Nghe chuyện tài chính cá nhân "thời các cụ", giới trẻ có tròn xoe con mắt?
(Dân trí) - Tài chính cá nhân hiện giờ trở thành "trend" và được nhắc tới nhiều. Nhưng nó là gì? Có mới không? Dưới góc nhìn của một chuyên gia, tài chính cá nhân thật ra đã có từ thời... các cụ.
Tài chính cá nhân, nghe thì cũng long lanh ra phết nhỉ? Thực ra, các cụ nhà mình làm từ nghìn năm trước rồi.
Đây này, các cụ bảo "buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hà tiện", có nghĩa là thời hoàng kim, còn làm ra tiền thì nên tiết kiệm, tích lũy. Mà tích vào đâu? Thì đây các cụ nói "tấc đất tấc vàng". Cực chẳng đã mới phải bán đất. Cứ có tiền thừa thì làm mảnh đất để đấy, đợi 20 năm sau kiểu gì cũng có tài sản thừa kế cho con.
Tuy nhiên, người phương Tây lại tư duy đỡ "cuồng" đất hơn chúng ta. Họ đầu tư vào cuộc sống. Đi thuê nhà cả đời ư? Cũng chẳng sao! Mà cũng chẳng cần phải cho con thừa kế cái sổ đỏ. Đến như Bill Gates có tài sản vài trăm tỷ USD mà cũng chỉ cho con cái mấy chục triệu USD đấy thôi.
Còn nói về tư duy tiết kiệm thì người Việt Nam hay các nước cũng thế cả.
Bà ngoại tôi, ngày xưa, sống nổi tiếng tiết kiệm. Về hưu thì chỉ có gánh hàng tạp hóa bán dưới sân khu tập thể. Ông ngoại tôi là người Hải Phòng, từ bé đã theo các anh lên làm thợ điện mỏ than. Các cụ chẳng làm gì oai oách, ấy thế mà tiết kiệm kiểu gì mua được xe Honda 67 cho con đi. Đầu những năm 80 thì cả xí nghiệp chỉ có con nhà các sếp mới có xe này. Đến tôi, thời 1996-2000 đi học đại học vẫn chỉ đi xe đạp, đủ biết ông bà tiết kiệm giỏi tới cỡ nào.
Phương Tây tiết kiệm thì sao? Họ không để đồ thừa, tiêu pha hợp lý. Tiền chia làm nhiều giỏ khác nhau: tiền trả thuê nhà hoặc mua nhà, mua xe trả góp, trả nợ khoản vay học phí, tiền đầu tư giáo dục, đi học nâng cao trình độ, tiền ăn, tiết kiệm tiền mua sắm.
Người phương Tây cũng hay để một phần thu nhập mua bảo hiểm coi như khoản tiết kiệm. 10-15 năm sau, nếu cần thiết, họ rút ra cũng được một khoản.
Không tiết kiệm có mà "sớm ra đê". Thay vì đi Mercedes thì họ mua con Toyota bán tải mà đi cũng bền, lại rẻ hơn. Ở ta thì hơi khác, làm kinh doanh mà không có "ngôi sao 3 cánh" thì đối tác họ khinh. Tức là vẫn phải chiều theo xã hội đa số quan trọng người hào nhoáng, phải đi đánh golf, uống rượu vang mới chịu. Nghèo cũng phải vay tiền mà đi châu Âu đời mới nể. Miệng kẻ sang có gang có thép.
Còn ở mình, có mấy nghệ sĩ, ngày xưa hoàng kim kiếm cả mấy cây vàng một đêm diễn mà về già lâm vào cảnh khó khăn. Cũng là do lúc no không nghĩ gì đến lúc đói. Các bà mẹ miền Bắc xưa thì chẳng đầu tư cái gì. Cứ tiết kiệm được tý nào lại ra đầu phố đánh 1 chỉ vàng, thế mà lâu lâu dốc ra được cả lon.
Giới trẻ bây giờ thì đổ xô vào coin, chứng khoán, tài sản NFT… nhưng mà cũng vừa vừa thôi. Vì có quá nhiều thứ như thế, nên một bộ phận giới trẻ có vẻ như đang "hoang mang giữa cuộc đời". Nhìn lại mới thấy thế hệ 7x chúng tôi cực đơn giản: No hơn các anh chị 6x, chỉ biết đi học là đi học, học 2 trường chính quy trong 6 năm, đạp xe đi học hàng chục cây số bằng xe đạp, cơm ký túc xá vài nghìn đồng một bữa...
Còn sinh viên, bạn trẻ bây giờ không ít bạn thậm chí phải "vượt sướng", vượt cám dỗ. Và vấn đề của các em là gì? Là hoang mang trăm lối: theo logistics hay giáo dục? Làm bảo hiểm hay ngân hàng? Làm tập đoàn quốc tế hay công ty Việt Nam? Rồi bao nhiêu thứ long lanh: sân golf, bãi biển, du lịch nước này nước kia, tiệc tùng, điện thoại xịn... cám dỗ. Chưa kể, các bạn trẻ bây giờ năng động nhưng vòng xoáy kiếm tiền nhanh cũng khiến cho họ phải chạy theo.
Theo tôi thì bên cạnh đầu tư, tư duy tiết kiệm, tư duy dài hạn, đầu tư vào giáo dục cho con cái và phát triển sự nghiệp bản thân, hạn chế đầu tư mạo hiểm… nên là ưu tiên.
Hãy tập trung vào công việc chính, bổ sung cho mình những kiến thức mới, kỹ năng mới, học ngoại ngữ... để phát triển bản thân bền vững. Đừng nghe dạy làm giàu không khó, tư duy đầu tư triệu phú vì đó đa phần cũng chỉ là những thứ giúp cho người khác... làm giàu mà thôi.
Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của ông Nguyễn Hoàng Hải, chuyên gia có không ít năm kinh nghiệm tư vấn đào tạo cho nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam, không nhất thiết đồng quan điểm với Dân trí. Độc giả có thể phản biện trong phần bình luận phía dưới bài viết.