1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ngành da giày như ngồi trên đống lửa

Các cơ quan chức năng vẫn khẳng định chưa nhận được các thông tin chính thức về việc Ủy ban châu Âu (EC) sẽ áp thuế chống bán phá giá nhưng đa số các doanh nghiệp được hỏi đều cho rằng nếu bị áp giá 20% thì các sản phẩm giày da Việt Nam rất khó vào thị trường EU.

Đại diện một doanh nghiệp lớn ở miền Bắc từng đón đoàn điều tra trực tiếp của EU tỏ ra thận trọng khi khẳng định về các thông tin mà báo chí đã đưa vì đến thời điểm này, doanh nghiệp vẫn chưa có thông tin chính thức từ Hiệp hội hay Cục Quản lý cạnh trạnh và đang phải chờ.

Tuy nhiên, nếu mức thuế 20% là sự thực thì doanh nghiệp khẳng định rằng họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Mức thuế này cao gấp 5 lần mức ưu đãi theo Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) mà doanh nghiệp Việt Nam đang được hưởng.

Thực tế, từ khi xảy ra vụ kiện giày da, các doanh nghiệp đã chịu rất nhiều tác động, đầu tiên là việc ngành da giày không hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu năm 2005. Đầu năm nay, rất nhiều doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng, có những doanh nghiệp bị sụt 50% số đơn hàng.

Nếu bị áp thuế 20% thì mất đơn hàng là điều chắc chắn. Mặc dù đối thủ lớn nhất là Trung Quốc cũng bị áp thuế chống bán phá giá với mức có thể cao gấp đôi Việt Nam nhưng các nước như  Indonesia, Ấn Độ và Thái Lan hiện cũng được hưởng mức thuế ưu đãi vào EU sẽ có nhiều lợi thế để xuất hàng.

Trong các diễn biến khác, các doanh nghiệp da giày ở TP Hồ Chí Minh đã có cuộc họp khẩn cấp để có định hướng đối phó nếu xảy ra việc áp thuế trên thực tế. Các doanh nghiệp trong Hiệp hội da giày TPHCM cho biết, rất nhiều các đối tác cũ đang chần chứ ký hợp đồng có thể sẽ thôi hẳn việc hợp tác làm ăn với Việt Nam trước thông tin này. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam không biết xoay xở thế nào khi các khách hàng lớn nhất không tiếp tục ký kết hợp đồng.

Việc mở rộng thị trường qua Nhật Bản, châu Mỹ và các thị trường khác không phải là chuyện muốn là được ngay vì thế nếu việc áp thuế diễn ra bắt đầu từ tháng 4 năm nay thì năm 2006 sẽ là một năm khó khăn của ngành da giày Việt Nam và mục tiêu xuất khẩu 3,7 tỷ USD sẽ bị lung lay vì EU hiện vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam.

Trong khi đó, có một nguồn thông tin khác cho biết, mức thuế áp cho Việt Nam chỉ là 16,8% và việc áp thuế này sẽ được bắt dầu từ ngày 7/4 với mức thuế đầu tiên khá thấp khoảng 4,2% sau đó sẽ được nâng lên 16,8% vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, để được chấp thuận, EC phải chờ có sự đồng ý của 25 nước thành viên và đây chính là khoảng thời gian quý giá còn lại để Việt Nam và Trung Quốc tiến hành các hoạt động "lobby".

Điều thuận lợi duy nhất là từ khi bắt đầu vụ kiện đã có nhiều tổ chức như: Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, các nhà phân phối, các doanh nghiệp lớn và một số nước Bắc Âu phản đối vụ kiện. Ngay sau khi EC tuyên bố mức thuế dự kiến, một số tập đoàn và doanh nghiệp lớn cũng đã lên tiếng phản đối vụ kiện này.

Nếu mức thuế này được áp trong thực tế, thì doanh nghiệp Việt Nam còn có một hy vọng là việc xem xét quy chế thị trường riêng cho từng doanh nghiệp. Trước đây đã có 105 doanh nghiệp gửi các câu trả lời để hy vọng nhận được quy chế thị trường và đang phải chờ đợi kết quả trả lời từ EC.

Tất cả đang đứng ngồi không yên khi thông tin áp thuế chưa được khẳng định và mọi sự phản ứng từ cả hai phía đều chưa rõ ràng. Và có thể phải chờ tới đầu tháng 3 tới, doanh nghiệp mới có được thông tin chính thức.

Theo Đông Hiếu
VietNamnet