1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngành chè trước nguy cơ mất thị trường

(Dân trí) - Theo mục tiêu đề ra, năm nay ngành chè nước ta phải xuất khẩu được 95.000 tấn, với trị giá 107 triệu USD. Tuy nhiên, đến thời điểm này doanh thu của các DN chè mới chỉ ước đạt 88 triệu USD. Ngành chè đang phải đối mặt với một thách thức lớn: mất thị trường.

Mất nhiều thị trường quan trọng

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu chè những tháng cuối năm tiếp tục giảm. Ước tính, đến cuối tháng 11 chỉ đạt gần 75.000 tấn, giá trị đạt khoảng 83 triệu USD. Xuất khẩu vẫn tập trung vào một số thị trường lớn Đài Loan, Pakistan, Malaysia, Nga. Điều này cũng có nghĩa là công tác đa dạng hoá thị trường, mở rộng thị trường của ngành chè chưa tiến triển.

Một trong những thị trường nhập khẩu chè lớn của Việt Nam là Ấn Độ hiện nay lại bị chững lại do Chính phủ nước này có quy định hạn chế nhập khẩu chè. Các năm trước, nước sản xuất chè lớn nhất thế giới này vẫn nhập khẩu thêm hàng vạn tấn chè/năm (trong đó có chè Việt Nam) để chế biến và xuất khẩu (dưới mác Ấn Độ).

Hơn nữa hiện có rất nhiều thị trường đã từ chối không nhập khẩu chè của Việt Nam như: Ailen, Bỉ, Campuchia, Đan Mạnh, Hàn Quốc, Hồng Công, Pháp, Thái Lan, Thụy Điển…

Số thị trường được coi là tiềm năng của năm 2006 rất ít ỏi. Thậm chí, so với năm 2004, chúng ta đã bị mất nhiều thị trường so với năm ngoái, đáng lưu ý trong đó có thị trường Thái Lan năm ngoái đã nhập tới 170 tấn, trị giá 458.567 USD, thị trường Saint Kitts & Nevis nhập 118 tấn trị giá hơn 360.000 USD. Thống kê sơ bộ có khoảng 70 DN từng tham gia xuất khẩu chè năm 2004 nhưng năm nay không xuất khẩu được.

Nhưng doanh nghiệp đang hoạt động mặc dù đã mở thêm được một số thị trường mới nhưng số lượng và trị giá còn hạn chế. Nổi bật là thị trường Trung Quốc (11 tháng đầu năm tăng hơn 2.500 tấn, đạt hơn 5.000 tấn), Nga (tăng khoảng 2.000 tấn, đạt hơn 8.000 tấn), Malaysia (tăng hơn 800 tấn). Riêng Philippin tăng từ 34 tấn lên gần 400 tấn tấn. Tuy nhiên, đơn giá xuất khẩu vào các thị trường này không cao. Đơn cử như Trung Quốc, giá chỉ tăng có 10 cent/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Đừng hát mãi bài ca vô danh

Hạn hạn kéo dài, chè bỏ lứa, không cho thu hoạch, nguồn cung nguyên liệu giảm mạnh  được coi là nguyên nhân đầu tiên làm giảm sản lượng xuất khẩu. Theo những người trồng chè, sản lượng chè tươi năm nay giảm khoảng 15% so với dự kiến.

Việc mất cân đối giữa khả năng cung cấp nguyên liệu và sự bùng nổ các nhà máy chế biến chè (hiện tổng công suất chế biến của tất cả các cơ sở sản xuất đã gấp 2 lần tổng sản lượng nguyên liệu, thậm chí có những địa phương nguyên liệu chỉ đáp ứng được 30% năng lực chế biến), dẫn đến tình trạng tranh mua nguyên liệu gay gắt. Thậm chí có những nơi diễn ra ẩu đả, gây thương tích phải vào bệnh viện cấp cứu như ở Phú Thọ.

Khâu chăm sóc và hái chè ở một số nơi cũng không được làm đúng quy trình kỹ thuật, nhiều người quá tham khối lượng (do giá nguyên liệu cao) nên không chỉ hái ngọn mà “vặt cả cành” để bán cho tư thương, vừa làm tổn hại cây chè vừa không đảm bảo chất lượng. Một số DN cũng nhân cơ hội thiếu nguyên liệu để “lập lờ đánh lận con đen”, trộn lẫn trà xấu vào trà tốt, gây ảnh hưởng đến uy tín chè nước ta.

Ngoài ra, sự vô danh của chè Việt Nam cũng đang khiến các đối tác ngày càng bớt mặn mà, đặc biệt là ở thị trường Mỹ, Nhật (giảm đến trên 50%). Ngay cả Nga - thị trường lớn đầy tiềm năng và đang tăng cường nhập khẩu chè Việt Nam - thì chủ yếu cũng chỉ nhập khẩu chè xanh Việt Nam, sau đó pha trộn, đóng gói và dán mác chè... Ấn Độ.

Tình trạng mất thị trường cũng thể hiện các DN nước ta chưa có chiến lược tìm kiếm thị trường lâu dài mà chỉ mang tính chất “đánh quả”, chạy theo số lượng nhiều hơn là chất lượng. Trong khi đó, sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế ngày càng gay gắt. Nhiều DN nước ngoài sau một số lô hàng mua thử của DN Việt Nam đã chuyển sang mua hàng của nước khác có chất lượng và giá cả cạnh tranh hơn.

Tín hiệu vui nhất của xuất khẩu chè năm nay là giá xuất khẩu bình quân đạt 1.104 USD/tấn, cao hơn năm ngoái 151 USD/tấn. Một số thị trường tăng mạnh về giá như Nhật Bản (tăng 576 USD/tấn), Irắc (tăng 343USD/tấn), Nga (tăng 147 USD/tấn)... Tuy nhiên, do các thị trường này đều nhập khẩu chè Việt Nam với số lượng nhỏ và giảm hơn các năm trước nên không thể bù đắp lại những thiệt hại mà ngành chè phải gánh chịu do sự giảm mạnh ở một số thị trường như: Ấn Độ (giảm 80,4%), Mỹ (giảm 53,3%), Nhật Bản (giảm 50,7%), Irắc (giảm 45,9%), Canada (giảm 45,7%), Inđonexia (giảm 36,5%)...

Công Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm