Ngành mía đường diễn lại tuồng cũ

Hoạt động của ngành sản xuất mía đường cứ như một vở diễn năm nào cũng được diễn lại. Mở đầu với những cuộc tranh giành mua mía, dẫn đến cả làng cùng đói mía và kết thúc là thua lỗ, kêu gọi trợ cấp, bù lỗ, xóa nợ từ Nhà nước.

Vụ sản xuất mía đường năm nay đã khởi động, đầu tiên là hai nhà máy ở Cà Mau và Kiên Giang, sau đó đến chín nhà máy ở ĐBSCL, vài tuần nữa là tới các tỉnh miền Đông Nam bộ... Tình hình năm nay có lạc quan hơn một chút do giá đường ở mức cao, nhưng vì thế tranh giành mua mía cũng “ác liệt” hơn về giá lẫn cách thức tranh giành.

 

Dự báo kết cục của vở diễn sẽ khác mọi năm vì trong bối cảnh giá đường ở mức cao, cả nước đang thiếu đường mà vẫn có những nhà máy bị “chết” (lỗ lã).

 

Vì sao ngành mía đường vẫn chưa có được lối ra sáng hơn? Cách nay hai năm, ngành mía đường đã phải chấp nhận đổi sở hữu để được tồn tại, chi phí Chính phủ phải bỏ ra để thôi sở hữu các nhà máy đường lên đến cả ngàn tỉ đồng.

 

Để không phải trả giá thêm, Chính phủ còn phải chi thêm nhiều tỉ đồng khác để giúp các nhà máy đường thay chủ có thể tồn tại. Thế nhưng có thể khi sắp xếp lại các nhà máy đường, người ta vẫn chưa kiên quyết với những nhà máy đường được cất trên phố hoặc cất theo kiểu mía trên rừng nhưng nhà máy được xây dưới biển!

 

Một số nhà máy đường vẫn được cho phép duy trì với điều kiện phải phát triển vùng nguyên liệu, trong khi vùng nguyên liệu không thể có được trong một vài năm, thế là các nhà máy đành kiếm mía ở… vùng nguyên liệu của nhà máy bạn, cứ treo giá cao là có mía.

 

Chỉ khổ cho những nhà máy chăm chút cho vùng nguyên liệu, mía cứ lần lượt ra đi vì nông dân thấy giá cao là chặt bán. Mía giống mới, lúc này đã được 7 chữ đường, để thêm hai tháng có thể lên đến 12 chữ đường nhưng nông dân vẫn chặt bán non.

 

Vẫn chưa thấy có được cách làm kiên quyết như Nhà máy đường Bình Dương đã thực hiện là chấm dứt sản xuất đường để chuyển sang kinh doanh các ngành hàng khác phù hợp hơn.

 

Nhà máy đã bị “nhốt” trong đô thị, đất trồng mía cho nhà máy đã dần bị  thôn tính bởi các cây trồng hoặc ngành sản xuất khác hấp dẫn hơn. Nếu cứ duy trì sản xuất mía, nhà máy phải cạnh tranh mua mía với các nhà máy ở khu vực TP.HCM và miền Đông Nam bộ, phải chạy về Phụng Hiệp, Sóc Trăng...

 

Chắc chắn hoạt động sản xuất mía đường chỉ sáng sủa hơn khi có thêm những đơn vị mạnh dạn như Nhà máy đường Bình Dương. Chỉ có thế ngành mía đường mới không phải diễn lại vở diễn cũ và bắt người dân trả giá khi cứ mãi phải ăn đường giá cao.

 

Theo T.TU

Báo Tuổi trẻ