1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ngành kinh doanh…bùn

(Dân trí) - Tác dụng dưỡng da, thậm chí là chữa bệnh của các khoáng chất có trong bùn ở khu vực Biển Chết chính là yếu tố mỗi năm lôi kéo hàng triệu lượt khách du lịch đến Israel.

Tác dụng của bùn trong việc dưỡng da và chữa bệnh giờ đây đã không còn xa lạ đối với hầu hết người tiêu dùng. Bùn lấy từ Biển Chết còn giá trị hơn nữa, vì đây là hồ nước mặn sâu nhất thế giới và cũng là nơi nước mặn nhất thế giới. Những cái nhất này khiến hàm lượng muối và khoáng chất trong bùn ở Biển Chết cao hơn hẳn những nơi khác.

 

 “Món quà” thiên nhiên ban tặng này không chỉ được khai thác như một tiềm năng du lịch mà còn biến nó thành một ngành kinh doanh béo bở.

 

Cách đây khoảng 20 năm, chuyên gia spa Ziva Gilad ngày nào cũng chứng kiến cảnh phụ nữ ở bờ Biển Chết, Israel, trát kín bùn lên da trần, để chúng trên da một thời gian rồi tắm lại bằng nước mặn - chuyện chẳng có gì đáng ngạc nhiên ở nơi này. Cho đến một ngày, khi thấy một phụ nữ lấy bùn vào chai để đem về nhà, Gilad bỗng nảy ra ý tưởng biến đây thành một ngành kinh doanh.

 

Năm 1988, Dead Sea Laboratories ra đời, chuyên sản xuất các sản phẩm chăm sóc da chiết xuất từ bùn đen và muối khai thác từ Biển Chết.

 

Trong năm đầu tiên, công ty đạt doanh thu gần 1 triệu USD, chủ yếu từ thị trường nội địa. Đây là kết quả không tồi đối với một công ty mới thành lập, chỉ có 30 nhân viên, nhưng Gilad và các đối tác không thoả mãn với con số đó, đặc biệt là sau khi thấy du khách Mỹ tìm mua sản phẩm để mang về nước dùng.

 

Họ muốn đưa sản phẩm sang Mỹ, thị trường luôn rộng cửa đối với mọi công ty mỹ phẩm cao cấp. Sau nhiều năm chỉ đạt được những thành công khiêm tốn, Ahava, công ty mỹ phẩm của Dead Sea Laboratories, bất ngờ khởi sắc vào năm 2000. Bí mật nằm ở đâu? Công ty đã nhận ra rằng thành công trên thị trường làm đẹp cao cấp thường phụ thuộc nhiều vào chiến lược marketing và hệ thống phân phối sản phẩm.

 

Phát triển đúng hướng, cộng với tiền đầu tư của một tỷ phú Israel, Ahava nhanh chóng trở thành một thương hiệu cao cấp có tên tuổi trên toàn thế giới. Hiện nay, các sản phẩm của Ahava có mặt ở 33 nước trên thế giới, đem về cho công ty gần 150 triệu USD/năm.

 

Tất nhiên, nếu chỉ marketing thôi thì chưa đủ để Ahava cạnh tranh với các tên tuổi lớn như L'Oreal hay Estée Lauder. Ahava phải có sự khác biệt rõ nét. Gilad và các đối tác đã cố gắng đem đến cho khách hàng cảm giác thư giãn như đang ngâm mình trong nước mặn và đắp bùn ngay tại Biển Chết.

 

Không mềm mát hay trắng mịn như kem của các hãng cạnh tranh, sản phẩm dưỡng da của Ahava nhám, có màu nâu để đem lại cảm giác về bùn và muối khoáng tự nhiên của Biển Chết.

 

Ngày nay Ahava không chỉ cung cấp sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cho người tiêu dùng cuối cùng, mà còn là công ty mỹ phẩm duy nhất có quyền khai thác bùn và muối khoáng từ Biển Chết. Các công ty khác muốn tham gia lĩnh vực này phải mua nguyên liệu của Ahava.

 

Tạp chí Time đã có loạt ảnh giới thiệu ngành kinh doanh bùn ở Biển Chết:

 

Ngành kinh doanh…bùn - 1
 Từ năm 1988, một công ty của Israeli, Dead Sea Laboratories, đã giành được quyền độc quyền khai thác và kinh doanh bùn ở Biển Chết

 

Ngành kinh doanh…bùn - 2

 Bùn nguyên chất được đựng trong những thùng lớn và chuyển tới phòng thí nghiệm để kiểm tra

 

Ngành kinh doanh…bùn - 3
  Trong quá trình sản xuất, Dead Sea Laboratories cố gắng giữ lại hình thức và cảm giác mà muối khoáng và bùn tự nhiên cho các sản phẩm của Ahava

 

Ngành kinh doanh…bùn - 4

 Ahava hiện có 200 nhân viên, trong đó 180 người làm việc tại Israel

 

Ngành kinh doanh…bùn - 5

  Nằm ngay bên bờ Biển Chết, nhà máy Ahava sẵn sàng mở cửa đón khách thăm quan. Với du khách, đây là một tour thú vị khi đến Israel

 

Ngành kinh doanh…bùn - 6

  Một công nhân đang đóng các sản phẩm dưỡng da Ahava vào từng thùng lớn trước khi đem tiêu thụ trên thị trường

 

Ngành kinh doanh…bùn - 7
 Du khách sau khi kết thúc tour thăm quan nhà máy Ahava có thể mua các sản phẩm ở cửa hàng ngay tại nhà máy

 

Ngành kinh doanh…bùn - 8
 
Một vị khách du lịch tại bãi biển Mineral (Khoáng chất) gần nhà máy của Ahava ở Biển Chết, hôm 29/11/2007

 

Đặng Lê

Theo Time