Ngành điện “kiếm bộn tiền” nhất 3 năm qua
(Dân trí) - Theo một khảo sát mới công bố, trong giai đoạn 2015-2017, ngành điện đã dẫn đầu với tổng doanh thu lớn nhất toàn bảng xếp hạng những doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất Việt Nam.
Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) hôm nay (5/12) vừa công bố Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 Doanh nghiệp lớn Việt Nam năm 2017.
Đóng góp doanh thu khối DNNN sụt giảm
VNR500 2017 tiếp tục ghi nhận sự trỗi dậy lớn mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân. Nếu như năm 2007, năm đầu tiên công bố Bảng xếp hạng VNR500, khi đó doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 20% trong toàn bảng thì đến nay, sau hơn 10 năm, khối doanh nghiệp tư nhân đã tăng lên gần gấp 2,5 lần, chiếm khoảng 50% số doanh nghiệp trong bảng xếp hạng.
Về mặt doanh thu, khu vực kinh tế Nhà nước vẫn là khu vực đem đến tổng doanh thu lớn nhất trong 3 khu vực kinh tế của toàn Bảng xếp hạng VNR500 năm 2017. Tuy nhiên, đóng góp doanh thu của khối Nhà nước trong năm nay đã xuống còn 52%, giảm đi so với con số 59% trong năm 2016, đồng thời đóng góp của khu vực tư nhân nâng lên từ 27% (2016) lên 32,3% trong năm 2017.
Xu hướng tăng số lượng doanh nghiệp tư nhân và tăng tỉ trọng doanh thu của khối này trong Bảng xếp hạng VNR500 2017 đã phản ánh phần nào nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế, và việc đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, của Chính phủ thời gian qua.
Bảng xếp hạng VNR500 năm 2017 cũng tiếp tục khẳng định những ngành nghề trụ cột của toàn nền kinh tế. Cụ thể, các ngành như điện, khoáng sản - xăng dầu, tài chính, thực phẩm - đồ uống, viễn thông - tin học vẫn là top 5 ngành có tỷ trọng doanh thu đóng góp vào Bảng xếp hạng VNR500 lớn nhất. Trong giai đoạn 3 năm 2015-2017, ngành điện đã dẫn đầu với tổng doanh thu lớn nhất toàn bảng.
Cũng theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, nếu năm 2016 được đánh giá là một năm đầy khó khăn với nền kinh tế Việt Nam thì sang năm 2017, bối cảnh chung của nền kinh tế, và tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp lớn, đã có nhiều tín hiệu tích cực.
Theo phản hồi của các doanh nghiệp lớn, 75% doanh nghiệp đã tăng doanh thu trong năm nay, tăng khá nhiều so với năm 2016. Đồng thời, 62,5% doanh nghiệp phản hồi tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên, chỉ có 4,7% doanh nghiệp đánh giá giảm đi. Trong đó, gần 70% doanh nghiệp báo cáo năng suất lao động tăng lên; các yếu tố như trang thiết bị (máy móc, nhà xưởng), tài sản cố định, khách hàng cũng được trên 60% doanh nghiệp nhận định tăng lên.
Doanh nghiệp mong Chính phủ đẩy mạnh chống tham nhũng
Nói về những rào cản đối với quá trình phát triển, tại cuộc khảo sát, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục khẳng định việc đẩy nhanh hơn quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm đầu tư – kinh doanh trực tiếp của Nhà nước, là sự hỗ trợ không thể thiếu giúp doanh nghiệp phát triển trong năm 2018.
Nhiều doanh nghiệp phản hồi mong muốn Chính phủ đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, đánh giá năng lực cán bộ; kết hợp với cắt giảm đầu tư công; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và tái cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty lớn trong thời gian tới.
Vietnam Report đánh giá, tình hình kinh tế năm 2018 được dự báo sẽ phân hóa cao các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành đặc thù.
Khi thị trường ngày một biến động và có nhiều diễn biến mới đan xen, việc giữ vững vị thế và khẳng định uy tín doanh nghiệp sẽ ngày càng quan trọng. “Chính uy tín sẽ là yếu tố quyết định, ảnh hưởng trực tiếp đến lựa chọn của người tiêu dùng, của nhà đầu tư và sự hỗ trợ từ phía Chính phủ”, theo Vietnam Report.
Bích Diệp