Ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội và triển vọng hợp tác với Nhật Bản

Hiện nay, Việt Nam đã có đầy đủ những điều kiện cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong thời kỳ mới, đặc biệt là cơ sở hạ tầng chuyên sâu cho Công nghiệp hỗ trợ. Khu đô thị Nam Hà Nội, HANSSIP là một điển hình như vậy.

PV đã phỏng vấn Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) thành phố Hà Nội (HANSIBA) kiêm Phó Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản (VJBF) sau khi HANSIBA tham gia đoàn tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chuyến công tác Nhật Bản.
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP)
 
Xin ông cho biết mục đích và ý nghĩa của chuyến công tác nêu trên dưới góc độ HANSIBA - đơn vị tiên phong dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Hà nội - hợp tác với Nhật Bản?

 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Quảng Ninh: Giám đốc Công ty than Hòn Gai bị cách chức

HANSIBA vô cùng vinh dự được tham gia tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chuyến công tác Nhật Bản lần này.

HANSIBA ra đời với sứ mệnh là nghiên cứu và triển khai các hoạt động thiết thực nhằm liên kết doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước nhằm phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ và hội nhập hiệu quả với quốc tế. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Nhật Bản được khẳng định là quốc gia mục tiêu mà chúng tôi hướng tới.

 
Trước đó, HANSIBA cũng đã có nhiều hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp tập đoàn Nhật Bản nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản và kiến nghị những cơ chế chính sách thích hợp. Chuyến công tác tháp tùng Chủ tịch nước thăm chính  thức Nhật Bản có ý nghĩa đặc biệt, vì có những hoạt động quan trọng như Diễn đàn kinh tế, thảo luận các chính sách nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản trong thời kỳ mới và đặc biệt hơn là những chính sách thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đầu tư vào ngành Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
 
Tháp tùng Chủ tịch nước gồm có các cơ quan Nhà nước như Bộ KHĐT, Bộ Công thương, VCCI và những doanh nghiệp điển hình của Việt Nam về ngành Công nghiệp hỗ trợ. HANSIBA rất vinh hạnh dẫn đầu một số doanh nghiệp thành viên tham gia các hoạt động đối thoại và thương lượng hợp tác với Nhật Bản.
 
Thông qua những hoạt động thiết thực như vậy, HANSIBA ngày càng chứng tỏ vai trò dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp hướng tới những kết quả cụ thể, thiết thực đóng góp cho sự phát triển của Công nghiệp hỗ trợ - chìa khóa của nền công nghiệp và kinh tế Việt Nam từ nay đến năm 2030.
 
Ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội và triển vọng hợp tác với Nhật Bản
Lễ ký kết Hợp tác giữa Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển N&G (N&G Corp) - chủ đầu tư HANSSIP với Tập đoàn SHIMIZU Nhật Bản
 
Là chủ tịch HANSIBA - Hiệp hội mới thành lập, đảm trách sứ mệnh của UBND TP Hà Nội về việc đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ Hà Nội hợp tác với Nhật Bản và các nước phát triển khác, ông có nhận định thế nào tiềm năng hợp tác với Nhật Bản? HANSIBA đã và sẽ làm những gì nhằm tăng cường chuỗi liên kết giá trị công nghiệp hỗ trợ quốc tế?
 
HANSIBA là Hiệp hội mới thành lập, là Hiệp hội đầu tiên về ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, cho tới nay, đã quy tụ được hàng nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội.
 
Được Hội viên cộng đồng doanh nghiệp tín nhiệm tin tưởng, bầu làm Chủ tịch HANSIBA, tôi tin tưởng vào sự phát triển của ngành CNHT và triển vọng hợp tác với Nhật Bản vì những lý do sau:
 
Thứ nhất, Nhật Bản là quốc gia đầu tư vào Việt Nam lớn nhất cho tới nay, đặc biệt là CNHT, tập trung ở Hà Nội và các thành phố trọng điểm.
 
Thứ hai, các doanh nghiệp Nhật Bản tập trung chủ yếu vào các ngành như cơ khí chế tạo, điện tử viễn thông, lắp ráp ô tô, xe máy… Những ngành này hiện đang phát triển nhanh tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tăng tỷ lệ nội địa hóa nhằm tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là những doanh nghiệp lắp ráp lớn có thị phần cao trên toàn thế giới.
 
Thứ ba, Việt Nam và Nhật Bản đã có những hiệp định thương mại song phương và nhiều cơ chế chính sách ưu đãi song phương nên sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.
 
Thứ tư, hiện nay, Việt Nam đã có đầy đủ những điều kiện cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong thời kỳ mới, đặc biệt là cơ sở hạ tầng chuyên sâu cho CNHT, Khu Công nghiệp - đô thị Nam Hà Nội (gọi tắt là HANSSIP) là một điển hình như vậy, hiện được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài Nước lớn nhỏ ủng hộ và đã ký kết hợp đồng thuê đất xây dựng nhà máy.
 
Tóm lại, trong ngành CNHT, Việt Nam là điểm đầu tư của Nhật Bản và Nhật Bản là đối tác triển vọng nhất của Việt Nam.
 
Quy hoạch dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP)

Quy hoạch dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP)

Chúng tôi được biết, ông cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển N&G (N&G Corp) - đơn vị chủ đầu tư Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP), là một dự án điển hình chuyên sâu thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và quốc tế, ông có nhận định thế nào về những thế mạnh có thể thu hút ngành Công nghiệp hỗ trợ từ Nhật Bản?
 
HANSSIP với diện tích khoảng 640 ha (dự kiến mở rộng lên 2.000ha). Đây là một mô hình khu công nghiệp chuyên sâu về Công nghiệp hỗ trợ đầu tiên của Việt Nam tích hợp khu đô thị, dịch vụ và hậu cần. Được thiết kế bởi tập đoàn Tư vấn Thiết kế Nikkein Sekkei Civel (NSC) nổi tiếng của Nhật Bản.
 
HANSSIP có cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ được hỗ trợ bởi các công trình hạ tầng xã hội quan trọng như nhà cho chuyên gia, công nhân, khu văn phòng, trung tâm thương mại, trường học, nhà trẻ… sẽ đáp ứng tốt cho các nhà đầu tư từ những Tập đoàn sản xuất lắp ráp lớn cho đến những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
 
Ngoài những diện tích lớn cho thuê, đặc biệt, HANSSIP còn được đầu tư xây dựng hàng hoạt nhà xưởng nhỏ và những tiện ích chung đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản và quốc tế khi tham gia đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh tại đây.
 
Với lợi thế vị trí chiến lược, HANSSIP được các nhà đầu tư quốc tế hiện đánh giá là khu vực lý tưởng cho các nhà sản xuất tiếp cận khu vực công nghiệp tập trung tại Hà Nội mà vẫn có thể kết nối với tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và toàn bộ vùng đồng bằng sông Hồng.
 
Ngoài cơ sở hạ tầng, một cơ chế chính sách đặc biệt mà Hà Nội đã trình Chính phủ đang xem xét nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư vào khu công nghiệp chuyên sâu trọng điểm - HANSSIP.
 
Bên cạnh đó, N&G Corp còn là hội viên quan trọng của HANSIBA, vì vậy, thời gian qua, HANSIBA đã triển khai ký kết hợp tác với Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) và ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), nhằm sắp xếp nguồn vốn lên tới 10.000 tỷ trong vòng 05 năm tới để hỗ trợ nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của các hội viên HANSIBA cũng như các doanh nghiệp tham gia đầu tư tại dự án HANSSIP nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam thời gian tới.
 
Quy hoạch dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP)
Lễ ký kết Hợp tác giữa Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển N&G (N&G Corp) – chủ đầu tư HANSSIP với Tập đoàn FOVAL Nhật Bản
 
Trong chuyến công tác cùng đoàn Chủ tịch nước sang thăm chính thức Nhật Bản, HANSIBA và N&G Corp có những hoạt động gì cho mục đích phát triển công nghiệp hỗ trợ và thu hút đầu tư?
 
Ngoài những hoạt động tham gia các Diễn đàn kinh tế tại Tokyo và Osaka nhằm thảo luận về thúc đẩy quan hệ kinh tế hai bên và chính sách đầu tư vào CNHT Việt Nnam của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản, chúng tôi còn có những hoạt động cụ thể quan trọng khác như:
 
HANSIBA và N&G Corp sẽ ký kết hợp tác với Tập đoàn General Prodution Nhật Bản về đầu tư Tổ hợp dập đúc Nhật Bản tại HANSSIP trong thời gian tới. Đây là một sự kiện quan trọng đối với tiến trình thu hút đầu tư vào HANSSIP cũng như nhiệm vụ phát triển đối với ngành CNHT Hà Nội mà HANSIBA đang chịu trách nhiệm thực thi.
 
General Production là tập đoàn lớn của Nhật Bản tại vùng Osaka, chuyên về dập đúc các chi tiết máy, tập đoàn có 150 công ty thành viên và chiếm thị phần xuất khẩu hơn 70% trên toàn thế giới. Việc Tổ hợp dập đúc hình thành tại HANSSIP là tiền đề quan trọng, tạo nền tảng cho ngành dập đúc, cơ khí chế tạo của  Việt Nam trong thời kỳ mới , nó sẽ thu hút và tạo ra các giao dịch quan trọng đối với địa phương Hà Nội và Việt Nam.
 
Ngoài ra, dưới sự hỗ trợ của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), HANSIBA chúng tôi sẽ có những thảo luận chi tiết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI), các Phòng Thương mại & Công nghiệp tỉnh Tokyo, Osaka, Fukuoka, Kawasaky tại Nhật Bản, về phương hướng hợp tác thu hút đầu tư và hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp giữa Hà Nội và các địa phương đó.
 
Thông qua những hoạt động chung và cụ thể, nhiều bài học tích cực về quản trị, chính sách sẽ được  chia sẻ và báo cáo tới các đơn vị liên quan nhằm góp phần thúc đẩy phát triển CNHT nước nhà.tại Việt Nam.
 
Thứ ba, chúng tôi dành thời gian thăm một số doanh nghiệp để giao lưu, học hỏi và tạo dựng mối liên kết.
 
Được biết, một đề án về xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm tăng cường thu hút đầu tư Nhật Bản vào Hà Nội và  HANSSIP đang được trình Bộ Tài Chính xem xét.  Ông có thể chia sẻ thông tin về đề án này?
 
Theo tôi, thực tế nếu không sớm có những cơ chế ưu đãi đặc thù cho HANSSIP thì Thủ đô khó thực hiện được chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi kiểm tra tình hình triển khai dự án này ngày 11/2/2014 vừa qua đã yêu cầu các cấp chính quyền Hà Nội sớm đề xuất văn bản kiến nghị cụ thể để kịp thời gỡ khó cho dự án. Thực hiện chỉ đạo đó, cuối tháng 2 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã hoàn thành và trình Bộ Tài chính đề án “Xây dựng và ban hành chính sách ưu đãi tại HANSSIP”, để đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
 
Theo đó, về đất đai, UBND thành phố Hà Nội đề xuất thời gian thuê đất (cho chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng và nhà đầu tư thứ phát) là 70 năm, thay vì 50 năm theo quyết định giao đất hiện tại.
 
Đồng thời, đề xuất được miễn tiền thuê đất (đối với chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng) 11 năm kể từ ngày xây dựng hoàn thành đưa Khu công nghiệp (HANSSIP) vào hoạt động (hiện được miễn 7 năm).
 
Về thuế Thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho chủ đầu tư và các doanh nghiệp vào tham gia đầu tư, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị mức thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm (từ năm đầu tiên kể từ khi doanh nghiệp có doanh thu từ hoạt động), miễn thuế Thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
 
Thành phố cũng đề xuất được miễn thuế nhập khẩu đối với “hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án” và miễn thuế nhập khẩu 5 năm (kể từ ngày bắt đầu sản xuất) đối với “hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án, trong đó có vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được”.
 
Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội đề xuất dự án được ưu tiên vay vốn tín đụng đầu tư qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với thủ tục đơn giản, cùng các điều khoản ưu đãi về mức vốn, thời hạn, lãi suất vay, hỗ trợ sau đầu tư, được huy động vốn từ quỹ đất để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội phục vụ chung trong khu công nghiệp.
 
Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội sẽ xem xét hỗ trợ các nội dung khác như: hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động, thương hiệu và sở hữu trí tuệ, xúc tiến đầu tư, thủ tục đầu tư… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào HANSSIP.
 
Với cương vị là Phó chủ tịch diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam- Nhật Bản (VJBF), ông có kiến nghị gì để tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước nói chung và thu hút đầu tư vào Hà Nội nói riêng?
 
Qua gần 30 năm đổi mới, Việt Nam đã tiếp cận khá thuận lợi nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), song lại chưa phát triển được lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tương xứng để đáp ứng yêu cầu của các dự án từ những nước tiên tiến.
 
Hiện phần lớn nhà cung cấp linh kiện cho các công ty nước ngoài tại nước ta chủ yếu là doanh nghiệp có vốn ĐTNN. Vì vậy, nhận thức được tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ trong phát triển kinh tế Thủ đô cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, UBND thành phố Hà Nội đã báo cáo và được Thủ tướng đồng ý bổ sung HANSSIP vào Quy hoạch phát triển KCN cả nước.
 
Từ đó, ngày 16/1/2013, UBNDTP đã ban hành quyết định thành lập HANSSIP, trở thành Khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho Công nghiệp hỗ trợ.

Mặc dù vậy, thực tế HANSSIP đang gặp không ít khó khăn trong quá trình thu hút nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Mới đây, Tập đoàn Mazda (Nhật Bản) đã chọn Bangkok (Thái Lan) làm địa chỉ đầu tư, mở rộng sản xuất thay vì đầu tư vào Hà Nội, chính do những hạn chế liên quan đến chính sách, nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vệ tinh cho tập đoàn…

 
Việc thu hút Mazda đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành phố Hà Nội và N&G Corp hết sức nỗ lực thời gian qua. Hơn thế, Mazda và một số lớn doanh nghiệp Nhật Bản đã rất coi trọng môi trường đầu tư, lợi thế tiềm năng của Hà Nội.
 
Hiện N&G Corp đang tập trung thu hút đầu tư một số tập đoàn chuyên sản xuất sản phẩm Công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản như Takako, Nidec…
 
Bên cạnh thuận lợi về giao thông, nguồn lao động hay cơ sở hạ tầng, tôi cho rằng Khu công nghiệp này cần nhanh chóng được phê duyệt các chính sách ưu đãi đặc biệt, mới mong phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh so với các nước khác ở Đông Nam Á.   
 
Bên cạnh đó, để tăng cường thu hút đầu tư Nhật Bản vào Hà Nội, tôi nghĩ thủ đô nên tăng cường hơn nữa việc quảng bá hình ảnh môi trường đầu tư của thành phố đến các doanh nghiệp Nhật Bản và đẩy mạnh các hoạt động quảng bá môi trường đầu tư của Hà Nội tại nước này.
 
Đồng thời, cần trao đổi các thông tin về chính sách pháp luật mới của Việt Nam và các qui định của thành phố Hà Nội liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; thông tin được công bố về tình hình đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Hà Nội và Việt Nam; thông tin về định hướng, chính sách hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài…
 
Ngoài ra, các sở ngành chức năng cũng cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp của hai nước trong các hoạt động như: kết nối, kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Hà Nội; cung cấp các thông tin đầu tư của Hà Nội đến các doanh nghiệp Nhật Bản; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút FDI Nhật Bản vào Hà Nội; hỗ trợ nhằm nắm bắt và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội…
 
Xin cảm ơn ông!.

H.S

 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước