Ngỡ ngàng nợ xấu SHB

(Dân trí) - Giữa lúc nhiều ngân hàng dính nghi án "ém" tỉ lệ nợ xấu xuống dưới 3% để không phải bán nợ cho VAMC thì SHB bất ngờ công bố tỷ lệ nợ xấu trên 9%, cao hơn mức 8,46% hồi đầu năm với nợ có nguy cơ mất vốn chiếm hơn 60% tổng nợ xấu.

Sau khi nhận sáp nhập Habubank gần 1 năm, SHB vẫn đang phải gồng mình xử lý nợ xấu.
Sau khi nhận sáp nhập Habubank gần 1 năm, SHB vẫn đang phải gồng mình xử lý nợ xấu.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa công bố Báo cáo tài chính quý II với kết quả lợi nhuận sau thuế chỉ bằng 63,4% cùng kỳ, đạt 141,2 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng, mặc dù thu nhập lãi thuần tăng hơn 8%, hoạt động kinh doanh ngoại hối mang lại kết quả lãi thuần, gấp 2,8 lần cùng kỳ nhưng các mảng kinh doanh khác đều giảm lãi hoặc thua lỗ nên đã khiến tổng lợi nhuận trước thuế giảm 33,4%, còn 440,7 tỷ đồng.

Cụ thể, tại hoạt động dịch vụ, SHB giảm mức lãi thuần hơn 29% còn 67,8 tỷ đồng; mua bán chứng khoán kinh doanh ghi nhận lỗ thuần gần 13 tỷ đồng so với mức lãi 2,6 tỷ đạt được cùng kỳ; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng lỗ thuần 8,5 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 1 tỷ). Trong khi đó, các hoạt đông khác mang lại 52,6 tỷ lãi thuần, nhưng đã giảm gần 41% so với cùng kỳ.

Sau khi trừ thuế và các chi phí, SHB có lãi 304,2 tỷ đồng trong nửa đầu năm, giảm lãi 32% so với 6 tháng đầu năm 2012.

Báo cáo tài chính bán niên ghi nhận, so với thời điểm đầu năm, trong khi tiền gửi khách hàng giảm 0,95% thì tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt mức tăng trưởng 2,7% đạt 58.478,7 tỷ đồng. Khách hàng chủ yếu của SHB vẫn là các tổ chức kinh tế (chiếm 71,45%), cho vay cá nhân chiếm gần 28%. Tuy nhiên, cùng với đó nợ xấu lại tăng rất mạnh.

Tình hình xử lý nợ xấu tại SHB sau khi nhận sáp nhập Habubank luôn được giới tài chính quan tâm. Tuy nhiên, giữa lúc nhiều ngân hàng bị đặt nghi vấn đảo nợ để che giấu nợ xấu nhằm “ém” tỷ lệ xuống dưới 3% - mức buộc phải bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) thì trong báo cáo tài chính lần này, SHB gây bất ngờ khi công bố tỷ lệ nợ xấu tăng so với thời gian trước.

Theo đó, sau nửa năm hoạt động, mặc dù nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) giảm 43% nhưng do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 9% và nợ nhóm 5 (nợ có nguy cơ mất vốn) tăng mạnh 54,1% nên tổng nợ xấu SHB tăng 9,82% so với thời điểm 31/12/2012.

Nợ có khả năng mất vốn chiếm hơn 60% tổng nợ xấu tại SHB (Đơn vị: Tỷ đồng).
 Nợ có khả năng mất vốn chiếm hơn 60% tổng nợ xấu tại SHB (Đơn vị: Tỷ đồng).

Trong cơ cấu nợ xấu của SHB tại thời điểm cuối tháng 6, tỷ lệ nợ có nguy cơ mất vốn chiếm 60,2% tổng nợ xấu. Đầu năm, tỷ lệ này là 42,9%.

Nợ xấu tăng mạnh đã khiến tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của SHB tại 30/6 tăng lên mức 9,04%, cao hơn mức 8,46% của thời điểm đầu năm.

Dự phòng rủi ro tín dụng vì vậy cũng tăng lên. Dự phòng chung cuối kỳ ở mức 410 tỷ đồng, tăng 19,6%; dự phòng cụ thể tăng 58,5% lên 1.438,5 tỷ đồng.
So với đầu năm, tuy có tiền mặt, vàng bạc, đá quý tăng 29% đạt 623,5 tỷ đồng, song tổng tài sản của SHB vẫn bị sụt giảm tới 12.012,8 tỷ đồng, đạt 104.524,8 tỷ tại thời điểm cuối tháng 6/2013.

Tại ngày 30/6, ngân hàng có 4.863 nhân viên, giảm 133 người so với thời điểm đầu năm.

Mai Chi