1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Người nuôi gà khóc ròng vì giá gà rẻ, tiền thức ăn tăng cao

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Giá vật tư nông nghiệp cao trong khi giá gà thịt thấp, gà lại khó bán khiến người nuôi điêu đứng, nuôi nhiều lỗ nhiều, càng nuôi càng lỗ.

Tỉnh Tiền Giang có đàn gia cầm gần 17 triệu con, là địa phương có đàn gia cầm lớn bậc nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá sản phẩm gà, vịt, chim cút… không tăng, giá trứng lại giảm khiến người chăn nuôi gặp không ít khó khăn.

Là chủ của trang trại gà thịt và gà đẻ hơn 20 nghìn con, ông Nguyễn Văn Trợ (ở Chợ Gạo, Tiền Giang) đã phải "gồng lỗ" từ năm ngoái tới nay. Dù lỗ nhưng ông chủ trang trại này vẫn phải tái đàn vì "đầu tư chuồng rất tốn kém mà không hoạt động thì xuống cấp rất nhanh".

Người nuôi gà khóc ròng vì giá gà rẻ, tiền thức ăn tăng cao - 1

Chủ trang trại gà quy mô lớn đang như ngồi trên đống lửa khi chi phí không ngừng tăng (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ông Trợ cho biết, giá cám cao, giá gà thịt lại ở dưới ngưỡng hòa vốn. Giá trứng cũng giảm hơn 1/4 so với năm ngoái. Thời điểm này nếu người nuôi tái đàn sẽ cầm chắc lỗ.

Ông Nguyễn Quốc Kiệt (ở thị xã Gò Công, Tiền Giang), chủ thương hiệu gà ta Gò Công với hợp tác xã vận hành hơn 50 trang trại cho biết, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng cao trong thời gian dài ảnh hưởng không nhỏ đến các xã viên.

"Giá gà thịt chúng tôi đã ký hợp đồng dài hạn với các siêu thị thì không thay đổi. Số gà còn lại, dù thương lái mua cao hơn thị trường chung khoảng 5.000 đồng/kg nhưng cũng chỉ đạt 55.000 đồng đến hơn 60.000 đồng/kg", ông Kiệt nói.

Theo khảo sát, hầu hết giống gà thị ở Tiền Giang đều có thời gian nuôi dài hơn 3 tháng. Giá gà thịt trên thị trường hiện tại chỉ dao động từ hơn 50.000 đồng đến hơn 60.000 đồng mỗi kg. Giá trứng gà đã giảm xuống quanh mức 2.200 đồng/quả.

Người nuôi gà khóc ròng vì giá gà rẻ, tiền thức ăn tăng cao - 2

Nuôi sẽ lỗ nhưng nông dân vẫn phải tái đàn để duy trì vận hành trang trại (Ảnh: Nguyễn Cường).

Nhiều chủ trang trại cho biết không chỉ lỗ vì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao mà còn lỗ vì lãi suất ngân hàng cũng tăng. Bên cạnh đó, mọi chi phí khác trong quá trình chăn nuôi như thuốc men, điện nước, nhân công cũng có chiều hướng tăng khiến việc duy trì trang trại càng thêm khó.

"Xây dựng trang trại hầu hết mọi người đều vay vốn. Thời điểm vay để đầu tư, lãi suất thấp nên tính toán thấy có lời, nhưng giờ lãi ngân hàng đã tăng nên lỗ càng thêm lỗ", một chủ trang trại nói.

Ông Đặng Thành Tài - Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Đông - cho biết, địa phương có trên 100 hộ dân nuôi gà quy mô trang trại. Thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng trong khi giá gà thịt không tăng, đầu ra lại bị co hẹp khiến người nuôi gặp không ít khó khăn.

Người nuôi gà khóc ròng vì giá gà rẻ, tiền thức ăn tăng cao - 3

Giá gà không đạt ngưỡng hòa vốn, chỉ những hộ nuôi đã liên kết được đầu ra mới tạm ổn khi vật tư nông nghiệp tăng (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Giá thức ăn chăn nuôi đã tăng rất mạnh so với trước dịch Covid-19, riêng từ năm ngoái tới nay đã tăng khoảng 15%, trong khi giá gà thịt không tăng. Giá gà thịt phải đạt 70.000 đồng/kg thì người nuôi mới có lãi.

Chúng tôi có khảo sát thị trường thì thấy nhu cầu tiêu thụ gà của các nhà hàng, quán ăn hay kể cả trong dân cũng xuống rất thấp, đầu ra khó khăn. Giá cám lên nữa thì người nuôi gà chỉ còn nước giải tán chuồng", ông Tài nói.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp các cấp vẫn đang cố gắng bằng nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân, tuy nhiên vấn đề chi phí nông nghiệp tăng, đầu ra bất ổn là do thị trường, bị tác động bởi nhiều yếu tố. 

Theo ông Hoan, trước những khó khăn, biến động, nông dân cần chủ động hơn trong sản xuất, liên kết với nhau để tập trung nguồn lực, sản xuất theo hướng tuần hoàn, chuỗi giá trị để tối ưu chi phí.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm