Ngàn tỷ tiền tươi gửi ngân hàng, đại gia ung dung ăn lãi

Hàng loạt doanh nghiệp có nguồn tiền mặt dồi dào, tích lũy trong nhiều năm hoạt động và đây là một điểm mạnh trong thời kỳ khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh chùng lại vì đại dịch Covid-19.

CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2020 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 41,7 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế đạt gần 96 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 85 tỷ đồng. Cũng theo báo cáo, Nam Tân Uyên có gần 1,5 ngàn tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, tăng gần gấp đôi so với hồi đầu năm.

NTC là một trong số ít các cổ phiếu tăng mạnh trong vòng 1 tháng qua, từ khoảng 135 ngàn đồng/cp lên mức 163 ngàn đồng/cp và gần trở lại đỉnh cao ghi nhận trước Tết, trước khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng nổ.

Không chỉ Nam Tân Uyên, nhiều doanh nghiệp trên sàn tích lũy được lượng tiền mặt lớn và tỷ lệ đòn bẩy tài chính thấp. 

Tính tới cuối 2019, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) là doanh nghiệp có dư tiền và tương đương tiền lớn nhất trên sàn chứng khoán, với tiền gửi lên tới gần 31 ngàn tỷ đồng.

Ngàn tỷ tiền tươi gửi ngân hàng, đại gia ung dung ăn lãi - 1

Đại gia Việt nhiều doanh nghiệp ghi nhận lượng tiền và tương đương lên tới cả chục ngàn tỷ đồng nhưng không ít người lao đao vì đại dịch Covid-19.

ACV có nguồn thu khủng từ các phí liên quan tới hàng chục sân bay mà DN này đang quản lý. Trong năm 2019, nguồn tiền gửi lớn đã đem về cho ACV gần 1,8 ngàn tỷ đồng tiền lãi. Lợi nhuận cả năm 2019 của ACG là hơn 10,3 ngàn tỷ đồng.

Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (GAS) cũng có lượng tiền mặt và tương đường tiền gần 29,4 ngàn tỷ đồng. Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có lượng dư tiền tới cuối 2019 là 19,4 ngàn tỷ đồng, trong khi ông lớn máy nông nghiệp VEAM (VEA) có hơn 16,8 ngàn tỷ đồng còn Sabeco (SAB) có lượng tiền mặt 16,5 ngàn tỷ đồng,...

Lượng tiền mặt dồi dào đã giúp nhiều doanh nghiệp chống chọi tốt với đại dịch Covid-9. Tuy nhiên, không phải tất cả đều thuận lợi. Một số doanh nghiệp có dư tiền mặt lớn nhưng đòn bẩy tài chính và quy mô hoạt động lớn do vậy ảnh hưởng là không tránh khỏi.

Tập đoàn Vingroup vừa đề xuất giãn thuế tiêu thụ đặc biệt, miễn tiền thuê đất năm 2020 với cơ sở lưu trú do dịch bệnh khiến hoạt động trong lĩnh vực du lịch đình trệ, ảnh hưởng tới hơn 18 ngàn cán bộ nhân viên tại các khu nghỉ dưỡng của doanh  nghiệp này, gây lỗ khoảng 3 ngàn tỷ đồng. Các tập đoàn lớn khác như BRG của bà Nguyễn Thị Nga, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của ông Trần Đình Long và hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng kiến nghị tháo gỡ khó khăn do đại dịch.

Vietnam Airlines (HVN) có lượng tiền dự trữ lớn, khoảng 3,5 ngàn tỷ đồng. Nhưng đến nay, số tiền này đã cạn kiệt, doanh nghiệp đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế khoảng 15 ngàn tỷ đồng trong năm 2020. Hãng cũng đứng trước nguy cơ không được các ngân hàng tiếp tục cho vay.

Trên thực tế, lượng tiền mặt nhiều hay ít chưa phản ánh được sức khỏe thực sự của doanh nghiệp. Nó còn phụ thuộc vào quy mô và tỷ lệ dùng đòn bẩy của doanh nghiệp đó.

Để có thể đánh giá được chính xác hơn về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, một tỷ số quan trong được đề cập đến là tỷ lệ tiền mặt/vốn hóa. Theo đó, một số doanh nghiệp vừa có lượng tiền mặt lớn, vừa có tỷ lệ tiền mặt/vốn hóa cao bao gồm: PVS, D2D, CTD, SIP, DVP, NTC, DPM… Đây đều là các cổ phiếu có diễn biến tích cực thời gian qua.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 17/4, chỉ số VN-Index tăng điểm nhẹ. Chỉ số này hiện đang ở quanh mức 780 điểm.

Phần lớn các cổ phiếu blue-chips quay tăng điểm. Nhóm cổ phiếu Vingroup diễn biến trái chiều. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chịu áp lực giảm do dự báo lợi nhuận bị ảnh hưởng do giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Nhóm dầu khí tăng nhẹ bất chấp giá dầu thế giới tụt giảm xuống dưới ngưỡng 20 USD/thùng.

Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.

Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục thử thách vùng kháng cự 782-792 điểm trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, đà tăng của thị trường đang có dấu hiệu suy yếu trong những phiên gần đây nên BVSC lưu ý đến khả năng thị trường sẽ sớm gặp phải áp lực rung lắc mạnh và điều chỉnh trong một vài phiên kế tiếp. Điểm tiêu cực vẫn đến từ hoạt động bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại.

Ngoài ra, rủi ro đối với diễn biến thị trường trong thời gian tới còn đến từ các thông tin về kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp và các số liệu vĩ mô sẽ được công bố trong tháng 4. Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I và đặc biệt là quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/4, VN-Index tăng 3,48 điểm lên 780,7 điểm; HNX-Index tăng 0,42 điểm lên 108,75 điểm. Upcom-Index tăng 0,02 điểm lên 51,54 điểm. Thanh khoản đạt 4,6 ngàn tỷ đồng.

Theo V. Hà

VietnamNet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm