Nghe bạn nhậu, giấu vợ rút tiền, bán vàng để mua... "đất vịt giời"

Nghe bạn nhậu, ông Hải về rút sổ tiết kiệm, bán hết vàng chuẩn bị cho con trai cưới vợ để lấy tiền mua đất. Sau một thời gian, ông Hải mới biết mảnh đất mình mua đang bị thế chấp ngân hàng.

Chia sẻ với phóng viên, luật sư Đỗ Thành Hưng (Hà Nội) cho biết văn phòng luật sư nơi ông làm việc đang hỗ trợ pháp lý cho ông Nguyễn Hùng Hải (50 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội) trong vụ việc "đặt cọc mua đất đang có thế chấp ngân hàng qua một người quen".

Nghe bạn nhậu, giấu vợ rút tiền, bán vàng để mua... đất vịt giời - 1

Nghe lời bàn nhậu, giấu vợ, đầu tư trúng miếng đất đã thế chấp ngân hàng. Ảnh minh họa.

Theo đó, cách đây hơn 1 năm, ông Hải quen biết với ông Nguyễn Văn Linh ở cùng huyện. Gần đây, ông Hải thấy ông Linh mua xe máy mới, lại ăn diện, tiền tiêu rất hào phóng và thường xuyên mời ông Hải đi nhậu nên ông Hải cũng tò mò.

Lân la hỏi chuyện thì biết được ông Linh đang sang đầu tư bất động sản, mua đi bán lại được mấy mảnh đất. Ông Linh nhiệt tình kể về quá trình “khởi nghiệp’’ của mình và "bật mí" đang có một vài mảnh đất đẹp, giá lại mềm, mua về rồi bán sang tay nhanh cũng lãi nửa tỷ.

Ông Linh còn cẩn thận dặn dò nếu ông Hải: "Nếu ông muốn mua tôi sẽ giúp, nhưng phải chốt nhanh vì đất đẹp ai cũng muốn mua, không mua sớm thì người khác mua mất".

Với những lời mời gọi hấp dẫn từ ông bạn nhậu, ông Hải vội vã đồng ý đi xem đất ngay.

Vốn là một nông dân thật thà chất phác, rất kỳ vọng vào mảnh đất bạn giới thiệu, gia đình lại có con trai lớn sắp đến tuổi lấy vợ nên ông Hải cũng muốn đầu tư mua một mảnh đất cho con, thay vì cho vàng, xe như dự tính ban đầu.

Khi ông Linh dẫn ông Hải đến xem đất cũng đang có một vài người chia sẻ muốn mua đất trong cùng lô mà ông Linh giới thiệu cho ông Hải. Lúc đầu chỉ có ý định đi xem để tìm hiểu, nhưng sau màn giới thiệu của nhân viên tư vấn, rồi những khách khác cũng hồ hởi nói đã đặt cọc vài trăm mét hoặc sẽ đặt luôn trong ngày nên ông Hải đã quyết định "rút hầu bao" ngay để đặt cọc.

Ông Linh đã "hỗ trợ" để ông Hải về rút sổ tiết kiệm và bán hết vàng chuẩn bị cho con trai cưới vợ, lấy tiền cọc mua đất. Ông Hải được nhân viên môi giới đưa một giấy biên nhận đặt cọc giữ chỗ và yêu cầu ký vào.

Khi ông Hải đưa cọc tổng cộng là 200 triệu đồng, ông Linh và nhân viên công ty môi giới khẳng định số tiền này sẽ hoàn trả lại nếu ông không mua đất nữa nên không mất đi đâu.

Tưởng sắp được món hời, ông Hải còn bồi dưỡng cho "ông bạn nhậu quý hóa" 10 triệu tiền công giới thiệu đất.

Vài ngày sau không thấy ai liên lạc với mình, ông Linh cũng bảo đi công tác xa ít ngày khiến ông Hải cảm thấy bất an. Ông nhờ người nhà tìm hiểu thì được biết khu đất này... có vấn đề. Người nhà ông Hải khẳng định khu đất đã được thế chấp ngân hàng từ trước.

Lo lắng tột cùng vì mất hết của cải dành làm vốn cho con trai, ông Hải gọi điện cho công ty môi giới thông báo không mua nữa và muốn lấy lại tiền cọc. Tuy nhiên, công ty môi giới này không đồng ý trả cọc, hoàn toàn không như những gì mà họ đã hứa hẹn lúc ông đưa tiền. Ông Linh cũng bặt vô âm tín.

Qua tìm hiểu, ông Hải mới vỡ lẽ thực chất ông Linh là người của công ty bất động sản trên và công ty này cũng không có đăng ký kinh doanh về lĩnh vực môi giới bất động sản.

Hối hận thì cũng đã muộn. Ông Hải tìm đến văn phòng luật sư để được tư vấn, hỗ trợ pháp lý, mong đòi lại được số tiền đặt cọc từ những kẻ rắp tâm lừa đảo.

Qua sự việc này, luật sư Thành Hưng đưa ra khuyến cáo: Khi muốn đầu tư mua đất, người dân hãy tìm hiểu kĩ nguồn gốc của thửa đất trước khi tiến hành thực hiện các giao dịch liên quan, bởi đến khi sự việc đi quá xa thì việc nhờ đến pháp luật đòi lại tiền đã mất sẽ rất phức tạp, "được vạ thì má đã sưng".

* Tên nhân vật đã được thay đổi.