Đại gia vượt bão, tuyên bố đủ việc cho vạn người, thu lãi ngàn tỷ

Dịch Covid-19 gây khó khăn cho không ít doanh nghiệp và đe dọa tới công ăn việc làm của hàng triệu lao động. Đây là thời điểm khó khăn chưa từng có và thách thức bản lĩnh của các nhà lãnh đạo.

CTCP FPT (FPT) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2020 với nhiều điểm đáng chú ý. Theo đó, FPT đưa ra kế hoạch doanh thu tăng 17% so với 2019 lên gần 32,5 ngàn tỷ đồng, còn lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5,5 ngàn tỷ đồng, tăng 18%. Trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20%.

Tốc độ tăng trưởng đặt ra cho năm 2020 gần tương đương, chỉ thấp hơn một chút so với tăng trưởng trong năm 2019.

Trong khi đó, ông Trương Gia Bình, chủ tịch HĐQT FPT phát đi thông điệp, ban lãnh đạo sẽ đảm bảo việc làm cho hàng vạn người lao động trong tập đoàn. Đây là thông tin đáng chú ý nhất đối với người lao động tại doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam cũng như các cổ đông FPT, các nhà đầu tư.

Đại gia vượt bão, tuyên bố đủ việc cho vạn người, thu lãi ngàn tỷ - 1

Ông Trương Gia Bình, chủ tịch FTP.

FPT được biết đến là một trong những ông lớn doanh nghiệp tại Việt Nam, ông lớn số 1 về công nghệ và có những bước phát triển thần tốc trong nhiều năm liền nhưng sau đó bị tụt hậu trong khoảng một thập kỷ qua.

Cách đây 10 năm, FPT còn giữ ngôi đầu trong top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, nhưng vài năm gần đây đã rớt khỏi danh sách và xuống tới vị trí thứ 20 theo báo cáo đánh giá của VNR500.

FPT của ông Trương Gia Bình bị bỏ xa về quy mô bởi các tập đoàn tư nhân nổi lên về sau như Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài, CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji của ông Đỗ Minh Phú, Vinamilk của bà Mai Kiều Liên,...

Trên thị trường chứng khoán, không ít doanh nghiệp đưa ra kế hoạch lợi nhuận cao trong năm 2020 bất chấp sự suy giảm hoạt động ở gần như tất cả các ngành.

Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài đặt kế hoạch kinh doanh năm 2020 với chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng mạnh tương ứng 18% và 26% so với 2019 lên 122 ngàn tỷ đồng và 4,84 ngàn tỷ đồng.

CTTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) dự kiến doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong 2020 tăng 61% và 68% lên tương ứng đạt 6.600 tỷ đồng và 1.608 tỷ đồng.

GTNFoods (GTN) sau khi về tay Vinamilk cũng đề ra kế hoạch cho năm 2020 với lãi sau thuế tăng 662% so với kết quả thực hiện năm 2019 lên 99 tỷ đồng.

Viglacera lên kế hoạch 2020 bằng kế hoạch 2019 do dịch Covid-19, trong đó, mảng kinh doanh bất động sản khu công nghiệp tiếp tục được dự báo sẽ khả quan như đã giúp doanh nghiệp vượt kế hoạch trong năm trước.

Một số doanh nghiệp tốt cũng được lãnh đạo mua cổ phiếu trong bối cảnh thị trường chứng khoán đi xuống.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, chủ tịch REE vừa chi khoảng 420 tỷ đồng để mua vào gàn 15 triệu cổ phiếu REE.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), sau một phiên hồi phục mạnh hiếm có, chỉ số VN-Index sáng 26/3 quay đầu giảm nhẹ trong bối cnarh chứng khoán Mỹ và thế giới không còn duy trì được sự hưng phấn như trong phiên liền trước.

Giới đầu tư lo ngại dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường và việc Mỹ bơm tiền lớn lên tới nhiều ngàn tỷ USD có thể ảnh hưởng tới các nước.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo Rồng Việt, diễn biến tích cực từ thị trường thế giới đã tác động mạnh tới thị trường chứng khoán Việt Nam và hai sàn đã có phiên giao dịch bùng nổ. Lượng tiền đổ vào thị trường khá lớn và mạnh mẽ, tập trung nhiều vào những cổ phiếu lớn đầu ngành. Đây là nhịp tăng điểm đầu tiên kể từ sau Tết Nguyên Đán. Chưa thể khẳng định về một sự đảo chiều xu thế nhưng ít nhất đây cũng là cơ hội tốt để giải tỏa áp lực cho nhà đầu tư sau chuỗi ngày u ám.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/3, VN-Index tăng 31,04 điểm lên 690,25 điểm; HNX-Index tăng 3,14 điểm lên 100,09 điểm. Upcom-Index tăng 1,02 điểm lên 49,53 điểm. Thanh khoản đạt 5,4 ngàn tỷ đồng

Theo V. Hà

VietnamNet