Người đàn ông từng giàu nhất Trung Quốc bị bắt
(Dân trí) - Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn nguồn từ tạp chí Caixin cho hay, "ông trùm" năng lượng Lý Hà Quân (Li Hejun), người đàn ông từng giàu nhất Trung Quốc, vừa bị cảnh sát bắt giữ vào tháng trước.
Ông Lý Hà Quân, người sáng lập Tập đoàn Hanergy, đã bị cảnh sát bắt vào ngày 17/12/2022 ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc. Theo Caixin, cho đến thời điểm này ông vẫn chưa trở về và chưa rõ lý do ông bị giam giữ.
Tuy nhiên, nguồn tin giấu tên của Jiemian News cho hay, việc giam giữ này có thể liên quan đến những khó khăn tại Ngân hàng Cẩm Châu, bên cho vay lớn nhất của vị tỷ phú trên.
Theo đó, ngân hàng này đã cho tập đoàn năng lượng của ông Lý vay gần 10 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,5 tỷ USD) khi công ty con của tập đoàn là Hanergy Thin Firm thực hiện đợt IPO trên sàn chứng khoán Hồng Kông vào năm 2015. Thời điểm đó, công ty này đã huy động được 6 tỷ HKD, tương đương 765 triệu USD.
Cũng nhờ giá cổ phiếu Hanergy tăng hơn 7 lần chỉ trong 12 tháng, nên năm 2015, ông Lý Hà Quân đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc do Tạp chí Hồ Nhuận xếp hạng, với giá trị tài sản ròng 26 tỷ USD.
Tuy nhiên, đến tháng 5/2015, giá cổ phiếu Hanergy đột ngột bị bán tháo, khiến giá trị của tập đoàn giảm 47%, mất tổng cộng 144,2 tỷ HKD, chỉ trong 20 phút. Đợt bán tháo này diễn ra khi ông Lý đang phát biểu tại cuộc họp cổ đông thường niên với cam kết rằng sẽ xây dựng đế chế kinh doanh này lớn hơn cả Apple.
Cổ phiếu của công ty ông đã bị buộc phải hủy niêm yết sau một cuộc điều tra của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch tương lai Hồng Kông (SFC). Cơ quan này cũng đã cấm ông Lý Hà Quân làm giám đốc trong 8 năm vì không tiết lộ các khoản vay giữa doanh nghiệp niêm yết tại Hồng Kông và công ty mẹ, Hanergy Mobile Energy Holding.
Tòa án sơ thẩm cũng phán quyết ông vi phạm nghĩa vụ của mình đối với các cổ đông của Hanergy vì đã có một số giao dịch và khoản vay giữa công ty con Hanergy Thin Firm và công ty mẹ dù có xung đột lợi ích rõ ràng.
Tỷ phú Lý Hà Quân bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh vào năm 1989 sau khi mượn 50.000 nhân dân tệ từ một giảng viên đại học. Ông cho biết đã kiếm được 80 triệu nhân dân tệ chỉ trong 5 năm.
Năm 1994, ông chuyển sang lĩnh vực năng lượng bằng cách mua một nhà máy thủy điện nhỏ ở tỉnh Quảng Đông - quê hương ông, trước khi đầu tư vào hàng chục nhà máy thủy điện trên khắp Trung Quốc.
Sau đó, ông đã bán phần lớn tài sản của mình để cấp vốn cho dự án đại thủy điện ở Vân Nam. Ông đã mất 9 năm cho dự án này với tổng đầu tư hơn 20 tỷ nhân dân tệ. Nhà máy này đã mang lại 20 triệu nhân dân tệ mỗi ngày cho công ty ông.
Năm 2011, ông chuyển sang lĩnh vực điện mặt trời. Trong khi hầu hết mọi người đặt cược vào polysilicon thì ông lại chọn công nghệ màng mỏng có hiệu quả thấp hơn và chi phí cao hơn.
Tháng 12/2019, theo Caixin, giám đốc tài chính của Hanergy là Huang Songchun cũng đã bị bắt, tuy nhiên vài ngày sau ông này đã được thả ra và sau đó từ chức, rời khỏi tập đoàn.
Cùng năm đó, Ngân hàng Cẩm Châu gặp rắc rối lớn về tài chính. Ngân hàng này từng được coi là gương mặt sáng giá trong các ngân hàng ở Trung Quốc khi có tốc độ tăng trưởng cao và lợi nhuận tốt.
Tuy nhiên, hình ảnh này đã sụp đổ vào năm 2019 khi ngân hàng này thừa nhận lỗ 4,5 tỷ nhân dân tệ trong năm 2018 và lỗ thêm 868 triệu nhân dân tệ trong 6 tháng đầu năm 2019. Ngân hàng này sau đó đã được Ngân hàng Công thương Trung Quốc cứu trợ với khoản tái cấp vốn trị giá 3 tỷ nhân dân tệ.
Theo Beijing Youth Daily, trong thời gian từ năm 2020 đến năm 2022, đã có hơn 63 lãnh đạo của các tổ chức tài chính ở tỉnh Liêu Ninh bị bắt giữ liên quan đến tham nhũng.
Trước đó, vào tháng 5/2019, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã tiếp quản ngân hàng Baoshang ở Nội Mông trong vụ phá sản ngân hàng đầu tiên trong hơn 20 năm tại Trung Quốc.