Người Hàn Quốc "phát điên" vì thiếu điện giữa mùa Hè
(Dân trí) - Hàng loạt cơ quan chính phủ Hàn Quốc hôm 12/8 đã được lệnh phải tắt máy điều hòa nhiệt độ trong bối cảnh hai nhà máy điện của nước này bị trục trặc khiến nguồn cung sụt mạnh. Trong thời tiết nắng nóng gay gắt, các công sở càng thêm ngột ngạt.
Theo hãng tin AFP, sự cố trên đến vào một thời điểm khó có thể tệ hơn khi Hàn Quốc đang phải hứng chịu đợt nắng nóng kéo dài, với nhiệt độ lên tới 34 độ C. Một nhân viên chính phủ tại Seoul đã miêu tả văn phòng của chị như “một cái rổ lớn tối lờ mờ”.
Cùng lúc này, nắng nóng cũng đang liên tục lập kỷ lục tại nước láng giềng Nhật Bản với nhiệt độ ngày 12/8 lên tới 41 độ C. Báo giới nước này cho biết, ít nhất 9 người thiệt mạng vì say nắng dịp cuối tuần.
Bắt đầu từ hôm qua nhà máy nhiệt điện Dangjin III của Hàn Quốc, công suất 500 MW, đã không còn cung cấp điện cho mạng lưới do các vấn đề kỹ thuật. Theo người phát ngôn của cơ quan truyền tải điện quốc gia Hàn Quốc, nhà máy này có thể phải đóng cửa trong suốt 1 tuần.
Cách nhà máy này không xa, nhà máy điện Seocheon cũng đã có thời điểm ngừng hoạt động vì sự cố kỹ thuật. Tuy nhiên sau khoảng một giờ, điện đã được phát trở lại. Seocheon có công suất 200 MW và cũng chạy bằng than.
Những sự cố nêu trên diễn ra giữa lúc tranh cãi về lĩnh vực điện hạt nhân tại Hàn Quốc vẫn chưa đến hồi kết.
“Chúng ta sắp đối mặt với cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất”, Bộ trưởng công nghiệp, thương mại và năng lượng Yoon Sang-Jick khẳng định hôm 11/8. “Chúng ta có thể tiếp tục phải chứng kiến tình trạng mất điện gia tăng…nếu chỉ cần một nhà máy điện ngừng hoạt động”. Đồng thời ông Yoon kêu gọi các nhà xưởng, hộ gia đình, cửa hàng giảm tiêu thụ điện trong 3 ngày tới.
Lần gần nhất chính phủ Hàn Quốc phải có các biện pháp ép buộc tiết giảm sử dụng điện là vào tháng 9/2011, khi nhu cầu tăng cao bất thường khiến lượng điện dự trữ xuống mức thấp nhất trong hàng thập niên.
Khi đó, sự cố rã lưới điện khiến hơn 6 triệu hộ gia đình và doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng. Khoảng 3000 người bị mắc kẹt trong các thang máy. Phản ứng dữ dội của dư luận sau đó khiến Bộ trưởng năng lượng lúc bấy giờ phải từ chức.
Chính phủ Hàn Quốc ước tính rằng, nếu một sự cố tương tự xảy ra trong tương lai, tổn thất kinh tế với nước này sẽ lên tới khoảng 11.000 tỷ won (10 tỷ USD).
Trữ lượng điện quốc gia 4 gigawatt được xem là mức tối thiểu để Hàn Quốc có thể đảm bảo nguồn cung điện ổn định. Nếu con số này xuống dưới 2 gigawatt, một cảnh báo tự động sẽ được phát đi, yêu cầu toàn bộ cơ quan chính phủ tắt máy điều hòa, bóng đèn và các thiết bị không thiết yếu.
Trong ngày thứ Hai, để phòng ngừa, Bộ năng lượng đã yêu cầu thực hiện biện pháp này ngay lập tức cho dù trữ lượng điện tối thiếu nêu trên chưa chạm ngưỡng cảnh báo.
Miêu tả tình hình là “cực kỳ khẩn cấp”, Bộ trên còn yêu cầu các cơ quan chính phủ tắt máy làm lạnh nước còn các nhân viên phải đi cầu thang bộ khi có thể, thay vì thang máy.
Các biện pháp giám sát các trung tâm mua sắm cũng được thắt chặt. Hiện các trung tâm này có thể bị phạt nếu để nhiệt độ trong tòa nhà xuống dưới 26 độ C.
Trong khi đó, ngành điện hạt nhân của Hàn Quốc vẫn đang vật lộn với cuộc khủng hoảng mini, khiến hàng loạt lò phản ứng phải đóng cửa để sửa chữa, hoặc do liên quan đến vụ bê bối thiết bị sử dụng giấy chứng nhận chất lượng giả.
Hàn Quốc hiện có 23 lò phản ứng hạt nhân, đáp ứng 30% nhu cầu điện năng của nước này. Tuy nhiên 6 lò phản ứng đang phải tạm ngừng hoạt động.
Những cảnh báo và mệnh lệnh giảm tiêu thụ điện đã khiến công chúng nước này tức giận. nhiều người đổ lỗi cho chính phủ không có các biện pháp phòng ngừa cần thiết.
“Đây không phải là mùa Hè nóng nực đầu tiên chúng ta đối mặt. Chính phủ đã làm gì từ mùa Hè trước và cả mùa Hè trước nữa?”, một cư dân mạng bình luận bên dưới bài viết đăng tải thông báo của Bộ năng lượng.
“Tại sao họ không yêu cầu những tập đoàn ngốn năng lượng của Hyundai, Samsung hay LG tiết kiệm năng lượng, thay vì ép buộc người dân mỗi mùa Hè’, một độc giả khác chất vấn.
Thanh Tùng
Theo AFP