Ngành ô tô Trung Quốc đã sẵn sàng “ra ở riêng”

(Dân trí) - Tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu Trung Quốc - Thượng Hải (SAIC) vừa công bố chuẩn bị cho ra đời một sản phẩm xe cao cấp mang nhãn hiệu của mình. Sự kiện này được đánh giá là một bước ngoặt trong sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc.

Sản phẩm ô tô mà SAIC nói đến sẽ là dòng xe cải tiến của chiếc Rover 75 của tập đoàn MG Rover, một chiếc mui kín bốn cửa sang trọng và sẽ cạnh tranh trực tiếp với một số sản phẩm do liên doanh giữa General Motors (GM), Volkswagen AG và SAIC sản xuất.

Để phục vụ cho kế hoạch SAIC đã thuê những kỹ sư, nhà quản lý kinh nghiệm từ các liên doanh với GM, Volkswagen để nghiên cứu những dự án sản xuất nhãn hiệu ô tô của riêng mình.

 

Công ty còn chiêu mộ được các nhà quản lý của các công ty nước ngoài. Ông Wang Xiaoqiu, Tổng giám đốc của SAIC đã từng làm việc cho Shanghai Volkswagen. Còn ông Wang Dazong, giám đốc trung tâm Nghiên cứu và phát triển cũng là một “cựu binh” của GM và công ty cung cấp phụ tùng Delphi Corporation.

Trước đó SAIC đã mua kế hoạch và giấy phép sản xuất loại xe này từ MG Rover trước khi tập đoàn này nộp đơn xin phá sản vào tháng 4/2005.

SAIC tuyên bố, mặc dù chưa có tên gọi nhưng sản phẩm trên sẽ được bắt đầu sản xuất trong vòng 6 tháng tới. SAIC cũng đang lên kế hoạch tấn công vào thị trường châu Âu và Mỹ vào đầu năm 2007.

Zhu Xiangjun, phát ngôn viên của tập đoàn ô tô Thương Hải thì hồ hởi cho biết việc sản xuất ô tô mang nhãn hiệu nội địa sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh “lành mạnh”, khiến cho các liên doanh ngày càng cải thiện khả năng cạnh tranh của mình.

SAIC cũng tuyên bố sẽ thành lập một trung tâm thiết kế tại châu Âu vào cuối năm nay và sẽ điều động các kỹ sư từ nhà máy sản xuất ô tô thể thao Hàn Quốc Ssangyong Motor Co, công ty mà SAIC nắm cổ phần kiểm soát từ năm 2004.

Bình luận về sự kiện này, ông Michael Dunne, Chủ tịch Hội tư vấn các nguồn lực ô tô châu Á - Automotive Resources Asia cho rằng: “Đây thực sự là bước ngoặt trong sự phát triển ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc. Người Trung Quốc đã thành lập các liên doanh ô tô vì mục đích: để một ngày học được cách tự sản xuất chúng. Và ngày đó đã đến”.

Vấn đề đặt ra là phản ứng của các đối tác nước ngoài như thế nào đối với động thái trên của SAIC? Trong một bài diễn văn được chuẩn bị trước, GM tuyên bố thấu hiểu mong muốn tăng trưởng hơn nữa của SAIC và tự tin rằng SAIC nhận ra sự thành công của các nhà máy tại Trung Quốc gắn liền với thành công của các nhà máy liên doanh.

Còn Volkswagen lại cho rằng, Volkswagen và SAIC tiếp tục cộng tác lâu dài và chặt chẽ: “Chúng tôi hiểu rằng SAIC mong muốn xây dựng một nhãn hiệu ô tô Trung Quốc riêng. Trước đây, chúng tôi đã hỗ trợ các bạn và hiện tại vẫn tiếp tục làm thế”.

Việc SAIC chuyển từ vị thế một đối tác liên doanh với nước ngoài trở thành đối thủ cạnh tranh tiềm tàng là dấu hiệu của một xu hướng thay đổi mạnh mẽ trên thị trường ô tô Trung Quốc về nguồn cung doanh thu và lợi nhuận của các tập đoàn sản xuất ô tô Châu Âu và Mỹ.

Thùy Anh (Theo atimes/China_Business)