Nghị định 20 khống chế trần chi phí lãi vay: Ngành thuế sửa nửa vời

(Dân trí) - Sau 3 năm ban hành, Nghị định 20 khống chế trần chi phí lãi vay luôn là tâm điểm trong các cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với ngành thuế.

Văn phòng Chính phủ đã nhiều lần khẳng định tính cấp bách cần tiến hành sửa đổi ngay Nghị định theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.Tuy nhiên, trong động thái sửa đổi mới đây của Bộ Tài chính, việc sửa đổi vẫn được tiến hành rất nửa vời.

Nghị định 20 khống chế trần chi phí lãi vay: Ngành thuế sửa nửa vời - 1

Doanh nghiệp kêu than, ngành thuế chỉ sửa “một nửa”

Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết ra đời năm 2017, tức là ba năm qua văn bản này vẫn như một rào cản và gây khó khăn cho khối doanh nghiệp trong nước. Và cuối năm 2019, ông Vương Đình Huệ - khi đó trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến để xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20 theo hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh này, Bộ Tài chính mới đây đã xây dựng một dự thảo Tờ trình Chính phủ về Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 8 Nghị định 20.

Theo văn bản này, cơ quan quản lý thuế đã có một số động thái “sửa chữa” so với quy định hiện hành, cụ thể là tỷ lệ khống chế đã được điều chỉnh từ 20% lên 30% EBITDA; cho phép tính chi phí lãi thuần (lãi đi vay trừ đi lãi cho vay) và ngoại trừ một số sẽ không áp dụng Nghị định 20 như tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, các khoản vốn ODA... Nghị định sửa đổi này sẽ áp dụng cho kỳ quyết toán thuế năm 2019 (tiền hành vào 31/3/2020).

Các chuyên gia cho rằng, động thái này đã phần nào tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp trong việc sử dụng vốn đầu tư sản xuất kinh doanh và đưa Nghị định 20 hợp lý hơn và không trái với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, việc mới sửa một nửa - không áp dụng hồi tố về năm 2017 khi ban hành Nghị định này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp “khóc ròng” vì riêng tiền thuế 2017 và 2018 lên đến hàng nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp sẽ từ lãi chuyển sang lỗ bởi những khoản truy thu từ các năm trước.

Cụ thể, Luật Quản lý thuế quy định, thời gian tối đa cơ quan thuế xuống doanh nghiệp quyết toán thuế là 5 năm, và theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì khoản lãi vay không bị trừ ra khỏi chi phí hợp lý, do vậy trước khi Nghị định 20 ra đời, kế toán của doanh nghiệp mặc nhiên hạch toán khoản lãi vay này vào chi phí hợp lý. Song, nếu không được hồi tố, nhiều khả năng các khoản lãi vay được hạch toán vào chi phí trước khi có Nghị định 20 sẽ bị cơ quan thuế truy thu, khi đó chủ doanh nghiệp mới biết lãi thật của mình không còn.

Thống kê của cơ quan thuế cho hay, năm 2017 có 11.196 đơn vị kê khai quan hệ liên kết, năm 2018 có 11.970 đơn vị. Qua kết quả thu thuế và thanh tra kiểm tra các đơn vị có liên doanh, liên kết, ngành thuế đã xử lý 11.089 tỷ đồng, trong đó 2.089 tỷ đồng là tiền truy thu, truy hoàn và phạt; 75 tỷ đồng tiền giảm khấu trừ bình quân; 8.925 tỷ đồng từ việc doanh nghiệp giảm lỗ và có 7.732 tỷ đồng do doanh nghiệp bị điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế bình quân.

Như vậy, điểm mong chờ 3 năm nay của cộng đồng doanh nghiệp đã bị Bộ Tài chính “gạt” ra khỏi lần sửa đổi này, đó là được áp dụng điều sửa đổi hồi tố về năm 2017. Việc này sẽ tiếp tục khiến doanh nghiệp như bị “dao kề cổ” khi hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế bị tắc nghẽn.

Bộ Tài chính “hiểu sai” góp ý của Bộ Tư pháp?

Cũng theo văn bản của Bộ Tài chính, việc không áp dụng hồi tố về năm 2017 và 2018 là do cơ quan này tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp.

Cụ thể, trong văn bản của cơ quan này cho hay: Bộ Tư pháp đề nghị xem xét nội dung cho áp dụng hồi tố đối với việc xác định khống chế chi phí lãi vay năm 2017 và 2018 phải đảm bảo lợi ích chung của xã hội, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội. Tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã bỏ quy định hồi tố, theo đó Nghị định áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2019 mà không xác định lại các khoản chi phí lãi vay đã áp dụng theo quy định của khoản 3 điều 8 Nghị định 20 cho kỳ tính thuế năm 2017 và 2018.

Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp, cơ quan này chỉ đưa ra ý kiến đề nghị Bộ Tài chính xác định cơ chế thống nhất chung trong việc thực hiện nội dung khoản 3 điều 8 đã sửa đổi cho năm 2017, 2018 mà không phân biệt những trường hợp đã thanh tra, kiểm tra xác định chi phí lãi vay hay chưa thanh tra, kiểm tra chi phí lãi vay.

Từ đây, có thể thấy Bộ Tư pháp không hề bác bỏ quy định hồi tố trong văn bản góp ý với Bộ Tài chính mà chỉ cân nhắc lại việc phân biệt những trường hợp đã thanh tra với trường hợp chưa thanh tra. Song, cơ quan Thuế lại “cố tình” vin vào điều này, và bỏ luôn quy định hồi tố đối với việc xác định khống chế chi phí lãi vay năm 2017 và 2018, chỉ áp dụng hồi tố cho năm 2019, dù trong các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, những văn bản đề xuất hay những ý kiến đề xuất của doanh nghiệp lên ngành thuế đều nhất quán một nguyện vọng mong việc sửa đổi khoản 3 điều 8 sẽ được áp dụng hồi tố lại cho kỳ tính thuế 2017, 2018.

Phát biểu tại hội nghị đối thoại chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan do Bộ Tài chính và VCCI tổ chức cuối tháng 11/2019 tại TPHCM, cùng loạt ý kiến của doanh nghiệp, đại diện Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bình Phước (Bigimexco) bức xúc cho biết, Nghị định 20 đã gây thiệt hại tiền tỷ cho công ty và kiến nghị nghị Chính phủ xem xét lại để điều chỉnh nội dung khống chế lãi vay cho hợp lý, hợp pháp, hợp tình. Đặc biệt, Bộ Tài chính cần ra quy định hồi tố hoàn trả các khoản thiệt hại do cách tính áp đặt của quy định, xác định số thuế hoàn trả cho DN..

Ở một khía cạnh khác, ngành thuế lại tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, sửa đổi theo hướng loại trừ 1 số trường hợp như tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, các khoản vay ODA, khoản vay đầu tư cho các chương trình chính sách. Điều này cũng cho thấy sự phân biệt đối xử của ngành thuế. Lấy ví dụ như các doanh nghiệp sản xuất lại không được miễn trừ, dù họ rất cần vốn để nhập dây chuyền máy móc, mua nguyên vật liệu và đang được coi là những đối tượng cần hỗ trợ nhất vì là động lực cho sự phát triển của nền kinh tế nếu thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết ông mong mỏi ngành thuế có sự sửa đổi thấu đáo hơn để tháo gỡ hàng tỷ đồng tiền thuế đang bị treo từ năm 2017 – khi ập vào nỗi lo Nghị định 20. Vị này cho rằng kỳ quyết toán thuế năm 2019 (hạn 31/3/2020) đã đến gần, cơ quan quản lý cần có biện pháp tháo gỡ triệt để, nếu không doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể lớn và đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, chưa nói đến cộng đồng còn đang phải đối mặt với khó khăn đình trệ kinh doanh, sản xuất do dịch Covid 19.

Hà Yên