Người Nhật và câu chuyện về loài cá ngừ triệu yên

(Dân trí) - Từ loại phế phẩm và thức ăn cho mèo trước năm 1960, giờ đây, cả đất nước mặt trời mọc đều náo loạn vì giá thành của một chú cá ngừ đã lên tới mức giá triệu yên…

Trong khi đó, các nhà khoa học lo ngại mức giá đỉnh điểm tiết lộ về sự tuyệt chủng báo trước của loài động vật này.

Đầu tháng 1 vừa qua, giá của một con cá ngừ đã lên tới 4,5 triệu yên (tương đương 37.500 USD) trong cuộc đấu giá đầu tiên trong năm, tổ chức tại chợ cá nổi tiếng của Tokyo. Đầu bếp Kiyoshi Kimura - người đứng đầu nhà hàng Sushi Zanmai cho biết, ông rất bất ngờ sau khi sở hữu loài cá được mệnh danh là “Ferrari đại dương” với giá rẻ vậy, bởi chỉ 2 năm trước đó, ông đã phải trả tới 155,4 triệu yên (tương đương 1,76 triệu USD) cho một con cá ngừ vây xanh chỉ lớn hơn ít nhiều, khi đối chọi với một chủ nhà hàng người Hongkong.

Người Nhật và câu chuyện về loài cá ngừ triệu yên

Nhân viên nhà hàng Sushi Zanmai đánh bóng con cá ngừ nặng 222kg tại chợ cá Tsukiji ở Tokyo (Nhật Bản) - Ảnh: Independent

Theo AFP, giá của loài cá đắt đỏ này đã thấp hơn dự kiến do thiếu sự tham gia của các đơn đấu giá, đồng thời, số lượng ngày càng lớn cá ngừ vây xanh ở vùng biển phía Bắc Nhật Bản cũng ảnh hưởng ít nhiều tới tình hình thị trường. Tuy nhiên, nhu cầu ăn uống của người dân Nhật Bản có thể tác động xấu tới sự tồn tại của loài cá này trong tương lai gần.

Tại khu vực Thái Bình Dương, cá ngừ vây xanh chia ra làm hai dòng - số cá phía Tây sinh sản ở vịnh Mexico, hoặc số cá phía Đông ngụ ở vùng biển Địa Trung Hải. Trước năm 1950, ngư dân ở vùng Tây Thái Bình Dương hầu như không để tâm tới loài cá này, nhưng nhu cầu nhanh chóng tăng vọt, ví dụ vào năm 1964, lượng cá tiêu thụ khoảng khoảng 18.000 tấn - gấp 18 lần so với đầu những năm 60. 

Ở vùng biển Địa Trung Hải, dù loài cá này đã tồn tại hàng nghìn năm, nhưng những năm 1990 chính là thời điểm bùng nổ của ngành đánh bắt cá quy mô công nghiệp. Tính tới 2007, sản lượng trung bình hằng năm lên tới 60.000 tấn. 

Tháng 11 năm ngoái, số liệu do IUCN - Hiệp hội Bảo tồn Thiện nhiên Quốc tế tính toán đã tiết lộ lượng cá ngừ vây xanh đã giảm 19-33% trong khoảng 22 năm vừa qua, chủ yếu là để thỏa mãn nhu cầu về sushi và sashimi tại châu Á, đặc biệt là Nhật Bản. Hầu hết chúng đều bị bắt khi còn ở độ tuổi chưa trưởng thành (khoảng 36kg), vì thế gần như loài này không thể tái sản xuất được.

Không chỉ có Nhật Bản, bếp trưởng Mỹ gần như cũng chẳng thể chối từ sự thơm ngon của loài cá này, mặc dù các tổ chức bảo tồn và nhà sinh vật học biển đã nỗ lực bảo vệ cho chúng bao năm qua. Phương tiện thông tin truyền thông cũng như những người sành ăn bắt đầu nhắc đến loài động vật này năm 2009, và cho tới năm 2010, Trung tâm Đa dạng Sinh học đã thiết lập chương trình Phản đối ăn Cá ngừ nhằm kêu gọi 80.000 chữ ký từ những người không ăn hay phục vụ cá ngừ.

Ngày nay, loài cá giá trị nhất thế giới này thậm chí còn thu hút sự chú ý của giới mafia Italia và Nga - những người kiểm soát hầu hết giao dịch thương mại ở vùng Địa Trung Hải. Tuy nhiên, dẫn lời bếp trưởng 80 tuổi Jiro Ono - người sở hữu nhà hàng Sukiyabashi Jiro danh tiếng được đánh giá 3 sao Michelin ở Tokyo: “Ba năm trước, tôi nói với những chàng trai làm việc cho nhà hàng rằng nguyên liệu sushi chắc chắn sẽ thay đổi trong vòng 5 năm tới. Và giờ, mọi thứ đang dần trở thành sự thật”.

Người Nhật và câu chuyện về loài cá ngừ triệu yên
Một đĩa sashimi tổng hợp, bao gồm những lát cá ngừ nuôi 100% thuộc Trường Đại học Kinki - Ảnh: Justin McCury/Guardian

Sự biến đổi về số lượng của loài cá ngừ vây xanh đe dọa tới hệ sinh thái biển và ngành thực phẩm,vậy nên để đảm bảo nguồn cung cá ngừ, Đại học Kinki đã dành hơn 40 năm phát triển phương thức nuôi trồng cá ngừ vây xanh từ trong trứng tới khi trưởng thành ở hai trang trại lớn miền Tây Nhật Bản. 

Mới đây, họ cho biết có thể tăng gấp ba lần số cá ngừ vây xanh trưởng thành lên 6.000 con vào năm 2020. Các bếp trưởng cũng đã dần chuyển sang tiêu dụng loại cá ngừ này và nhận ra rằng không hề có sự khác biệt đáng kể giữa chất lượng và hương vị so với cá ngừ đại dương.

Trâm Phạm
(Tổng hợp)


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”