1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Người dân tăng mua máy lọc không khí trong những ngày giãn cách

(Dân trí) - Trong những ngày giãn cách xã hội, nhiều gia đình ở Hà Nội đã đi mua máy lọc không khí.

Máy lọc không khí đắt hàng

Dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp khiến người dân càng có ý thức bảo vệ sức khỏe. Không ít người mạnh tay chi tiền mua máy lọc không khí.

Chỉ cần gõ cụm từ "máy lọc không khí" trên thanh tìm kiếm của Google, người tiêu dùng có thể thấy hàng trăm kết quả về đa dạng các loại sản phẩm của các hãng khác nhau. Có những loại chỉ từ 1 đến 2 triệu đồng, nhưng có những loại máy lọc không khí với độ lọc khuẩn tối ưu có thể có giá lên đến hơn 90 triệu đồng. 

Các loại máy lọc không khí có hình dạng, kích thước và thương hiệu khác nhau sẽ có giá thành khác nhau. Có những loại máy lọc không khí mini được sử dụng trong ô tô và không gian hẹp sẽ chỉ có giá vài trăm nghìn. Tùy theo giá tiền, các loại máy lọc không khí sẽ có chức năng khác nhau.

Người dân tăng mua máy lọc không khí trong những ngày giãn cách - 1

Ở nhà giãn cách, cách ly phòng Covid-19, người Hà Nội mạnh tay chi tiền triệu mua máy lọc không khí.

Bà Nguyễn Thị Hảo (sinh năm 1965, sinh sống tại Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Mùa dịch bệnh này, tôi mong muốn gia đình có thể được sống trong bầu không khí trong lành. Không những vậy, bụi bẩn từ đường phố bay vào nhà cũng gia tăng nguy cơ bị bệnh về đường hô hấp. Nhà tôi còn có cháu nhỏ nên máy lọc không khí là sản phẩm rất cần thiết. Tôi mua máy lọc không khí trên trang web với giá 26 triệu đồng".

Không chỉ được bán tại các cửa hàng điện máy, máy lọc không khí còn được rao bán nhiều trên mạng xã hội và một số trang thương mại điện tử khiến tình trạng loạn giá bắt đầu xuất hiện. Có những loại máy lọc không khí được bán với giá rẻ nhưng chức năng lại được thổi phồng một cách quá đà. 

Tuy vậy, người tiêu dùng không nên hoàn toàn tin tưởng vào những lời quảng cáo trên mạng mà chưa có kiểm chứng cụ thể như công dụng diệt Covid-19 khi chưa có các công bố của các chuyên gia ngành liên quan. Đặc biệt người mua cần tránh chọn mua các sản phẩm cũ, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.  

Giá cước vận chuyển tăng đột biến

Nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân TPHCM tăng cao cộng với việc số lượng tài xế giao hàng giảm mạnh đã khiến giá cước tăng chạm đỉnh.

Chị T.C. (quận Tân Bình, TPHCM) cho biết, giá cước vận chuyển hàng hóa (phí ship) đã tăng rất nhiều so với trước.

Cụ thể, chị C. đặt shipper (người giao hàng) của Ahamove đưa bánh bông lan từ quận Tân Bình đến hai địa điểm ở quận 2 và quận 7 hết 250.000 đồng. Trong khi ngày thường, chị chỉ mất từ 100.000 đến 120.000 đồng.

"Phí ship đã tăng rất sốc, Ahamove dường như đã tăng 2 lần so với bình thường và Grab cũng tăng mạnh", chị C. than thở.

Người dân tăng mua máy lọc không khí trong những ngày giãn cách - 2

Người dân phải trả 250.000 đồng cho việc giao bánh bông lan đến hai địa điểm tại TPHCM (Ảnh: T.C).

Chị Nguyễn Thị Dung (quận 3) kể, chị đặt shipper của Grab để giao thịt và rau củ cho em gái ở quận Bình Thạnh. Bình thường, phía ship là khoảng trên dưới 40.000 đồng nhưng hôm nay chị phải trả hơn 70.000 đồng.

"Tôi gửi rau và thịt chỉ khoảng 150.000 đồng mà tiền vận chuyển chiếm gần một nửa so với tiền thức ăn. Giá ship đúng là tăng chóng mặt", chị Dung nói.

Không chỉ bất ngờ vì tiền vận chuyển tăng mạnh, không ít người than thở việc phải mở hàng hóa để shipper kiểm tra trước khi đi giao.

Anh Bùi Trọng Hiếu (quận 10) cho biết, anh gửi cá biển qua cho người thân ở quận 5. Sau khi cho cá vào thùng xốp, dán băng keo cẩn thận thì anh được shipper yêu cầu mở thùng cá ra kiểm tra.

"Tài xế nói phải kiểm tra xem có phải thực phẩm thiết yếu không, nếu không phải thì họ sẽ không chở. Tôi đành gỡ băng keo ra cho shipper kiểm tra rồi dán băng keo lại để gửi hàng", anh Hiếu thông tin.

Anh Hiếu thừa nhận việc gửi hàng hóa trong những ngày qua là không hề dễ dàng, nhất là khi Chỉ thị 16 được nâng cao, shipper bị kiểm tra gắt gao và hạn chế đi lại hơn trước.

Nông dân miền Tây đổ bỏ hàng nghìn lít sữa bò

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều nông dân nuôi bò sữa tại Sóc Trăng, Cần Thơ đang lao đao khi sữa bò vắt ra không bán được phải đổ bỏ hoặc cho bò con uống.

Bà Lâm Thị Thúy Liễu (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, gia đình bà có 4 con bò đang cho sữa. Mỗi ngày, bà vắt được khoảng 60 kg sữa. Trước đây, bà bán cho Hợp tác xã Bò sữa Sóc Trăng (có địa chỉ tại xã Tài Văn, huyện Trần Đề) nhưng từ ngày 19/7 do dịch Covid-19 phức tạp nên công ty không đến thu mua.

"Không bán được nên tôi phải mang về cho bà con hàng xóm nhưng cũng không dùng hết nên lại đem cho mấy con bò nhỏ uống. Cho bò nhỏ uống tưởng là tốt, ai dè mấy con bò đó nó bị tiêu chảy, bụng trướng lên, tưởng là chết, cuối cùng phải bỏ sữa", bà Liễu buồn rầu nói.

Từ ngày 19/7 đến nay, gia đình bà Liễu phải đổ bỏ khoảng 60 lít sữa mỗi ngày. Sữa không bán được nhưng bò thì vẫn phải được chăm sóc chu đáo. Ngoài việc tự cắt cỏ cho bò ăn, mỗi ngày, gia đình bà phải chi 200.000 đồng tiền thức ăn cho bò. 

Tương tự, ông Lương Sà Rươi có 2 con bò đang cho sữa nhưng từ khi giãn cách xã hội mỗi ngày gia đình phải đổ bỏ gần 25 lít sữa vì không thể chở đi bán được.

Một số hộ nuôi bò sữa ở Sóc Trăng cho hay, họ phải đổ bỏ sữa do đang thời gian cách ly, xe vận chuyển sữa không thể qua được các chốt kiểm dịch Covid-19 nên không bán được. 

Người dân tăng mua máy lọc không khí trong những ngày giãn cách - 3

Người dân nuôi bò đổ sữa vì không thể chở đi bán và xe của công ty cũng không thể đến mua.

Ông Châu Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Tâm cho biết, các hộ nuôi bò sữa cặp Quốc lộ 1, cung cấp cho công ty chế biến sữa tại địa phương thì vẫn có thể bán được vì có "luồng xanh" vận chuyển. Tuy nhiên, các hộ ở sâu bên trong thường bán cho HTX Evergrowth điểm thu mua tại TP Sóc Trăng thì phải đổ bỏ sữa do xe vận chuyển không thể qua được các chốt kiểm dịch.

Chỉ tính riêng địa bàn 2 xã Tham Đôn và Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) có 70 hộ nuôi bò sữa đang gặp khó khi không bán được sữa khiến cho lượng sữa tồn đọng phải đổ bỏ khoảng 1.400 lít mỗi ngày.

Quán ăn ồ ạt rao bán, thanh lý đồ dùng

Dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài khiến nhiều quán ăn, nhà hàng không thể cầm cự và phải ra quyết định cuối cùng là đóng cửa quán vĩnh viễn. Điều này đồng nghĩa với việc các đồ dùng trong quán được mang ra thanh lý, bán với giá "rẻ như cho".

Vừa đăng bài thanh lý bàn ghế, nồi, xoong, chảo lên mạng, chị L.P. (Cầu Diễn, Hà Nội) cho biết, "tất tần tật đồ dùng" trong quán sẽ được bán với giá siêu rẻ, chỉ bằng 1/2 giá mua mới.

"Quán tôi quyết định dừng kinh doanh nên đang tìm người có nhu cầu mua lại số đồ dùng, còn mặt bằng thì đã có bên liên hệ. Quán này tôi thuê từ năm trước để bán lẩu, cháo, phở nhưng do dịch Covid-19 không chịu nổi nhiệt, phải sang nhượng lại", chị nói.

Người dân tăng mua máy lọc không khí trong những ngày giãn cách - 4

Nhiều quán hàng quyết định đóng cửa vĩnh viễn do không chịu nổi sức ép về mặt kinh tế.

Tương tự, một tài khoản facebook có tên là A.T. đăng tải bài viết: "Mình nghỉ cửa hàng nên cần thanh lý 9 bộ bàn ghế mới, vừa đóng giá 1,1 triệu đồng/bộ, tủ hàng là 3 triệu đồng, nồi nấu phở là 2,5 triệu đồng, tủ bảo ôn có giá 3 triệu đồng. Mình ở Hà Nội nên ai có nhu cầu thì liên hệ với số điện thoại bên dưới".

Liên hệ với chủ quán, phóng viên Dân trí được biết, quán này nằm trên đường Ba La (Hà Đông). Quán được mở từ đầu năm nay để bán phở, cháo lòng và tiết canh.

"Quán tôi có diện tích khá rộng, khoảng 100 m2 nên chi phí về mặt bằng là khá lớn trong khi nguồn thu thì không có. Từ khi dịch Covid-19 trở lại, việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn, nên trước mắt, chúng tôi sẽ đóng cửa quán và sang nhượng lại tất cả", chị nói.

Tuy nhiên, theo chị A.T. việc sang nhượng quán hay bán lại đồ dùng ở thời điểm hiện nay là vô cùng khó khăn. Nhà chị vẫn chưa tìm được người đồng ý mua tất cả đồ dùng dù đã đưa ra mức giá hấp dẫn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm