Tôm, cá Việt: coi chừng bị nước ngoài tẩy chay

Cần có cơ chế kiểm soát thị trường thuốc kháng sinh, đặc biệt những loại thuốc nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Mới đây, thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết chỉ trong hai tháng đầu năm 2015, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã từ chối cấp phép nhập khẩu ít nhất 107 lô tôm từ các nước Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc và Việt Nam. 

Theo FDA, số lô hàng tăng 224% so với năm ngoái. Đây cũng là lần số lô hàng bị từ chối nhập khẩu cao nhất trong 10 năm qua. Theo VASEP, lý do Mỹ từ chối nhập khẩu vì phát hiện dư lượng kháng sinh trong tôm nhiễm chất nitrofuran (chất có tác dụng chống nhiều chủng vi khuẩn đường tiết niệu) và dư lượng thuốc thú y.

Tốn triệu USD vẫn bó tay kháng sinh

Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết không chỉ Mỹ mà các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam như châu Âu, Nhật đều có những tiêu chuẩn rất khắt khe về vấn đề này. Như Nhật Bản trong những năm trở lại đây đã có lúc họ áp dụng chế độ kiểm tra 100% lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam về chỉ tiêu chất kháng sinh do phát hiện nhiều lô hàng vi phạm. Thậm chí phía cơ quan chức năng nước này gửi thông báo nếu tình hình không được cải thiện, Nhật sẽ xem xét áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn kể cả tạm đình chỉ nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Tôm, cá Việt: coi chừng bị nước ngoài tẩy chay

DN phải tự cứu mình bằng cách kiểm soát thủy sản xuất khẩu từ khâu nuôi trồng đến khi chế biến trước khi trông chờ vào cơ quan quản lý. Ảnh: xuân HUY

Ông Lĩnh chia sẻ: “Mỗi năm doanh nghiệp (DN) ông bỏ ra hơn 1 triệu USD để kiểm soát vấn đề kháng sinh trên tôm xuất khẩu nhưng cuối cùng kiểm tra vẫn dính, có khi hàng bị phía các nước nhập khẩu trả về. DN phải cử nhân viên xuống giám sát quá trình nuôi tại ao, truy xuất nguồn gốc tôm các thương lái mua xem đảm bảo hay không. Vậy mà chỉ do thương lái sử dụng dụng cụ đã chứa tôm nhiễm kháng sinh bán cho nơi khác nhưng không rửa sạch, đến khi DN mình mua tôm bị dính kháng sinh”.

Là DN chuyên chế biến xuất khẩu cá tra, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng, cho rằng các mặt hàng thủy sản khác như cá thì có thể kiểm soát được vấn đề kháng sinh. Riêng con tôm thì rất khó. Con tôm khó nuôi hơn cá tra và cá ba sa vì dễ mắc nhiều bệnh. Nhưng thay vì sử dụng kháng sinh với liều lượng cho phép thì nhiều người đã dùng vô tội vạ khiến dư lượng thuốc trong tôm rất cao. DN lại không thể đủ sức tự nuôi vùng nguyên liệu tôm cung ứng cho xuất khẩu. Như con cá tra, một ao cá có thể cho DN thu hoạch 300-500 tấn cá/năm, trong khi một ao tôm cùng diện tích chỉ có thể thu hoạch 3-5 tấn tôm/năm. Để đủ sản lượng tôm xuất khẩu, DN phải thu gom nhiều nguồn từ các hộ nuôi, thương lái, thậm chí phải nhập khẩu.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho hay đa phần DN kiểm tra rất tốt nguồn nguyên liệu, chỉ xui lắm mới dính một lô kháng sinh, dù đã tuyên truyền người nuôi tôm về sử dụng kháng sinh đúng cách, không sử dụng kháng sinh cấm. Tuy nhiên, một số DN xuất khẩu thủy sản tiết lộ Việt Nam bị cảnh báo cũng do 1-2 DN thu mua không kiểm soát, xuất khẩu kiểu ăn may, lọt thì thu lợi, chẳng may bị trả hàng thì xuất sang các thị trường khác tiêu chuẩn dễ hơn. 

Siết nguồn kháng sinh

Ông Trần Văn Lĩnh, Công ty Thuận Phước, cho biết cái gốc mà các cơ quan quản lý bỏ quên là thị trường thuốc kháng sinh dùng cho nuôi trồng thủy sản. Không ở nước nào người dân mua kháng sinh dễ như ở Việt Nam. Hỏi mua kháng sinh ở đâu cũng có bán, sản phẩm không rõ nguồn gốc đầy rẫy.

Theo ông Lĩnh, hiện nay vấn đề kiểm soát kháng sinh mới chỉ ở phần ngọn. Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad) là đơn vị kiểm tra chất lượng thủy sản. Song khi phía nước nhập khẩu phát hiện lô hàng bị nhiễm kháng sinh thì Nafiqad không chịu trách nhiệm gì. Trong khi đó phía DN phải trả phí kiểm tra cho Nafiqad, hàng bị nhiễm kháng sinh thì DN tự chịu, lại còn bị phạt. Đáng nói, Nafiqad cũng chỉ kiểm tra theo dạng lấy mẫu chứ không thể kiểm soát toàn bộ lô hàng. Vấn đề vẫn nằm ở nguồn kháng sinh, cần có cơ chế kiểm soát thị trường thuốc kháng sinh, đặc biệt những loại thuốc nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Một chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng các DN có thể liên kết lại cùng đầu tư xây dựng vùng nuôi hoặc liên kết với các hộ nuôi mới có thể kiểm soát được nguồn nguyên liệu cho chính DN mình. “Ngành thủy sản của Thái Lan hiếm khi bị cảnh báo kháng sinh vì cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát tốt thuốc thú y trong nuôi trồng thủy sản. DN có những vùng nuôi tôm tập trung, nông dân được đào tạo chuyên nghiệp về nuôi trồng, có ý thức cao” - chuyên gia này dẫn chứng.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết Bộ NN&PTNT đã ban hành danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam. Tổng cục Thủy sản và Cục Thú y đang có những giải pháp kiểm tra, xử phạt những cơ sở sản xuất thuốc, hóa chất trong nuôi trồng thủy sản không đủ điều kiện, sử dụng hóa chất ngoài danh mục cho phép. Đồng thời có phương án tuyên truyền hướng dẫn cơ sở nuôi thủy sản tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng hóa chất kháng sinh.

Ngoài ra, theo ông Hòe, Nafiqad sẽ siết kiểm tra các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào các thị trường trên. Nếu vi phạm nhiều lần sẽ bị bêu tên hoặc tạm ngưng xuất khẩu vào thị trường đó đến khi khắc phục được.


Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad), trong năm 2014, thương vụ Việt Nam tại EU, Nhật và Mỹ liên tục nhận được nhiều thông tin cảnh báo về các lô hàng thủy sản của nước ta do dư lượng hóa chất kháng sinh vượt mức cho phép. Số lô hàng nhiễm hóa chất, kháng sinh sang thị trường EU đã tăng gấp bảy lần, từ năm 2013 chỉ có bảy lô hàng bị cảnh báo nhưng đến năm 2014 đã lên con số 51. Tại thị trường Mỹ, năm nay số lô hàng bị cảnh báo cũng tăng 1,6 lần lên 58 lô. Mặt hàng thủy sản bị cảnh báo nhiều nhất là tôm và cá tra.
 

Theo Quang Huy
Pháp luật TPHCM

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”