Nghịch cảnh 12 dự án "đắp chiếu": Khổ vì quá nhiều tiền!

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Đó là dự án Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; Hồ chứa nước Ka Pét; Đường tỉnh 922; Bệnh viện Nhi đồng TPHCM; Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2...

Sáng nay (24/7), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - báo cáo trước Quốc hội về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn thừa nhận trước Quốc hội vấn đề triển khai, thực hiện kế hoạch thiếu chủ động, linh hoạt, bố trí vốn chưa trọng tâm, trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công chậm.

"Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công các năm đầu kỳ kế hoạch chậm, nhất là vốn nước ngoài. Một số dự án được giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2017, 2018 nhưng đến nay vì nhiều lý do khách quan, chủ quan vẫn chưa giải ngân hết số vốn được giao, tạo áp lực rất lớn đến cân đối NSNN giai đoạn 2021-2025, trong đó có 12 dự án với tổng số vốn là 4.118,884 tỷ đồng" - người đứng đầu ngành KH&ĐT nêu rõ.

Nghịch cảnh 12 dự án đắp chiếu: Khổ vì quá nhiều tiền! - 1

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ảnh: Quốc Chính).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn chứng về Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận: Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2017 còn lại chưa giải ngân của dự án là 47,299 tỷ đồng. Dự án ban đầu là nhóm B, phải chuyển đổi mục đích sử dụng 162,55 ha rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn Núi Ông, do đó phải trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án.

Đến nay, tỉnh Bình Thuận vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư do sự thay đổi quy định về mức bồi hoàn rừng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng.

Với Dự án Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2017 còn lại chưa giải ngân của dự án là 718,853 tỷ đồng. Nguyên nhân giải ngân chậm là dự án chủ yếu sử dụng cơ chế tạm ứng cho nhà thầu, đến nay tổng dự toán công trình chưa được phê duyệt nên việc thanh toán khối lượng hoàn thành cho nhà thầu không thực hiện được.

Nguyên nhân tổng dự toán công trình chưa được phê duyệt là quá trình thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán kéo dài; chủ đầu tư phải khắc phục và điều chỉnh hồ sơ tổng dự toán theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Với dự án Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2, kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2017 còn lại chưa giải ngân của dự án là 1.211,461 tỷ đồng. Nguyên nhân giải ngân chậm do công tác lập hồ sơ thiết kế còn nhiều sai sót nên phải thay đổi thiết kế, công tác phối hợp và triển khai thực hiện của các nhà thầu tư vấn và nhà thầu thi công; quy trình thẩm định và trình duyệt cấu hình, tính năng kỹ thuật trang thiết bị y tế phức tạp.

Kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2018 còn lại chưa giải ngân ở Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 của Bộ Y tế là 71,399 tỷ đồng. Nguyên nhân không giải ngân hết là phải điều chỉnh thiết kế để phù hợp với tổng mức đầu tư, công tác thanh toán tại Kho bạc nhà nước gặp khó khăn do đã có khối lượng hoàn thành nhưng chưa có dự toán được phê duyệt.

Nghịch cảnh 12 dự án đắp chiếu: Khổ vì quá nhiều tiền! - 2

Dự án xây dựng khu tái định cư sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai (Ảnh: Khoa Nam).

Về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành của tỉnh Đồng Nai, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương (NSTW) năm 2018 còn lại chưa giải ngân của dự án là 1.077,278 tỷ đồng. Đây là dự án quan trọng quốc gia, nguyên nhân không giải ngân hết kế hoạch được giao là do quy mô giải phóng mặt bằng lớn, liên quan đến 5.541 hộ gia đình, công tác kiểm kê, quy chủ, xác định giá đất cụ thể, lập phương án bồi thường phức tạp, mất nhiều thời gian nên chưa giải ngân hết số vốn được giao.

Đối với Dự án Đường tỉnh 922 TP Cần Thơ, kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2018 còn lại chưa giải ngân đến thời điểm hiện nay 81,416 tỷ đồng. Nguyên nhân chưa giải ngân do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật...

Theo Bộ trưởng KH&ĐT, thực tế triển khai một số nơi chưa chủ động thực hiện các thủ tục cần thiết để lập, phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung dự án và lập kế hoạch nên mất nhiều thời gian, chậm trễ trong quá trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn cho từng dự án.

Một số dự án sử dụng vốn nước ngoài, dự án ký Hiệp định với các nhà tài trợ nước ngoài sau thời điểm Quốc hội phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nhưng chuẩn bị dự án chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa chủ động và linh hoạt kiến nghị điều chuyển vốn đầu tư trung hạn nên trong một số trường hợp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.