Ngành ngân hàng Trung Quốc: Sau thời hoàng kim là rủi ro chưa từng có

(Dân trí) - Sau những năm tăng trưởng cao nhờ chính sách tín dụng nới lỏng, ngành ngân hàng Trung Quốc đang đối diện với những thách thức chưa từng có khi cung tiền bị thu hẹp. Trong khi đó kinh tế giảm tốc khiến nguy cơ nợ xấu tăng cao.

Ngành ngân hàng Trung Quốc đang đối diện thách thức chưa từng có
Ngành ngân hàng Trung Quốc đang đối diện thách thức chưa từng có

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, cổ phiếu của ngân hàng công thương Trung Quốc (ICBC), ngân hàng lớn nhất thế giới xét theo thị giá, được giao dịch ở mức 5,3 lần thu nhập dự kiến. Trong năm 2013, ngân hàng này có thể đạt mức lợi nhuận 41 tỷ USD, theo dự báo trung bình của 17 nhà phân tích được Bloomberg khảo sát.

Trong khi đó ngân hàng Wells Fargo & Co của Mỹ dù mức lợi nhuận dự kiến chỉ 20 tỷ USD, cũng có mức P/E bằng 11 lần.

Trong tháng vừa qua, giá cổ phiếu của ICBC và 3 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc khác là ngân hàng xây dựng Trung Quốc (CCB), ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc và Bank of China đều giảm trung bình 12%, xóa sạch những nỗ lực tăng điểm từ đầu năm và giảm mạnh hơn mức 7,1% của chỉ số Hang Seng.

Sự lạnh nhạt thấy rõ của nhà đầu tư với các ngân hàng Trung Quốc cho thấy những lo lắng về một cuộc truy quét các hoạt động “tín dụng đen”, cũng như các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng đảo nợ, có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận và làm nợ xấu tại các ngân hàng tăng mạnh..

“Thời hoàng kim của ngành ngân hàng đã qua”, Mike Werner, nhà phân tích của công ty Sanford C. Bernstein & Co., tại Hong Kong nhận định. Hiện ông Werner đang tư vấn khách hàng mua cổ phiếu ICBC trong khi từ bỏ các ngân hàng tầm trung tại Trung Quốc. “Nhà đầu tư cần nhận ra rằng các ngân hàng sẽ phải tuân thủ nhiều kỷ luật thị trường hơn”.

Lãi suất cao kỷ lục

Sự lao dốc này phần nào được báo trước khi lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng Trung Quốc leo lên mức kỷ lục hôm 20/6 vừa qua, sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc để mặc cho tình trạng thiếu thanh khoản leo thang. Đây được xem như một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiểm soát luồng tín dụng phi chính thức, nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản và kiểm soát hoạt động vay vốn của chính quyền địa phương.

Nhiều nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng những con nợ lớn, vốn sống nhờ vào nguồn vốn “giá rẻ” tại Trung Quốc sẽ bắt đầu gặp khó khăn tài chính khi nền kinh tế giảm tốc, Eswar Prasad, giảng viên kinh tế học tại đại học Cornell, New York nhận định.

“Khả năng năng bị tổn thương của các doanh nghiệp quốc doanh và hệ thống ngân hàng là vô cùng lớn”, Prasad khẳng định. “Cuối cùng, hệ thống ngân hàng chính là nơi rất nhiều thi thể bị chôn vùi”.

Mặc dù lãi suất liên ngân hàng tại Trung Quốc đã hạ nhiệt sau khi ngân hàng trung ương nước này bơm vốn một cách có chọn lọc, rất có thể nó sẽ còn tăng cao trong nửa cuối năm nay, May Yan, nhà phân tích thị trường ngân hàng tại ngân hàng Barclays Plc, Hong Kong nhận định.

Charlene Chu, giám đốc cấp cao của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tại Bắc Kinh thì cho rằng, quyết định để cho lãi suất cho vay ngắn hạn tăng lên có thể khiến các tổ chức tín dụng, những người gặp khó trong việc hoàn trả các khoản huy động giá cao thông qua các sản phẩm quản lý tài sản, phải giảm bớt cho vay đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình. Một khi tăng trưởng tín dụng chậm lại, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ lại thêm ì ạch.

Nợ xấu gia tăng

Nợ xấu của các ngân hàng thương mại Trung Quốc đến nay đã tăng trong 6 quý liên tiếp, là chuỗi ngày tăng dài nhất trong 9 năm qua. Xét về giá trị, quy mô nợ xấu đến hết quý 1 vừa qua đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 86 tỷ USD, theo số liệu của Ủy ban giám sát ngân hàng Trung Quốc.

Dù vậy những số liệu này không phản ánh con số nợ xấu thực tế, bởi các ngân hàng luôn chuyển nợ xấu ra khỏi sổ sách, nhà phân tích Chu của Fitch ratings khẳng định. Một số món nợ được đem “đóng gói” và bán cho người dân dưới dạng các sản phẩm quản lý tài sản, với lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi thông thường. Các tài sản khác thì bị bán cho các tổ chức tài chính khác, ví dụ như các quỹ tín thác. Tất cả nhằm mục đích cuối cùng là giảm tỷ lệ nợ xấu.

Trong khi đó, thị trường tín dụng “đen” tại nước này cũng không ngừng phát triển, khi ước tính có tới 97% trong số 42 triệu doanh nghiệp nhỏ không thể vay vốn từ ngân hàng, công ty chứng khoán Citic nhận định.

Cùng lúc đó người gửi tiền cũng muốn tìm kiếm những mức lãi suất cao hơn so với gửi tiền vào ngân hàng. Theo ước tính của ngân hàng JPMorgan của Mỹ, thị trường tín dụng “đen” tại Trung Quốc có thể đạt quy mô tới 36.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương 69% GDP của nước này.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc trong bài phân tích hôm 23/6 cũng thừa nhận: rủi ro trong hệ thống tài chính đang tăng lên, do tín dụng “đen” ngày càng mở rộng và các tổ chức tài chính ngày càng tích cực sử dụng đòn bẩy trong đầu tư.

Sự dễ tổn thương của hệ thống ngân hàng Trung Quốc phản ánh một điều lớn hơn về nền kinh tế nước này, nơi lợi nhuận của các ngân hàng lớn nhất bằng hơn một nửa lợi nhuận của toàn bộ các công ty niêm yết, Henry Cai, chủ tịch phụ trách mảng tài trợ doanh nghiệp châu Á của ngân hàng Đức Deutsche Bank AG khẳng định.

“Những thách thức các ngân hàng Trung Quốc đang phải đối mặt là chưa từng có. Tăng trưởng của ngành này cần phải theo hướng thị trường hơn và đa dạng hơn”, ông Cai nhấn mạnh.

Thanh Tùng
Theo Bloomberg