1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Người sống ở Bắc Kinh 20 năm vẫn là nông dân mong gì ở "thịnh vượng chung"?

(Dân trí) - "Tôi không mong chờ gì nhiều cho bản thân. Tôi đã hơn 50 tuổi rồi. Tôi chỉ hy vọng con trai tôi có thể có một cuộc sống tốt hơn. Nó đã 30 tuổi rồi mà vẫn độc thân và thất nghiệp".

Đó là chia sẻ của một người lao động nhập cư đã sống ở Bắc Kinh trong 20 năm trong loạt bài viết về thúc đẩy "thịnh vượng chung" của tờ South China Morning Post vừa đăng tải.

Người sống ở Bắc Kinh 20 năm vẫn là nông dân mong gì ở thịnh vượng chung? - 1

Với "Thịnh vượng chung", ông Tập hứa sẽ thu hẹp chênh lệch thu nhập và đưa nông dân và người lao động trở thành tầng lớp trung lưu, đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo (Ảnh: SCMP).

"Thu nhập của tôi tăng gấp đôi nhưng chi phí sinh hoạt tăng nhanh quá"

Luồn chiếc xe ba bánh qua những con hẻm chật hẹp ở trung tâm thành phố Bắc Kinh vào một buổi sáng tháng 10 lạnh lẽo, Zhang Suning có chút rùng mình. Co ro trong chiếc áo khoác sờn rách, người đàn ông lượm ve chai 54 tuổi này đang cố chống chọi với cái lạnh của mùa thu ở Bắc Kinh. Điểm dừng tiếp theo của Zhang Suning là công ty tái chế rác thải, nơi ông bán những thứ mà ông nhặt nhạnh trong ngày để kiếm khoảng 3.000 nhân dân tệ mỗi tháng (hơn 10 triệu đồng).

Ông Zhang là người tỉnh An Huy, một tỉnh phía đông nam Trung Quốc. Hơn 2 thập kỷ trước, ông đã đến Bắc Kinh để làm việc. Kể từ đó đến nay, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng hơn 10 lần về tổng sản phẩm quốc nội. Nhưng với ông Zhang, cuộc sống của ông vẫn không trở nên dễ dàng hơn.

"Thu nhập của tôi tăng gấp đôi nhưng chi phí sinh hoạt tăng nhanh quá", ông Zhang nói và cho biết ông đang sống với người vợ cũng làm nghề nhặt rác và đứa con trai thất nghiệp trong một căn phòng rộng 6 m2 với giá thuê 1.500 nhân dân tệ/tháng.

"Tôi không mong chờ gì nhiều cho bản thân. Tôi đã hơn 50 tuổi rồi. Tôi chỉ hy vọng con trai tôi có thể có một cuộc sống tốt hơn. Nó đã 30 tuổi rồi mà vẫn độc thân và thất nghiệp", ông chia sẻ.

Con trai của ông đã tốt nghiệp trung học ở An Huy rồi đến Bắc Kinh với bố mẹ, nhưng đến nay cậu vẫn không thể tìm được việc làm.

Sau nhiều thập kỷ phát triển kinh tế nhanh chóng, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và đã vượt Mỹ về số lượng tỷ phú nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, phần lớn người dân nước này, như ông Zhang và gia đình ông, vẫn chưa được hưởng những thành quả của tăng trưởng kinh tế.

Người sống ở Bắc Kinh 20 năm vẫn là nông dân mong gì ở thịnh vượng chung? - 2

Lao động nhập cư ở Bắc Kinh (Ảnh: FT).

Đó là lý do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã công bố thời điểm để thúc đẩy mục tiêu "Thịnh vượng chung", với ý nghĩa mọi người dân đều được chia sẻ cơ hội để trở nên giàu có.

Theo kế hoạch này, thước đo đầu tiên sẽ đạt được vào năm 2035 là mọi người sẽ được hưởng các dịch vụ công thiết yếu một cách bình đẳng. Sau đó, đến năm 2050, chênh lệch thu nhập sẽ được thu hẹp xuống mức "hợp lý".

Theo ông Tập, sự thịnh vượng chung là đề cập đến sự sung túc về mặt vật chất và văn hóa được chia sẻ cho tất cả mọi người dân Trung Quốc, chứ không phải chỉ dành cho một số ít. Ông hứa sẽ thu hẹp chênh lệch thu nhập và đưa nông dân và người lao động trở thành tầng lớp trung lưu, đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo.

40% dân số sống dưới mức 5 USD/ngày

Mức sống của người dân Trung Quốc đã tăng lên rõ rệt trong 4 thập kỷ qua kể từ khi nền kinh tế nước này mở cửa. Tuy nhiên, chênh lệch giàu nghèo cũng ngày càng rộng hơn, cản trở nỗ lực của Bắc Kinh trong việc chuyển hướng từ mô hình đầu tư cao, nợ nhiều sang mô hình tiêu dùng hộ gia đình để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, hệ số Gini, một thước đo về bất bình đẳng thu nhập, đã đạt đỉnh 0,481 vào năm 2008 trước khi giảm xuống còn 0,465 vào năm 2019 và nhích lên 0,468 trong năm ngoái. Hệ số này dao động từ 0 đến 1, con số càng cao cho thấy bất bình đẳng càng lớn, trong đó mức 0,4 thường được coi là lằn đỏ cho sự bất bình đẳng.

Chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc cũng đã gần bằng với mức của Mỹ khi nước này ghi nhận hệ số Gihi ở mức 0,48 vào năm 2020 và cao hơn nhiều so với mức của Nhật Bản, Hàn Quốc và hầu hết các nước châu Âu.

Năm ngoái, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, nước này có 600 triệu người sống với mức thu nhập hàng tháng từ 1.000 nhân dân tệ trở xuống. Điều đó có nghĩa là hơn 40% trong tổng số 1,4 tỷ dân nước này phải sống dưới mức 5 USD/ngày.

Người sống ở Bắc Kinh 20 năm vẫn là nông dân mong gì ở thịnh vượng chung? - 3

Một nửa trong số 400 triệu công nhân ở các thành thị Trung Quốc là lao động nhập cư (Ảnh: EPA-EFF)

Đại dịch Covid-19 càng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng. Những người lao động có mức thu nhập thấp phải gánh chịu những tổn thất khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ sụp đổ do đại dịch. Trong khi đó, trong năm ngoái, những người thu nhập cao lại chứng kiến mức tăng tài sản từ 25-35% so với năm 2019 bởi người giàu Trung Quốc có nhiều nguồn thu nhập hơn và ổn định hơn.

Trong cuốn sách Capital and Ideology xuất bản năm 2019, nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty cho biết, nếu những năm 1990, tài sản của 10% dân số giàu nhất Trung Quốc chiếm khoảng 40-50% tổng tài sản của người dân cả nước thì đến năm 2018, con số này đã tăng lên 70%.

Sống ở Bắc Kinh 20 năm nhưng vẫn là nông dân

Ông Wang Xiaolu - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia ở Bắc Kinh - nói rằng để đạt được sự thịnh vượng chung, chính phủ Trung Quốc phải cải thiện các dịch vụ công và hệ thống an sinh xã hội. "Một nửa trong số 400 triệu công nhân ở các thành thị Trung Quốc là lao động nhập cư. Hầu hết trong số họ không được hưởng hệ thống an sinh xã hội thành thị. Họ cũng không nhận được các dịch vụ công. Chưa đến 30% trong số họ được chi trả lương hưu", ông Wang nói tại một diễn đàn ở Bắc Kinh vào tuần trước.

"Khi họ về già, họ không có gì để sống. Họ phải về quê. Thật không công bằng", ông nói.

Trở lại ngôi nhà nhỏ ở Bắc Kinh, ông Zhang cho biết ông không có bảo hiểm y tế hay chương trình hưu trí nào bởi ông không có hộ khẩu ở đây.

Hệ thống hộ khẩu của Trung Quốc dựa trên nơi sinh của bố mẹ. Điều đó có nghĩa là nếu không có nơi cư trú chính thức ở đô thị, nhiều lao động nhập cư không được tiếp cận với các phúc lợi xã hội hay dịch vụ của chính phủ từ lương hưu đến giáo dục công.

Mặc dù đã sống ở Bắc Kinh trong 20 năm nhưng ông Zhang vẫn là một người dân nông thôn và được đưa vào hệ thống lương hưu nông thôn ra đời từ năm 2008.

Theo hệ thống này, người nông dân đóng góp hàng năm ít nhất 100 nhân dân tệ có thể nhận được số tiền hưu tối thiếu mỗi tháng là 55 nhân dân tệ khi họ đến tuổi 60. Trong khi đó, những người hưu trí ở thành thị lại nhận trung bình 2.362 nhân dân tệ mỗi tháng từ năm 2016, theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc.

"Lương hưu ở nông thôn là phúc lợi duy nhất mà tôi có. Tôi sẽ không bao giờ đến được bệnh viện Bắc Kinh vì chi phí y tế quá đắt đỏ", ông Zhang nói và hy vọng con trai ông sẽ may mắn hơn nếu một ngày nào đó cậu có thể trở thành cư dân Bắc Kinh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm