1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Người dân châu Âu sắp bị cắt điện luân phiên

Nhật Linh

(Dân trí) - Khi thời tiết lạnh hơn trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, chính phủ nhiều nước ở châu Âu cho rằng cắt điện luân phiên là cần thiết, nhằm thích ứng với điều kiện nguồn cung điện khó khăn.

Một số thành phố ở châu Âu đang tính đến phương cắt điện luân phiên để tiết kiệm điện. Tạm thời dịch vụ phát sóng di động và internet sẽ bị cắt, các trường học cũng đóng cửa vì thiếu năng lượng cho chiếu sáng và hệ thống sưởi ấm, thậm chí đèn giao thông cũng có thể bị cắt tạm thời trong thời gian ngắn.

Trước đó, châu Âu đã dành nhiều tháng để tích trữ nhiên liệu để duy trì hoạt động của lưới điện. Nhưng khi nhiệt độ giảm sâu, chính phủ các nước bắt đầu thông báo để người dân chuẩn bị tinh thần có thể phải cắt điện để duy trì nguồn cung năng lượng lâu dài. Điều này chắc chắn sẽ tác động lớn đến cuộc sống hàng ngày của người dân.

Châu Âu đối mặt với nguy cơ thiếu điện

Tuần trước, chính phủ Pháp ra chỉ thị cho các cơ quan trên toàn quốc về khả năng cắt điện luân phiên ngay tháng tới. Vương quốc Anh cũng cảnh báo các hộ gia đình về khả năng cắt điện từ 4h chiều đến 7h tối nếu thiếu khí đốt dùng cho phát điện.

Ở Phần Lan, những người sở hữu xe ô tô điện cũng được khuyến cáo không  làm ấm xe điện vào mỗi buổi sáng để tránh làm căng thẳng lưới điện. Còn ở Đức - quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt của Nga, việc tiêu thụ nến đã tăng vọt.

Viễn cảnh các ngôi nhà, trường học, các hoạt động doanh nghiệp và thậm chí cả các đoàn tàu chạy điện chìm trong bóng tối, dù chỉ trong thời gian ngắn, cũng sẽ là phép thử lớn đầu tiên cho châu Âu về sức chịu đựng khi ngừng phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu Nga.

Các quan chức châu Âu nhấn mạnh, việc phân bổ sử dụng điện năng chỉ là phương sách cuối cùng để ngăn chặn tình trạng mất điện không kiểm soát nếu lượng điện tự sản xuất và nhập khẩu không đủ.

Ông Olivier Véran - người phát ngôn của chính phủ Pháp cho biết: "Việc cắt giảm không chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng nếu mùa đông năm nay đặc biệt lạnh giá và tiêu tốn nhiều năng lượng thì chúng ta phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất".

Người dân châu Âu sắp bị cắt điện luân phiên - 1
Việc cắt điện luân phiên ở Pháp có thể bắt đầu ngay trong tháng tới

Chính phủ Pháp cho biết bất kỳ đợt cắt điện sẽ được thông báo trước nhiều ngày và sẽ chỉ ảnh hưởng đến từng khu vực nhỏ trong những thời điểm khác nhau. Việc cắt điện luân phiên sẽ kéo dài 2 giờ vào buổi sáng hoặc đầu giờ tối nhưng không áp dụng cho bệnh viện, viện dưỡng lão, đồn cảnh sát, trạm cứu hỏa và các nhà tù.

Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, châu Âu đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu Nga bằng cách tăng cường dự trữ khí đốt tự nhiên và thậm chí khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than. Lệnh cấm vận dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga gần đây là một trong nhiều hành động mà Liên minh châu Âu đã thực hiện.

Giá khí đốt đã giảm nhẹ nhờ thời tiết ấm áp bất thường trong tháng 10 và tháng 11 khiến cho các hộ gia đình và doanh nghiệp không cần sử dụng các thiết bị sưởi ấm. Nhưng đợt lạnh sâu sắp tới sẽ khiến các nước phải sử dụng đến nguồn dự trữ khí đốt khẩn cấp. Điều này khiến giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng vọt trở lại lên mức cao nhất trong vòng sáu tuần.

Pháp từng là nhà xuất khẩu điện lớn nhất châu Âu nhờ có 56 nhà máy điện hạt nhân, hiện cũng đang tập trung sửa chữa một loạt sự cố khiến gần một nửa số tổ máy điện hạt nhân của nước này phải ngừng hoạt động. Điều này làm ảnh hưởng đáng kể tới nguồn cung điện cho các nước láng giềng.

Báo cáo gần đây từ Tổ chức các đơn vị vận hành hệ thống truyền tải điện châu Âu cho biết, một số quốc gia như Pháp, Thụy Điển và Phần Lan có rủi ro về cung ứng điện và có nguy cơ xảy ra cắt điện.

Người dân tìm cách đối phó với việc cắt điện luân phiên

Trước những tín hiệu không mấy tốt đẹp trên, người dân châu Âu bắt đầu tìm cách thích ứng với nguy cơ xảy ra cắt điện luân phiên.

Giống như Pháp, dù các quan chức Đức khẳng định khó có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng về điện, nhưng Bộ Tài chính Đức thừa nhận "không loại trừ nguy cơ này".

Vì vậy, Văn phòng Bảo vệ dân sự và hỗ trợ thảm họa của Đức đã kêu gọi người dân dự trữ đèn pin, nến, thậm chí sử dụng bếp cắm trại để nấu nướng đơn giản. Cơ quan này cũng khuyên người dân nên "sử dụng quần áo ấm thay thế cho việc sưởi ấm trong một thời gian" hoặc lắp đặt các nguồn sưởi ấm thay thế.

Người dân châu Âu sắp bị cắt điện luân phiên - 2
Chính phủ Đức quyết định hủy bỏ kế hoạch đóng cửa một số lò phản ứng hạt nhân, đồng thời khởi động lại các nhà máy điện than với hy vọng bù đắp việc mất nguồn khí đốt từ Nga

Tại Thụy Sĩ, người dân được khuyến cáo chuẩn bị cho tình trạng mất điện kéo dài tới vài giờ và được khuyến nghị nên chuẩn bị đủ củi, đèn pin và pin.

Nhà điều hành lưới điện của Phần Lan Fingrid cũng cảnh báo, việc sản xuất điện đang gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Nga và việc chậm mở lò phản ứng điện hạt nhân Olkiluoto 3 của Phần Lan do EDF xây dựng.

Ở Phần Lan, gần 1/3 phương tiện chạy bằng điện nên việc sử dụng ô tô điện khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Fingrid kêu gọi người lái xe nên từ bỏ thói quen bật máy sưởi ô tô điện để làm tan băng vào buổi sáng.

Tại Pháp, một hệ thống cảnh báo cắt điện đã được thiết lập. Ba ngày trước khi cắt điện, chính quyền sẽ thông báo công khai và cảnh báo mọi người thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động có tên là EcoWatt. 

Trong khi một số nơi vẫn được duy trì cấp điện thì đa phần các địa điểm còn lại đều nằm trong diện bị cắt. Thậm chí, tại các trường học, học sinh sẽ ở nhà vào buổi sáng và chỉ đến trường vào buổi chiều khi các lớp học thiếu nhiệt sưởi ấm và đèn chiếu sáng. Tuy nhiên, mất điện khiến mất cả internet nên việc học từ xa cũng trở nên khó khăn.

Ngay cả tàu điện cũng có thể bị ngừng chuyến trong vài giờ ở các khu vực bị ảnh hưởng. Các tài xế cũng được khuyến cáo "hạn chế di chuyển nhiều nhất có thể" vì đèn giao thông có thể "không hoạt động".

Do mất điện, các cột phát tín hiệu di động cũng sẽ ngừng hoạt động. Vào tuần trước, bà Christel Heydemann, CEO của Orange, nhà điều hành mạng viễn thông hàng đầu của Pháp đã cảnh báo rằng có thể sẽ không thực hiện được các cuộc điện thoại khẩn cấp nếu mạng di động bị mất điện.

Tuy chính phủ Pháp bảo đảm mọi người vẫn có thể gọi đến 112 - số khẩn cấp trên toàn châu Âu, nhưng bà Heydemann cho rằng: "Thật ảo tưởng khi nghĩ rằng có thể duy trì dịch vụ cho tất cả người dân Pháp trong trường hợp bị cắt điện".

Theo New York Times