1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Người cả đời “dắt dê” về Việt Nam

Từ vỏn vẹn vài trăm con dê sống hoang dại, phá cây phá rừng khiến con người phải “diệt dê như diệt giặc”, đàn dê Việt Nam đã lên đến gần một triệu rưởi con, mang về cho người nông dân nhiều nguồn thu.

Người cả đời “dắt dê” về Việt Nam
Giải thưởng Edouard Saouma 2000 - 2001 (FAO) cho dự án về dê của ông Bình được mệnh danh là giải “Nobel cho nông nghiệp”. Ảnh: G.T. L
 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 

* Cải cách thể chế 2015-2016: “Đột phá” của “đột phá”

* Thu hút FDI: Bản lĩnh và sự khôn ngoan

* Những điều ít biết về tỷ phú Phạm Nhật Vượng

* Ngoại hình đẹp dễ trở thành đại gia

* Cơ hội làm lớn - vươn xa của doanh nghiệp xây dựng Việt

* Nỗi ngán ngẩm của các nước với 'gã nhà giàu' Trung Quốc

Công đầu thuộc về ông Đinh Văn Bình, PGS.TS - nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây (thuộc Viện Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn).
 
Ông tiến sĩ về hưu nhớ nhung đàn dê
 
Xuất phát từ con dê núi bé nhỏ sống quảng canh, không cho sữa, cho rất ít thịt ở vùng Gia Viễn (Ninh Bình) quê hương, ông Bình cứ trăn trở sao một đất nước đồi núi mênh mông như nước mình mà lại không phát triển đàn dê để lấy thịt, vắt sữa làm giàu cho đất nước?

Ông bảo: “Con dê nó giỏi leo trèo, biết chơi đùa, đặt tên cho nó được. Cứ vừa nói chuyện với nó vừa vắt sữa là sữa nó ra rất nhiều. Nó khôn lắm, lúc trở dạ thấy mình ra là nó cứ nhìn mình, mình kéo từ từ cho con nó ra là nó biết ơn mình lắm. Nó tình cảm lắm. Sao không nuôi?”. Có lẽ, phải là người tận tụy, say sưa mấy chục năm trong nghề như ông Bình thì mới biết được những điều đó. 

Suốt 30 năm qua, ông Bình đã đi khắp các nước trên thế giới từ Ấn Độ, Pháp, Mỹ…, cứ nơi nào có con dê giống tốt nhất là ông mang về Việt Nam. Có dê giống rồi, ông cho lai tạo với dê cỏ của Việt Nam, rồi nhân rộng đàn dê khắp 3 miền đất nước. Ông nghiên cứu làm vaccine, tìm thuốc để phòng chữa bệnh, rồi cất công tìm thức ăn tốt cho dê. 

Ông kể: “Tôi phải tìm mọi cách mới mang được giống cây “chè khổng lồ”- một loại thức ăn cho dê và gia súc từ nước ngoài về, phải bọc cái cành cây nhỏ đấy vào giấy bạc mới qua nổi hải quan mà mang về đấy”. Hơn thế nữa, ông còn sang Pháp học làm pho mát từ sữa dê rồi về trung tâm làm, bán cho đại sứ quán các nước và người nước ngoài sống ở Hà Nội, khiến họ trầm trồ thán phục. 

Ông Bình nghiên cứu dê, nuôi dê, sống cùng con dê nhiều hơn sống với gia đình, đến nỗi người nông dân “phong” ông là “nhà dê học”, gọi đàn dê là “dê ông Bình”. Về hưu rồi, ông vẫn hằng ngày nhung nhớ, trăn trở với con dê.
 
Mỗi khi con dê gặp “trái gió trở trời”, người dân khắp nơi lại lấy điện thoại a lô cho ông Bình than thở, nhờ ông cứu chữa từ xa. Chuông điện thoại reo, ông Bình bắt máy: “à, à, 90% là nó bị tụ huyết trùng rồi đấy”, “Đến tháng này, anh phải tiêm vaccine phòng hoại tử ruột cho nó ngay”… 

Lại có cuộc điện thoại khiến ông Bình lặng người, không nói được câu nào, nước mắt ứa ra, ở đầu dây bên kia có tiếng người xao xác lẫn trong tiếng mưa rơi: “ông Bình ơi, đàn dê của tôi bị lũ cuốn trôi hết rồi. Huhu...”.

Chân dung “nhà dê học” Đinh Văn Bình.

Chân dung “nhà dê học” Đinh Văn Bình.

 
“Con dê đã hồi sinh tôi”

Năm 2002, khi đang trên đường từ Sơn Tây lên Trường Đại học Lâm nghiệp dạy cao học, ông bị tai nạn giao thông. Vụ tai nạn kinh hoàng ấy đã cướp đi người lái xe thân cận của ông. Người ta lôi ông tiến sĩ từ trong cái ôtô bẹp dí rồi đưa đi bệnh viện. Nhiều người thốt lên: “Trời ơi, chết rồi còn đưa vào viện làm gì?”. 

Thế rồi, các bác sĩ họp khẩn, quyết định mổ phanh bụng ông tiến sĩ ra: Lá lách nát bét phải cắt bỏ, xương sườn thì gẫy đến 8 chiếc, rồi cả xương quai xanh cũng vỡ vụn. Không ai nghĩ ông có thể sống sót trở về.
 
Toàn thể anh chị em ở Trung tâm Dê Thỏ và nhiều người dân vùng Sơn Tây, Ba Vì tập họp lại, thông báo về tình hình ông Bình rồi ôm nhau khóc. Đàn dê ông Bình dường như cũng biết chuyện, buồn thiu chẳng thiết ăn uống nữa. 

Sau khi phẫu thuật, ông Bình vẫn chưa qua cơn nguy kịch. Trong suốt hơn 20 ngày chợt tỉnh rồi lại mê ấy, ông Bình không ăn, không uống. Nghe tư vấn của nhiều chuyên gia nước ngoài là bạn thân của ông Bình đến từ đại sứ quán các nước, để duy trì sự sống cho ông, người nhà đã sử dụng sữa dê từ chính đàn dê ông Bình mà người dân nuôi, tiệt trùng rồi bơm vào cho ông uống thay cơm cháo.

Phép màu đã xuất hiện, ông Bình đã tỉnh táo trở lại. Vài tuần sau, ông chống nạng tập đi. Giờ ông Bình đã ngoại lục tuần, vẫn ngồi đây nói sang sảng: “Con dê đã hồi sinh tôi. Tôi muốn gây dựng đàn dê nhiều triệu con ở Việt Nam”. 

Hiện nay, ông Bình đang bắt tay vào công việc làm cố vấn cao cấp về dê sữa cho một công ty. Sắp tới, ông sẽ lại vi vu khắp thế giới, tìm đến những nơi có đàn dê sữa tốt nhất, đông nhất, với những con dê sữa có bầu vú to như cái ấm tích, chọn từng con một rồi mang chúng lên máy bay về Việt Nam.
 
“Trẻ em Việt Nam phải được uống sữa dê mỗi ngày để cao lớn hơn, thông minh hơn. Phải là sữa dê thật hoàn toàn chứ không phải sữa dê giả đâu nhé!” - ý định ấy ông Bình đã nung nấu từ lâu. 
 
Coi đàn dê không chỉ là “nghiệp sống” mà còn là “ân nhân cứu mạng” mình, ông Bình càng chăm chút, yêu thương và đau đáu với con dê.
 
Giải thưởng Edouard Saouma 2000- 2001 trị giá 25.000 USD của Tổ chức Nông - Lương Liên hiệp quốc (FAO) cho dự án phát triển con dê để xóa đói giảm nghèo cho Việt Nam của ông Bình và cộng sự đã đem vinh dự về cho nông nghiệp Việt Nam. Trên tường nhà ông treo chi chít các giải thưởng, bằng khen, giấy khen liên quan đến con dê, đếm mãi chả hết. 
Suốt mấy chục năm qua, ông đi khắp nơi dạy người dân nuôi dê, ông dạy học ở các trường đại học nông - lâm nghiệp, rồi xuất bản nhiều cuốn sách nghiên cứu, nhiều giáo trình chuyên về con dê chỉ với mong ước phổ biến con dê khắp vùng đồi núi, nông thôn Việt Nam.
 
Ông muốn người Việt Nam nuôi dê có kỹ thuật, nuôi lấy thịt, nuôi vắt sữa để làm giàu, để trẻ em có sữa dê mà uống hằng ngày. Nghe ước mơ của ông, nhiều người bảo có vẻ xa vời, nhưng tôi tin, tương lai không xa, nó sẽ trở thành sự thật, bởi tâm huyết của ông Bình, bởi ông đã nói là làm, đã làm là được.
 
Theo Giang Thùy Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm