1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nghịch lý “tăng giá” trong du lịch Việt

Ngành du lịch Việt có nhiều nghịch lý khó thống kê ra hết. Chỉ riêng cái khoản nghịch lý nhà hàng, khách sạn mỗi mùa lễ hội, mùa du lịch, thì khách càng đông càng nâng giá, khách càng nhiều càng chém - chặt nặng tay… đã thành một loại “văn hóa tăng tiền” như công thức mặc định của ngành du lịch Việt.

Trong những mùa lễ hội, Festival hay mùa du lịch cao điểm, thậm chí không “mùa” hay lễ hội gì, mà chỉ là những ngày cuối tuần, là mặc nhiên giá phòng thuê khách sạn, giá dịch vụ đều tăng lên từ 10 - 30%, có lúc tăng lên 50%.
 
Nghịch lý “tăng giá” trong du lịch Việt

 

Thay vì đông khách thì phải giảm giá, có nhiều khuyến mãi dịch vụ phục vụ, có những giá trị gia tăng để “dụ” khách đến nhiều hơn, thì ngược lại, tất cả đều tăng. Nghịch lý tăng giá này bao nhiêu năm nay đã trở thành chuyện bình thường, là một “chiêu” hay thủ thuật trong kinh doanh khách sạn nhà hàng du lịch, như một “nguồn lợi” tăng thu bù lỗ cho những ngày vắng khách.

 

Hài hước hơn, hay là một kiểu kinh doanh “chộp giật”, chủ khách sạn là Thượng Đế chứ không phải khách du lịch, mà không hiếm khách sạn đẳng cấp từ vài “sao” trở lên cũng ứng dụng thuần thục, tăng giá phòng khi thấy lợi nhuận cao hơn, sẵn sàng đuổi khách đã đặt từ trước đó để cho khách khác thuê với giá “cắt cổ”, còn như muốn ở lại thì phải chấp nhận “xì” thêm tiền.

 

Những chuyện này chẳng đâu xa lạ, mà thường xảy ra trong các lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, lễ hội biển Nha Trang, Festival Huế… Cái nghịch lý tăng giá này còn biến tướng ở chỗ, khi đông khách thì mặc nhiên nhiều quyền lợi của khách cũng bị giảm đi, thậm chí bị “đục khoét” mất, chưa kể chất lượng còn bị gia giảm mà đôi khi biến thành tai họa như những vụ ngộ độc thực phẩm cả đoàn khách du lịch trong thời gian qua không hề hiếm xảy ra.

 

Đây là chưa kể cách “ăn gian nói dối” của nhiều khách sạn, trưng bảng giá phòng rất “mềm”, nhưng giá thực lại cao hơn từ 1/3 đến 1/5, hỏi thì được biết là để đối phó với thuế vụ??? Cái vụ này tôi đã được trải nghiệm thực tế tại nhiều khách sạn ở Nha Trang qua các lần đi công tác.

 

Ngẫm lại, đúng là ở xứ Việt cái gì cũng khác người, cho dù khẩu hiệu “hội nhập” đã phổ thông cập nhật hơn 10 năm nay. Ở các nước ngay trong khu vực ASEAN thôi, họ tìm mọi cách, mọi lý do để giảm giá khách sạn, hòng thu hút khách vào nước họ du lịch.

 

Các nhà hàng thì “bày trò” có những giờ tặng thêm khách một món ăn, một thức uống, hay khuyến mãi một show ca nhạc trong khi ăn uống… Không chỉ vài khách sạn, mà gần như toàn bộ hệ thống khách sạn, nhà hàng của họ đều có chung những chương trình khuyến mãi, giảm giá, tăng thêm quyền lợi cho khách du lịch. Càng vào mùa lễ hội, hay Festival, những mùa nghỉ đông - nghỉ hè ở các quốc gia Âu - Mỹ, hay dịp cuối năm Noel, đầu năm Tết Tây…, họ càng giảm giá đến mức tối đa.

 

Phương châm của họ là càng hút nhiều khách càng có lời, và cái lời to nhất, lớn nhất chính là đất nước họ đã được mọi người chú ý và không chỉ một lần đến.

 

Bao giờ khách du lịch Việt và nước ngoài có được những ưu đãi giảm giá khách sạn, nhà hàng vào những mùa lễ, tết, Festival hay mùa cao điểm du lịch ở Việt Nam một cách thân thiện và hợp lý? Hay cái nghịch lý “tăng giá” này vẫn sẽ tồn tại như một kiểu kinh doanh phổ thông của du lịch Việt? Câu hỏi này dành cho các nhà quản lý và các nhà kinh doanh du lịch, các ông chủ nhà hàng, khách sạn Việt.

 

Theo Việt Văn

Lao động