“Nghịch lý” về thương hiệu di động tại Việt Nam
(Dân trí) - Thương hiệu có yếu tố nước ngoài thường chiếm ưu thế trong ngành dịch vụ, đặc biệt là liên quan đến công nghệ. Tuy nhiên, điều này lại không đúng trong lĩnh vực thông tin di động.
Còn những hãng có yếu tố nước ngoài như Beeline, Vietnamobile, S-Fone đều bị bỏ khá xa trong cách chỉ số điều tra. Trong số này, Beeline được coi là hiện tượng khi mới ra đời khoảng 6 tháng mà đã có độ nhận biết thương hiệu lên tới 76%.
Tuy nhiên, cũng trong chỉ số này, nếu so sánh với MobiFone là 100%, Viettel và VinaPhone cùng là 99% thì Beeline chưa thể cạnh tranh được. Đây là chưa kể đến mức độ ưa thích và mong muốn sử dụng thì khoảng cách giữa các mạng có yếu tố ngoại và thuần Việt còn lớn hơn rất nhiều.
Theo điều tra của Công ty TNS, không giống như độ nhận biết, giữa các mạng thuần Việt cũng có sự phân hóa lớn về mức độ ưa thích và mong muốn sử dụng. Ở kết quả điều tra về mức độ ưa thích tính theo tỷ lệ phần trăm (%), MobiFone vượt xa mạng đứng thứ hai là Viettel (54% so với 29%). Còn ở chỉ tiêu về mức độ mong muốn sử dụng, MobiFone là 56%, Viettel là 44%, VinaPhone là 25%.
Vào cuối năm 2010, một kết quả điều tra về thương hiệu của một công ty nghiên cứu thị trường nổi tiếng thế giới khác cũng cho kết quả tương tự. Theo khảo sát của AC Nielsen, trong số 8 thương hiệu viễn thông hàng đầu Việt Nam, 7/8 thương hiệu là công ty thuần Việt và vị trí dẫn đầu tiếp tục thuộc về MobiFone, kế đến là Viettel. Beeline vẫn thể hiện là thương hiệu có yếu tố ngoại đáng chú ý nhất trong số các mạng nhỏ khi “chen chân” vào vị trí cuối cùng.
Tuy nhiên, ở bảng xếp hạng 10 thương hiệu tiêu dùng được ưa chuộng nhất Việt Nam, những cái tên có yếu tố nước ngoài trong làng di động hoàn toàn vắng bóng mà chỉ có 2 công ty trong nước. MobiFone được xếp ở vị trí thứ 4 trong danh sách, còn Viettel ở vị trí thứ 8.
Theo nhận định của các chuyên gia về viễn thông, câu chuyện thương hiệu trong lĩnh vực thông tin di động hoàn toàn khác so với các ngành dịch vụ liên quan đến công nghệ khác.
Ở lĩnh vực thông tin di động, các công ty trong nước đã thiết lập được một nền tảng vững chắc về khách hàng, thậm chí có nhà mạng còn tạo ra các chuẩn mực về cung cấp chất lượng dịch vụ. Chính vì thế, khách hàng không có tâm lý “sính ngoại” mà hài lòng với các hãng trong nước.
Trong khi đó, những mạng di động có yếu tố nước ngoài vào Việt Nam đã nhiều năm nhưng chưa tạo ra được sự khác biệt đáng kể về chất lượng dịch vụ tổng thể nên khó vượt lên về thương hiệu cũng như số lượng khách hàng.
“Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành viễn thông Việt Nam, khi mà các công ty trong nước liên tục giảm giá nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tốt để phục vụ người tiêu dùng”, một chuyên gia viễn thông có nhiều năm kinh nghiệm nhận định.
Minh Tuấn