Ngành bán lẻ Mỹ phản đối giám sát hàng dệt may Việt Nam

Các tập đoàn bán lẻ và các hãng nhập khẩu Mỹ đã lên tiếng phản đối việc thỏa thuận của Nhà Trắng với hai thượng nghị sỹ Elezabeth Dole và Lindsey Graham thiết lập một cơ chế giám sát và điều tra các dấu hiệu bán phá giá hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam.

Phó chủ tịch kiêm cố vấn về thương mại quốc tế của Liên hiệp toàn quốc các tập đoàn bán lẻ Mỹ Erick Autor nói: “Chúng tôi cực kỳ bất bình và cảm thấy như thể bị bán đứng trong vụ này”.

 

Brad Figel, giám đốc phụ trách các vấn đề công cộng và quản lý toàn cầu của hãng Nike, nhận xét: Các nhà nhập khẩu Mỹ đã bị “choáng váng và bất ngờ” khi được biết về thỏa thuận trên đây của Nhà Trắng và cho rằng “chính quyền (Mỹ) đã không nhận thức được hệ quả khủng khiếp” mà thỏa thuận đó có thể gây ra.

 

Ông Figel cho biết hãng Nike từng hy vọng mở rộng việc làm ăn tại Việt Nam, nhưng giờ đây lại đang phải đối mặt với một nguy cơ là mọi thứ quần áo Nike nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ sẽ bị áp đặt thuế chống bán phá giá trong các vụ mà chính quyền tự phát kiến ra.

 

Ông Brenda Jacobs, luật sư của Hiệp hội các nhà nhập khẩu hàng dệt may và quần áo của Mỹ (USAITA) cho rằng, thỏa thuận trên đây của Nhà Trắng và tính chất cạnh tranh của thương mại dệt may thế giới sẽ buộc nhiều công ty bán lẻ của Mỹ phải đặt câu hỏi có đáng mạo hiểm để mua hàng từ Việt Nam nữa hay không.

 

Ông Jacobs nói: “Các công ty đang có cảm giác do dự một chút trong việc đặt đơn nhập hàng hóa từ một quốc gia có vẻ sẽ trở thành mục tiêu ngắm bắn của ngành công nghiệp dệt may của Mỹ”. Rất có thể Nhà Trắng, nhân danh ngành công nghiệp dệt may nội địa, sẽ tùy tiện áp đặt thuế cao khi họ tự kết luận là hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam là “bán phá giá gây rối loạn thị trường Mỹ”.

 

Steve Norton, người phát ngôn của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR), thừa nhận những mối quan ngại nảy sinh từ thỏa thuận của Nhà Trắng và nói rằng Chính phủ của ông Bush “sẽ làm việc với tất cả các bên hữu quan để thiết lập một cơ chế giám sát minh bạch, công bằng và hiệu quả”; việc áp dụng các biện pháp theo luật sẽ không cản trở hoạt động buôn bán chính đáng.

 

Tuy nhiên, các quan chức ngành nhập khẩu của Mỹ cho rằng thỏa thuận trên đây là đi ngược với các luật lệ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì chính quyền Bush có thể phát đơn kiện các vụ bán phá giá nhân danh các nhà sản xuất vải sợi trong nước, những người không có tư cách pháp nhân để làm việc này.

 

Theo TTXVN