bà nội trợ hay lui tới, chị Thanh, nhân viên lễ tân của một khách sạn lớn gần khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, có thêm một khoản thu nhập từ mặt hàng tinh bột nghệ và bột sắn. Tuy nhiên, chị Thanh cho biết việc làm thêm ngoài giờ khá mệt mỏi.

 

“Tôi phải tranh thủ giờ nghỉ trưa và buổi tối để đi giao hàng nhưng lời lãi không đáng là bao. Buổi tối lại không có thời gian chăm sóc, kèm cặp con cái học hành nhưng để tăng thêm thu nhập thì không còn cách nào khác” - chị Thanh nói.

 

Cắt giảm tối đa

 

Chị Nguyễn Tuyết Anh, biên tập viên 1 website có văn phòng ở quận 4, TP HCM, cho biết gói ghém lắm nhưng vẫn thường xuyên bị “viêm màng túi”. Tuyết Anh tính toán: “Tiết kiệm lắm thì tổng chi tiêu mỗi tháng cũng tròm trèm 2,5 triệu đồng. Sáng nhịn, trưa mang cơm theo ăn, chiều ăn linh tinh, mỗi ngày tiền ăn của tôi khoảng 20.000 đồng, tính ra khoảng 600.000 đồng/tháng. Chi phí cho tiền gas khoảng 100.000 đồng/tháng, tiền gạo hơn 200.000 đồng/tháng, tiền nhà trọ 350.000 đồng. Thỉnh thoảng, tôi đi siêu thị, thấy treo bảng giảm giá rất nhiều nhưng chỉ ngắm nghía chứ không mua vì mua là hụt tiền tháng ngay”.

 

Chị Thanh Trúc làm nhân viên môi giới nhà đất cho một công ty ở quận 7, TP HCM nên rất “thấm” nỗi khổ của những nhân viên ngồi chơi xơi nước trong thời điểm giao dịch bất động sản trầm lắng.

 

Chị Trúc cho biết 4 tháng nay làm việc không lương, giám đốc thông báo công ty không còn khả năng trả lương. Lâu lâu mới có một giao dịch thành công, mọi người trong công ty chia nhau khoản hoa hồng môi giới ít ỏi. Chính vì thế, chị né tất cả quan hệ xã giao, hiếu hỷ. Còn việc đi siêu thị, trung tâm thương mại để mua sắm cùng bạn bè như trước đây dường như không còn.

 

“Hai năm trước, lương của tôi (sau thuế) là 19 triệu đồng nhưng nay tình hình kinh tế khó khăn, lương giảm chỉ còn 14,5 triệu đồng/tháng nên chi tiêu trong gia đình thiếu trước, hụt sau. Hơn 1 năm nay, tôi chưa sắm cho mình cái áo mới, tất cả tiền làm được đều lo cho con nhỏ, tiền lương của chồng phải để dành lỡ khi có việc cần” - chị Hồng Vân, nhân viên kinh doanh của một tập đoàn nước ngoài có trụ sở tại TP HCM, cho biết.

 

Sức mua kiệt quệ đẩy nhiều doanh nghiệp vào cảnh bế tắc, phải thu hẹp hoạt động hoặc tạm ngưng hoạt động, đóng cửa, giải thể. Cùng với đó là một bộ phận người lao động, CB-CNV mất việc làm, giảm thu nhập hoặc thu nhập bấp bênh. Vòng luẩn quẩn này kéo dài đã hơn 1 năm nay và nằm ngoài khả năng giải quyết của người dân hoặc doanh nghiệp.

 

Theo Nhóm Phóng viên

NLĐ