Người Hàn “chuộng” mực, bạch tuộc, doanh nghiệp thủy sản Việt “hốt bạc”

(Dân trí) - Nhu cầu về thủy hải sản sạch, tốt cho sức khỏe như mực, bạch tuộc của người Hàn Quốc tăng cao đang mang đến những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam

Người Hàn “chuộng” mực, bạch tuộc, doanh nghiệp thủy sản Việt “hốt bạc” - 1

Xuất khẩu mực và bạch tuộc sang Hàn Quốc đang gặp nhiều thuận lợi.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Hàn Quốc vẫn đang là thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam.

Theo Vasep, Hàn Quốc là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số 5 thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc của Việt Nam. Trong 3 tháng tháng đầu năm 2019, xuất khẩu mực và bạch tuộc sang thị trường này tăng gần 35% đạt 61,5 triệu USD.

Nhu cầu tiêu thụ ổn định cộng với lợi thế thuế quan từ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA) đã giúp duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ổn định của mực, bạch tuộc Việt Nam sang thị trường này.

Trong hai mặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc nói trên thì bạch tuộc chính là mặt hàng xuất khẩu chủ đạo với tỉ trọng 77,6%, còn lại là mực. Trong đó, bạch tuộc khô, bạch tuộc muối, bạch tuộc tươi và bạch tuộc đông lạnh là những sản phẩm được Hàn Quốc nhập khẩu nhiều nhất. Tiếp theo là các sản phẩm như mực khô, mực nướng, mực tươi và mực đông lạnh.

Hiện nay, Việt Nam đang hưởng mức thuế xuất khẩu sang Hàn Quốc là 0% đối với các sản phẩm bạch tuộc tươi, bạch tuộc sống và đông lạnh.

Người Hàn Quốc có nhu cầu tiêu thụ các loại nhuyễn thể chân đầu ở mức cao, đặc biệt là sản phẩm khô. Việc nhập khẩu mực, bạch tuộc của Hàn Quốc trong những năm gần đây có xu hướng tăng do nhu cầu cao về nguồn thực phẩm sạch, tốt cho sức khỏe.

Người Hàn “chuộng” mực, bạch tuộc, doanh nghiệp thủy sản Việt “hốt bạc” - 2

Bạch tuộc là sản phẩm được ưa chuộng tại Hàn Quốc

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong quý I/2019, Hàn Quốc nhập khẩu mực và bạch tuộc từ 8 nguồn cung khác nhau. Trung Quốc chính là nguồn cung lớn nhất của những mặt hàng này với 57,4% thị phần, tiếp đến là Peru với 26,8% và Việt Nam đứng thứ 3 với 11,6% thị phần.

Đại Việt