Nghẽn tắc xuất, nhập vì doanh nghiệp “chơi” nhau

Hậu quả của việc tự hạ giá bán để tranh giành khách hàng là nhà nhập khẩu quay ra ép giá tất cả doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Giá trị của nhiều ngành xuất khẩu đang giảm, thị trường bị co hẹp, sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam suy yếu. Không chỉ vậy, con đường nhập khẩu nguyên liệu về xuất khẩu cũng gặp khó khăn, DN nước ta sang mua hàng bị ép giá, bị lừa, mua không được hàng. Nguyên do được hầu hết các DN, hiệp hội chỉ ra là DN Việt Nam mất đoàn kết.

 

Thân ai nấy lo

 

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang rớt thê thảm. Nếu so sánh cùng một loại gạo xuất khẩu 5% tấm, giá gạo Việt Nam thấp hơn so với gạo Thái Lan 190 USD/tấn, thấp hơn 75 USD/tấn so với giá gạo Campuchia. Nếu so với giá gạo cấp thấp Ấn Độ, Pakistan, giá gạo Việt Nam vẫn còn ở mức thấp hơn 40-50 USD/tấn, có thể nói là “chạm đáy”, thấp nhất thế giới.

 

Phân tích nguyên nhân tình trạng trên, ông Nguyễn Hùng Linh, Giám đốc Công ty Du lịch Thương mại Kiên Giang, khẳng định tình trạng tranh mua, tranh bán trong nội bộ DN xuất khẩu gạo Việt Nam là thủ phạm.

 

“Nhiều vị cho rằng giá gạo xuất khẩu giảm là do nguồn cung ngày càng nhiều, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Campuchia xuất mạnh mà nhu cầu thế giới không tăng. Nhưng đó chỉ là một trong nhiều yếu tố ảnh hưởng thôi, nguyên nhân chính vẫn là DN “gà cùng mẹ đá nhau”. Không chỉ DN nhỏ mà ngay chính những DN lớn, DN hội viên hiệp hội cũng ngầm “cắn” nhau để giành khách hàng” - ông Linh nói.

 

Chế biến tôm xuất khẩu tại một công ty xuất khẩu thủy sản ở Tiền Giang.
Chế biến tôm xuất khẩu tại một công ty xuất khẩu thủy sản ở Tiền Giang.

 

Tình trạng mất đoàn kết cũng xảy ra trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng, chua chát: “Thương trường là chiến trường! Mối quan hệ giữa DN Việt Nam với nhau giờ giống như vậy”.

 

Ông Đạo cho biết: Tuy cùng xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài nhưng một số DN lại không chịu thống nhất giá bán để cùng hưởng lợi mà cứ phá ngầm lẫn nhau bằng giá rẻ. Khách hàng dù có thân đến mấy nhưng nhiều khi vì lợi nhuận họ sẵn sàng bỏ mình quay sang bắt tay với DN bán rẻ hơn. Chỉ một vài DN nhỏ bán phá giá cũng đủ giết chết nhiều DN cùng ngành.

 

Hậu quả của việc tự hạ giá bán để tranh giành khách hàng là nhà nhập khẩu quay ra ép giá tất cả DN xuất khẩu Việt Nam.

 

Ông Hùng, một nhà môi giới thương mại xuất nhập khẩu nông sản có tiếng ở thị trường châu Phi, tiết lộ có DN xuất khẩu gạo Việt còn “cao tay” thành lập một DN nhập khẩu nông sản ở Singapore rồi mua lại hàng của chính DN mình tại Việt Nam. Mục đích là mượn danh DN nhập khẩu hỏi mua, ép giá DN trong nước, gom hàng nhiều rồi xuất đi nhằm hưởng thuế xuất khẩu thấp của Singapore. Còn mục đích xấu hơn là tạo ra nhà nhập khẩu “ảo” để hỏi dò giá bán, thông tin hàng hóa của DN khác trong nước.

 

Cũng theo ông Hùng, ngay cả khi nhập khẩu nguyên liệu (mua hạt điều thô ở châu Phi về chế biến), DN Việt Nam cũng tự hại nhau. “Đi mua hàng ở cùng một nơi nhưng thay vì chia sẻ thông tin như giá bán ở đó bao nhiêu, hàng tốt không, người bán có uy tín không… thì các DN Việt lại “ai lo thân nấy”. Thậm chí dù từng bị đơn vị cung cấp nào đó gian lận, giao hàng kém chất lượng, nay thấy có DN Việt khác sắp đi vào vết xe đổ của mình thì họ cũng mặc kệ, chẳng thèm cảnh báo” - ông Hùng chia sẻ.

 

Kiểm soát đầu mối xuất khẩu

 

Để hạn chế tình trạng thiếu đoàn kết kể trên thì phải trông chờ vào vai trò của các hiệp hội. Tuy vậy, sự điều hành của một số hiệp hội cũng còn yếu kém.

 

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết nhiều hiệp hội cũng đã thực hiện việc lập giá sàn xuất khẩu, kiểm soát giá sàn nhưng vẫn không có hiệu quả như mong đợi.

 

Hiệp hội có thể kiểm soát được DN hội viên nhưng với những DN ngoài hiệp hội như DN thương mại, DN nước ngoài, DN lĩnh vực khác nhảy vào xuất khẩu gạo thì rất khó kiểm soát.

 

Tuy nhiên, VFA vẫn quy định giá sàn để tăng giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, hiệp hội này đã thực hiện thu hẹp đầu mối xuất khẩu xuống còn 100 DN đủ năng lực được cấp phép xuất khẩu gạo. Việc này sẽ triệt tiêu những DN nhỏ bán phá giá, tranh mua, tranh bán làm lũng đoạn thị trường xuất khẩu và dễ kiểm soát được giá sàn.

 

Đồng tình với ông Phong, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết sắp tới Hiệp hội sẽ quy định giá sàn xuất khẩu, hạn chế đầu mối xuất khẩu tôm và cá tra, hạn chế việc cấp phép xây dựng nhà máy chế biến thủy sản mới.

 

Với ngành điều, mọi việc có vẻ khó khăn hơn. Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết dù năm ngoái hiệp hội này có đề ra giải pháp giá sàn xuất khẩu thì đầu năm nay đã phải tuyên bố buông quy định này. Hiệp hội chỉ còn nhận nhiệm vụ công khai thông tin xuất khẩu, giá bán hàng của các DN cho hội viên biết. Phần giá bán cao thấp, lãi nhiều ít thì thị trường tự điều tiết và DN tự lo.

 

Ông Thanh thừa nhận: “Trong mấy năm qua Hiệp hội có điều hành giá nhưng không hiệu quả, DN tranh mua, tranh bán, phá giá miết”. Về việc hạn chế đầu mối xuất khẩu, ông Thanh cho rằng sẽ đưa ra lấy ý kiến DN vào thời điểm khác vì chưa thể áp dụng với ngành điều.

 

 DN nước ngoài dè chừng DN Việt

 

Nhiều nhà xuất khẩu châu Phi đang nói không với DN Việt sang mua điều về chế biến xuất khẩu. Họ không bán điều tốt cho mình mà lại ưu tiên bán cho Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc. Cả các nhà nhập khẩu cũng dè chừng DN Việt. Lý do là ngày càng có nhiều DN Việt không giữ chữ tín, khi thì nhận hàng mà trả không đủ tiền rồi xù luôn, khi thì xuất hàng kém chất lượng.

 

Ông Vũ Hữu Hùng, đại diện một DN xuất nhập khẩu nông sản tại TP.HCM

 

Phải nâng sức mạnh, trách nhiệm hiệp hội

 

Cần một cơ chế pháp lý dành riêng cho các hiệp hội xuất khẩu nhằm làm tăng sức mạnh quản lý, điều hành hoạt động xuất khẩu của toàn ngành. Hiệp hội có thể đại diện cho DN sang đàm phán ký kết hợp đồng, đàm phán giá, có quyền xử phạt DN vi phạm.

 

GS Võ Tòng Xuân

 

Theo Quang Huy

Pháp Luật TPHCM