1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nghịch lý của thị trường thép cuối năm

Thường thì vào thời điểm cuối năm (mùa xây dựng) vật liệu xây dựng bao giờ cũng đua nhau sốt giá, không như mọi năm, năm nay thép xây dựng "rớt giá" thê thảm. Đang có nhiều doanh nghiệp thép phải bán sản phẩm dưới giá thành.

Đây cũng là hậu quả của sự đầu tư tràn lan vào lĩnh vực thép xây dựng thời gian qua.

Trái với dự báo

Ngoài một số doanh nghiệp thép ở các tỉnh phía nam vẫn đang duy trì ở mức trên 7 triệu đồng/tấn, còn hàng loạt các doanh nghiệp thép ở các tỉnh phía bắc đang đua nhau hạ giá bán xuống dưới 7 triệu đồng/tấn để cố tiêu thụ sản phẩm. Thậm chí, sản phẩm thép xây dựng của Nhà máy Vinakansai còn đang được bán với giá trên 6 triệu đồng/tấn.

Giải thích nguyên nhân này, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép - cho biết: Giá phôi thép nhập và phôi sản xuất trong nước đang ở mức 340 - 360 USD/tấn. Nếu đưa vào sản xuất, giá thành thép xây dựng sẽ ở mức khoảng 7,2 - 7,3 triệu đồng/tấn.

Nhưng ở thời điểm hiện nay, tình hình tiêu thụ thép đang rất chậm. Trung bình mọi năm vào thời điểm mùa khô như hiện nay, thị trường cần tới khoảng từ 250.000 - 280.000 tấn thép/tháng.

Còn năm nay, do những khó khăn từ các công trình xây dựng triển khai chậm, thị trường nhà đất đóng băng làm giảm nhu cầu, nên việc tiêu thụ thép giảm rõ rệt, nhu cầu thị trường tụt xuống chỉ còn ở mức 200.000 - 220.000 tấn/tháng.

Trong lúc năm nay, nhu cầu thép chỉ tăng 10% so với năm trước, trong khi công suất các nhà máy mới tăng thêm 1 triệu tấn/năm. Đây là lý do đã dẫn đến việc đua nhau giảm giá, bán thép thành phẩm dưới giá thành để các nhà máy có tiền giải quyết được vốn lưu động, trả các món nợ ngân hàng, trả lương lao động và tránh ứ đọng hàng vào thời điểm cuối năm...

Giảm cung, tăng giá

Cũng theo ông Phạm Chí Cường, tình hình giá cả năm nay đã làm cho các nhà máy thép đều lỗ nặng, kể cả các nhà máy có hiệu quả trong nhiều năm như Việt - Hàn, Việt Nhật... cũng chung trong tình trạng thua lỗ.

Hiệp hội Thép không thể can thiệp được gì vào giá bán của mỗi doanh nghiệp, mà phải do doanh nghiệp tự quyết định giá bán để duy trì và tồn tại. Nhưng việc đồng loạt hạ giá thép xuống thấp hơn giá thành theo kiểu "phá giá thị trường" đang làm cho các doanh nghiệp thiệt hại và làm suy giảm năng lực của cả ngành công nghiệp thép.

Để khắc phục, hiệp hội đã họp bàn và kêu gọi giám đốc các doanh nghiệp hãy đồng thuận với nhau để giữ giá và từng bước nâng giá bán lên ngang giá thành. Nhưng để làm được việc này rất khó khăn, mà việc Nhà máy thép Vinakansai đã bán phá giá ở tất cả các thị trường trong nước với giá từ 6 - 6,5 triệu đồng/tấn, gây kiện cáo gay gắt là một điển hình về việc không chấp hành mệnh lệnh từ hiệp hội.

Được biết, tổng công suất các nhà máy thép đã đạt tới 5,5 triệu tấn, trong khi tiêu thụ thép xây dựng của thị trường trong nước khoảng 3,2 - 3,3 triệu tấn/năm. Chính việc này đã làm cho chỉ có một số ít nhà máy thép hoạt động được khoảng 50% công suất thiết kế, còn hầu hết các nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng khoảng 1/3 công suất, gây lãng phí rất lớn.

Để thoát khỏi tình trạng phải bán thép dưới giá thành, theo Hiệp hội Thép, chỉ còn cách giảm sản xuất để hạn chế nguồn cung dễ dẫn tới việc tranh giành thị phần giữa các doanh nghiệp.

Nhưng việc không chấp hành đề xuất giữ giá bán thép ngang giá thành của các doanh nghiệp vừa qua cho thấy, các doanh nghiệp thép đang "giẫm" lên nhau để tìm cách tồn tại. Việc đầu tư tràn lan vào lĩnh vực cán thép đang đẩy các doanh nghiệp phải trả giá cho chính mình.

Theo Công Thắng
Báo Lao động