Nghi án hàng hiệu Mỹ sản xuất tại Triều Tiên
(Dân trí) - Nhiều sản phẩm may mặc mang thương hiệu Mỹ, được gắn mác sản xuất tại Trung Quốc rất có thể thực chất lại do xưởng tại Triều Tiên sản xuất, trang tin NK News, có trụ sở tại Washington chuyên theo dõi tin tức về Triều Tiên tiết lộ.
Ít nhất 5 chiếc áo mang nhãn hiệu Lands’ End của Mỹ đã được các phóng viên của NK News nhìn thấy được treo trên giá tại các dự án trước đây của nhà máy may Sonbong của Triều Tiên hồi tháng 6 vừa qua. Thông tin này làm dấy lên nghi ngờ rất có thể hãng bán lẻ khổng lồ có trụ sở tại Dodgeville, bang Wisconsin, Mỹ đã từng đặt hàng một phần tại quốc gia đang bị Mỹ cấm vận.
Dù có chủ ý hay không, việc một công ty Mỹ chuyển bất kỳ công đoạn sản xuất hàng may mặc nào sang Triều Tiên cũng có thể đã vi phạm sắc lệnh cấm vận 13570 của Mỹ, và có thể bị phạt, tới 1 triệu USD nếu cố ý vi phạm, hoặc 20 năm tù.
Lands’ End hiện đang điều tra xem liệu những bức ảnh được đăng tải có liên quan tới “một nhà cung cấp”, hay cho thấy “một trường hợp làm hàng nhái” hay không, Michele Casper, người phát ngôn của công ty khẳng định với NK News.
Tuy nhiên, những chiếc áo sơ mi được trưng bày tại xưởng Sonbong đã được một người của Lands’ End miêu tả đúng là “hàng thật…theo nhận định của tôi”. Những bức ảnh chụp cận cảnh cho thấy chất lượng của các đường may không giống với các sản phẩm hàng nhái của Trung Quốc, càng khiến khả năng những sản phẩm mẫu tại xưởng trên là đồ thật rất cao.
“Sản xuất tại Trung Quốc”
Nguồn tin của NK News, người cung cấp những bức ảnh trên cho biết: “Trong khi nhãn ghi là sản xuất tại Trung Quốc, rõ ràng các hợp đồng đã được chuyển sang Triều Tiên. Giám đốc của xưởng này khá tự hào về chất lượng của hàng may mặc xuất khẩu”.
Theo một nguồn tin khác, người từng tới xưởng Sonbong hồi tháng 6, một quản lý tại nhà máy này cho biết họ hoạt động “phần lớn dựa trên hợp đồng từ các công ty Trung Quốc”, những người muốn tận dụng nhân công “giá rẻ” tại Triều Tiên.
“Về cơ bản chúng tôi thấy những vật liệu được sản xuất tại Trung Quốc đang được cắt và may thành quần áo thành phẩm”, nguồn tin giấu tên cho biết. “Toàn bộ quần áo đều được gắn mác sản xuất tại Trung Quốc”.
Nghi án bán lại đơn hàng
Những bức ảnh khác được chụp tại nhà máy trên cho thấy những chiếc áo thi đấu nhái của các đội bóng rổ nhà nghề Mỹ Utah Jazz và Chicago Bulls. Không giống như các sản phẩm mang nhãn Lands’ End, những khác biệt lớn về thiết kế cho thấy đây là sản phẩm cho thị trường trôi nổi, có lẽ là được các nhà máy Trung Quốc khác đặt hàng.
Trong bối cảnh năng suất và lương công nhân tại Trung Quốc tiếp tục tăng, các khâu sản xuất hàng may mặc giá rẻ đang được thuê ngoài ngày một nhiều, sang các thị trường khác như Bangladesh hay Triều Tiên, nơi tiền lương thấp hơn.
Nếu các sản phẩm của Lands’ End được nhìn thấy tại Triều Tiên là hàng thật, rất có thể một xưởng nào đó tại Trung Quốc được giao đơn hàng đã đi thuê lại Sonbong mà không cho khách hàng phía Mỹ biết.
“Tôi biết rằng những chuyện như thế này vẫn xảy ra tại Triều Tiên và nhiều quốc gia đang phát triển khác, bởi tôi đã tận mắt thấy những điều đó trong nhiều năm”, Felix Abt, một người Thụy Sỹ từng nhiều năm sống và làm việc tại Triều Tiên cho biết.
Lands’ End đối mặt án phạt nặng
Cho dù những vấn đề trên liên quan đến theo dõi sản xuất tại nước ngoài, Lands’ End, một công ty từng cung cấp cho chuối siêu thị Sears 2 tỷ USD hàng hóa ngay từ năm 2002, vẫn có thể giải quyết vấn đề này.
Theo Larry Loucka, một thành viên tại công ty tư vấn chuỗi cung ứng Flow Consulting, “có nhiều tổ chức dịch vụ giúp các nhà mua hàng quốc tế tìm hiểu và giám sát chuỗi cung ứng của họ, kiểm tra sự tuân thủ về môi trường, lao động, xã hội, ngoài các vấn đề về tài chính, năng suất hay chất lượng sản phẩm. Một ngành lớn mạnh đã hình thành để cung cấp các dịch vụ kiểm định”.
Và cho dù một nguồn tin từng có mặt tại nhà máy Sonbong khẳng định đây “không phải nơi vắt mồ hôi công nhân theo bất kỳ nghĩa nào”, Lands’ End vẫn có thể bị phạt, do luật pháp Mỹ đã nghiêm cấm bất kỳ công ty Mỹ nào làm ăn với Triều Tiên.
Bà Casper, người phát ngôn của Lands’ End cho biết công ty sẽ “giải quyết vấn đề một cách thấu đáo”, nếu họ thực sự phát hiện một trong các nhà cung cấp áo sơ mi của mình sản xuất sản phẩm tại Triều Tiên. “Chúng tôi không cho phép bất kỳ sản phẩm nào sản xuất tại Triều Tiên”, bà Casper chốt lại.
Thanh Tùng
Theo NK News