“Ngành điện Việt Nam như con nhà nghèo”
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Bùi Xuân Khu đã nói ví von về ngành điện Việt Nam như vậy bởi có chút vốn nào thì dốc ra hết mà không có dự trữ. Ông Khu đã vui vẻ dành cho Dân trí một cuộc trò chuyện liên quan tới các vấn đề của ngành điện hiện nay.
Tại sao cứ đến mùa cao điểm thì các nhà máy điện lại bảo dưỡng, sửa chữa, thưa ông?
Cái này có lịch rồi, có những lúc gặp sự cố mình không dự đoán trước được. Tháng này mình sẽ bảo dưỡng cái này, tháng sau bảo dưỡng cái kia luân phiên, nhưng khi bảo dưỡng cái này thì bất ngờ sự cố thì làm sao đoán trước được.
Thưa ông, trong khi tình trạng điện đang thiếu trầm trọng như hiện nay thì có nghịch lý là tỷ lệ điện bị tổn thất hàng năm rất cao nhưng chúng ta vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ?
Khi EVN thấy không đủ năng lực thì đã đến lúc đặt vấn đề kêu gọi nhà đầu tư khác tham gia?
Vừa rồi Chính phủ giao Bộ Công nghiệp xây dựng Quỹ công ích điện lực, quỹ ra mắt sẽ giảm thiểu một phần này. Tương lai EVN cũng sẽ cổ phần hóa các đơn vị trực thuộc, và khi cổ phần hóa thì phải đặt vấn đề lợi ích. Tính lợi ích thì phải đầu tư, nếu không đủ năng lực thì phải huy động vốn của dân.
Dự kiến quỹ này sẽ ra mắt vào thời gian nào, thưa ông?
Cuối năm nay Bộ Công nghiệp sẽ trình Chính phủ. |
Điều này có liên quan gì đến tình trạng thiếu điện không, thưa ông?
Nếu tiết kiệm tốt thì nguồn sẽ đỡ căng. Hiện nay chúng ta huy động hết công suất phát điện mà không có dự phòng. Mình cứ như con nhà nghèo nên thiếu điện cứ kéo dài. Có đồng nào thì dốc ra hết mà không có dự trữ.
Trong thời gian tới sẽ giải quyết vấn đề này ra sao?
Phải đầu tư tiếp nguồn để có dự trữ. Cuối 2008, sang 2009 chúng ta có một loạt các nhà máy hoạt động, lúc đó mình có điện dự phòng.
Thiếu điện nhưng nhiều dự án điện vẫn chậm tiến độ, tới đây Bộ Công nghiệp có kiến nghị nào với Thủ tướng để đẩy nhanh các dự án này?
Chậm tiến độ cũng có những lý do của nó, ví dụ giá điện thấp, giá điện của mình phải bù cho vùng sâu vùng xa, trong khi đó EVN vừa là doanh nghiệp nhưng phải làm việc công ích nên EVN mua nguồn điện của các nhà máy điện độc lập nước ngoài buộc phải đàm phán giá thấp để còn sinh lời, nếu EVN lỗ thì không ai cho vay để đầu tư nữa.
Nhiều dự án đầu tư vào thì giá vật liệu điều chỉnh, các đơn vị xây lắp cũng không huy động đủ lực lượng, và do giá điện mình thấp nên nhà đầu tư cứ từ từ chờ giá lên rồi xây tiếp, những yếu tố này làm cho tình trạng thiếu điện càng thiếu thêm.
Tìm nguyên nhân rồi thì tới đây có biện pháp gì để chấn chỉnh thực trạng trên, thưa ông?
Trước đây dự đoán đến năm 2010 thì tốc độ tăng trưởng của ngành điện là 13-14%, gần đây có điều chỉnh tăng lên. Vừa rồi Thủ tướng cũng đã duyệt đưa tốc độ tăng trưởng lên 20% vì đầu tư nước ngoài vào nhiều.
Hiện nay chúng ta có hàng trăm nhà máy điện đang được đầu tư, trong đó có 34 nhà máy trên 100mW. Những dự án này của EVN, các dự án nước ngoài và các nhà đầu tư khác. Chúng tôi cũng đang chỉ đạo về giải pháp độ tải lưới, truyền tải điện phải cân đối với các dự án, có thể làm thêm đường dây 59kV Bắc - Nam, nhất là các lưới 220kV, 110kV, các điểm đấu nối, các cụm điện mới cũng phải được phát triển.
Với nhiều dự án đầu tư như vậy thì bao giờ Việt Nam sẽ hết cảnh thiếu điện?
Nếu đôn đốc tốt thì có thể cuối năm 2008 là ổn, đến 2009 khi các nhà máy vận hành thì mình không thiếu điện.
Theo ông giải pháp nào là cơ bản nhất để thu hút đầu tư vào ngành điện?
Kết thúc năm 2006 thì điện sinh hoạt xấp xỉ bằng điện sản xuất (50/50). Dần dần điện sản xuất sẽ tăng lên vì đầu tư cho các dự án điện vào nhiều, và điện sinh hoạt sẽ giảm đi. Nhưng điện sinh hoạt ở nông thôn lại rất thấp, ví dụ chỉ bình quân 30kW/giờ, còn ở thành thị lên hàng trăm kW/giờ.
Bây giờ cố gắng của mình là có đến 93,6% hộ dân có điện, phần còn lại chưa có nằm ở các vùng sâu, xa, vùng núi hẻo lánh. Có những nơi không thể kéo được dây. Bây giờ so với bình diện khu vực thì Việt Nam cũng khá hơn, mục tiêu của nhà nước là cố gắng phấn đấu 100% dân có điện sau năm 2010. (Thứ trưởng Bùi Xuân Khu) |
Nếu bây giờ đột nhiên một nhà đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy thép 1 tỷ USD thì tự nhiên sẽ lấy “mấy trăm” mW của mình ngay, và như vậy là mình thiếu hụt. Do đó phải có dự phòng, có đầu tư theo lộ trình, cứ tăng giá điện lên nữa thì khá một chút sẽ thêm nhà đầu tư mới vào.
Như vậy là để ổn định nguồn điện không có giải pháp nào khác ngoài việc tăng giá, thưa ông?
Chẳng có giải pháp nào cả, bây giờ cơ chế thị trường, anh đã hội nhập quốc tế thì phải theo người ta chứ. Cứ muốn bao cấp như trước thì làm sao được. Bây giờ sản xuất 10 đồng mà anh bán 9 đồng thì ngành điện có mà “đói”. Hộ dân nào nghèo thì quỹ công ích sẽ trợ cấp, còn ông nào xài nhiều thì phải trả tiền nhiều.
Dự kiến chúng ta phải đầu tư bao nhiêu kinh phí mới đủ với nhu cầu tiêu thụ điện hiện nay?
Theo kế hoạch tăng trưởng ngành điện là 20% thì mỗi năm phải tăng thêm 3.800mW, tương đương với 4 tỷ USD. Điều này có nghĩa mỗi năm chúng ta phải hoàn thành từ 3.800mW - 4.000mW hòa vào công suất chung.
Với thực lực như bây giờ liệu chúng ta có đạt được mục tiêu?
Đủ chứ sao không, không đủ tại sao lại nói đến 2009 lại không thiếu điện.
Việt Hưng (ghi)