Gần 9,3 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam sau 4 tháng
(Dân trí) - Dòng vốn đăng ký đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong 4 tháng đầu năm tăng 19,8% so với cùng kỳ và chiếm gần 66,4% tổng vốn đăng ký.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 4 tháng đầu năm.
Tính đến ngày 20/4, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, 4 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư đăng ký giảm 17,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Điểm sáng FDI vào công nghiệp chế biến, chế tạo
Điểm sáng về vốn đầu tư FDI trong 4 tháng đầu năm là dòng vốn vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo đó, ngành này dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 6,15 tỷ USD, chiếm gần 66,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 19,8% so với cùng kỳ.
Công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới khi chiếm 37,2% trong tổng số dự án và điều chỉnh vốn (chiếm 60,3%).
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,73 tỷ USD, chiếm gần 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 78,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; vận tải kho bãi với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 451,4 triệu USD và gần 383,2 triệu USD.
Ngành bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số lượt giao dịch góp vốn, mua cổ phần khi chiếm tỷ trọng 44,2%.
Vốn FDI vào Bà Rịa - Vũng Tàu gấp 12 lần cùng kỳ
Trong 4 tháng đầu năm, 10 địa phương dẫn đầu về thu hút FDI gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Phòng. Những địa phương này chiếm 74,8% số dự án mới và 79,1% số vốn đầu tư của cả nước.
Bà Rịa - Vũng Tàu dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,52 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 12 lần cùng kỳ. Vốn đầu tư của Bà Rịa - Vũng Tàu tăng mạnh do có dự án lớn với tổng vốn đầu tư 730 triệu USD.
Tiếp theo là Hà Nội với gần 1,15 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 32,7% so với cùng kỳ năm 2023. Bắc Ninh đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 998,3 triệu USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Quảng Ninh, Thái Nguyên, TPHCM, Đồng Nai,…
Nếu xét về số dự án, TPHCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 37%), điều chỉnh vốn (chiếm 18,3%) và GVMCP (chiếm 72,3%).
Tính lũy kế đến ngày 20/4, cả nước có 40.049 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 478,6 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt khoảng 303,46 tỷ USD, bằng 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.