Nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân
(Dân trí) - Ngay trước thềm Tết Nguyên đán, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân.
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1 được Văn phòng Chính phủ ban hành hôm 6/2, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống người dân.
Cụ thể, Bộ Tài chính phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các chính sách miễn, giảm, gia hạn cần áp dụng trong thời gian tới.
Bộ này nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân...
Thuế thu nhập cá nhân gồm thuế từ người làm công ăn lương và thuế thu nhập từ cá nhân kinh doanh. Thuế thu nhập cá nhân có đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng.
Hiện, giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng, được duy trì từ tháng 7/2020. Trong đó, 11 triệu đồng được cơ quan thuế xác định bằng mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một người, còn 4,4 triệu đồng được xác định bằng 40% so với giảm trừ của bản thân người nộp thuế.
Tuy nhiên, trên thực tế, mức giảm trừ gia cảnh này đang bị lạc hậu, bất cập trong tính thuế thu nhập cá nhân, khi chi tiêu và cuộc sống ngày càng đắt đỏ.
Chia sẻ hồi tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận mức giảm trừ gia cảnh đang thấp. Hầu hết mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng khoảng 20-30% từ sau dịch Covid-19, khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên.
Theo ông, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay là hơn 2,4 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người, cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các quốc gia trên thế giới đang áp dụng từ 0,5 đến 1 lần.
"Mức giảm trừ gia cảnh so với lương bình quân là cao, nhưng so sánh với mức sống đô thị của người dân, mức tính thuế và giảm trừ gia cảnh hiện nay là thấp", theo nhận định của Bộ trưởng Tài chính.
Nêu quan điểm về mức thu nhập 12 triệu đồng/tháng ở đô thị, Bộ trưởng Tài chính thẳng thắn nhận định đây là mức không đủ sống.
Ông cho biết Bộ Tài chính đã đề xuất đưa vào chương trình sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, dự luật này chưa được bổ sung vào chương trình làm luật trong thời gian tới, nên trước mắt Bộ Tài chính sẽ thực hiện sửa các luật gồm: Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế tiêu thụ đặc biệt và Bộ luật thuế sửa đổi.
Chia sẻ thêm về định hướng sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, ông Phớc cho biết trong năm tới sẽ thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024. Trên cơ sở đó sẽ tính thu nhập gốc, mức bình quân tăng lương mỗi năm 7-8% để làm căn cứ tính ra thu nhập bình quân.
Với thu nhập bình quân, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh đây sẽ là cơ sở để phân loại đối tượng theo các mức thu nhập, theo vùng miền và nâng mức giảm trừ gia cảnh lên cho phù hợp với thực tế.
Theo ông, thu thuế thu nhập cá nhân trên tổng số thu ngân sách chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, và "không thấm vào đâu" so với thuế thu nhập doanh nghiệp.