Ngành hàng chục tỷ đô than khó, đề xuất giảm 30% tiền điện, hạ lãi suất

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị giảm giá 30% giá điện cho những doanh nghiệp nằm trong số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ USD.

Ngành hàng chục tỷ đô than khó, đề xuất giảm 30% tiền điện, hạ lãi suất - 1

Hiệp hội Dệt may đề nghị giảm giá 30% giá điện cho một số doanh nghiệp thuộc các ngành xuất khẩu trên 1 tỷ USD đến hết năm 2021.

Góp ý dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã đưa ra một số vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp.

Riêng về phương án giảm giá điện, Hiệp hội Dệt may cho rằng, dự thảo Nghị quyết viết không đầy đủ và rõ ràng tại điểm c khi nêu: "Bộ Công Thương: Nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2021 về việc giảm giá điện cho các kho chứa hàng hóa của các doanh nghiệp logistics, chế biến nông - lâm - thủy sản và một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ USD". Thay vào đó, theo Hiệp hội này, cần nêu rõ "đề nghị quy định về việc giảm giá điện".

Hiệp hội Dệt may cũng đề nghị giảm giá 30% giá điện cho những doanh nghiệp nêu trên cho đến hết năm nay. "Có như vậy mới đúng tinh thần của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp thu kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp trong hội nghị đối thoại với Thủ tướng ngày 8/8", đại diện Vitas cho hay.

Vitas cũng đề nghị được ghi nhận ý kiến của hiệp hội vào trong dự thảo Nghị quyết với yêu cầu: "Thành phố Hải Phòng dừng thu phí cảng biển đến 31/12/2021 và nghiên cứu giảm 50% cho năm 2022. TPHCM hoãn áp dụng thu phí cảng biển cho đến 30/6/2022".

Lý do được đưa ra là hiện tại các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, trong khi Hải Phòng đã thu từ 1/1/2017 đến nay với số tiền rất lớn mà Luật Phí và lệ phí quy định chỉ thu để "cơ bản bù đắp chi phí đã đầu tư".

Còn TPHCM là trung tâm vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của các tỉnh thành phía Nam, nhưng hầu hết đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ do dịch bệnh bùng phát.

Vitas cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng không hạ hạn mức tín dụng đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19, tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 0,5%-1%/năm và giãn thời gian trả nợ gốc và lãi của năm 2021 và 2022.

"Theo số liệu được công bố, 6 tháng đầu năm rất nhiều ngân hàng có lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ năm 2020, trong khi doanh nghiệp đang rất khó khăn", Vitas cho hay.

Đồng thời Vitas cũng đề nghị các địa phương không điều chỉnh giá thuê đất trong điều kiện các doanh nghiệp phải gồng mình chống dịch và nghiên cứu giảm tiền thuê đất 50% cho các doanh nghiệp ở các địa phương áp dụng Chỉ thị 16.

Ngoài ra, lãnh đạo Hiệp hội này cũng đề xuất dừng các khoản thu không phải chi ngay mà để kết dư như BHXH và BHTN. Đồng thời cần dừng thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn trước mắt đến giữa năm 2022.

Theo số liệu của Vitas, 7 tháng đầu năm, dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu gần 23 tỷ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ, vượt Bangladesh, xếp thứ hai về xuất khẩu mặt hàng dệt may trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phía Nam đã bắt đầu "ngấm đòn", ảnh hưởng tới việc sản xuất kinh doanh của ngành hàng này. Tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa lớn.

Hôm 10/08, Vitas- Lefaso cũng đã có buổi họp cùng hơn 60 CEO của các nhãn hàng Hoa Kỳ bàn về cách thức vận động vắc xin và hỗ trợ y tế nhiều hơn cho Việt Nam, các giải pháp phục hồi từng bước cho sản xuất của các nhà máy.

Đại diện Vista cho biết: "Các nhãn hàng rất lo lắng về nguy cơ đơn hàng và chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong các tháng cuối năm khi mà vắc xin chưa về kịp. Việc giãn cách gây ảnh hưởng trầm trọng tới việc quay trở lại sản xuất khi mà việc thực hiện "3 tại chỗ" không khả thi đối với các doanh nghiệp sử dụng lượng lớn công nhân".