1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngân sách phải chi hơn 770 tỷ đồng/ngày để trả nợ cả gốc lẫn lãi

(Dân trí) - Tính đến ngày 15/8/2017, Ngân sách Nhà nước phải chi cho trả nợ gốc và trả nợ lãi vay là hơn 185.300 tỷ đồng, tính trung bình, mỗi tháng ngân sách phải trả nợ hơn 23.000 tỷ đồng, mỗi ngày là 770 tỷ đồng.

Đây là số liệu cập nhật từ tình hình thu chi Ngân sách Nhà nước 8 tháng đầu năm 2017 được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố.

Theo đó, thu ngân sách trong 8 tháng qua đạt hơn 706.900 tỷ đồng; chi ngân sách đạt 747.300 tỷ đồng, bội chi khoảng 40.000 tỷ đồng.

Năm 2017, ngân sách chi cho nhiệm vụ trả nợ gốc và lãi vay đang ngày một lớn (ảnh minh hoạ)
Năm 2017, ngân sách chi cho nhiệm vụ trả nợ gốc và lãi vay đang ngày một lớn (ảnh minh hoạ)

Trong cơ cấu chi, 8 tháng đầu năm chi thường xuyên vẫn lớn nhất, không thay đổi so với các năm. Cụ thể, số chi thường xuyên đạt hơn 548.000 tỷ đồng, chiếm hơn 73,3% tổng chi (tăng hơn 41.00 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước).

Các khoản chi cho đầu tư phát triển đạt hơn 131.100 tỷ đồng, chiếm 17% tổng chi ngân sách và chỉ đạt gần 37% dự toán được giao.

Đáng nói nhất, trong cơ cấu chi Ngân sách Nhà nước 8 tháng, số chi trả nợ gốc tính đến hết ngày 15/8/2017 đã tăng lên trên 119.700 tỷ đồng. Con số này được tách riêng, không được tính chung trong cơ cấu chi ngân sách 8 tháng đầu năm bởi nó có thể đến từ các khoản vay nước ngoài, vay ODA để trả nợ hoặc có thể từ khoản vay phát hành bằng trái phiếu của Chính phủ.

Cùng với số chi cho trả nợ lãi vay là 65.600 tỷ đồng (chiếm 9% chi ngân sách), chi ngân sách cho trả nợ cả lãi lẫn gốc 8 tháng qua đã lên 185.300 tỷ đồng.

Trong trrường hợp, chi trả nợ gốc được tính vào bảng chi ngân sách 8 tháng qua, tổng số chi ngân sách phải đạt trên 860.000 tỷ đồng chứ không phải là số tổng chi hơn 747.600 tỷ đồng kể trên. Và như thế, bội chi 8 tháng có thể lên trên 150.000 tỷ đồng.

Năm 2017, có lẽ là năm đầu tiên mà các báo cáo tình hình thu ngân sách trong tháng, Tổng cục Thống kê đều đưa số trả nợ gốc và trả nợ lãi một cách công khai và tách bạch. Các đợt thống kê trước chi ngân sách cho việc trả nợ và viện trợ thường được gộp chung vào là khoản chi trả nợ và viện trợ.

Theo dự kiến, trong năm 2017, Chính phủ sẽ dành hơn 260.000 tỷ đồng để trả nợ nước ngoài và nợ trong nước. Trong đó, khoản nợ trực tiếp là hơn 90%, còn lại là vốn vay lại của các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc chi cho trả nợ là nhiệm vụ bắt buộc bởi các khoản nợ đã đến hạn, bắt buộc phải trả bằng ngân sách, bằng tiền thuế. Tuy nhiên, điều đáng lo là lại chính nằm ở việc tỷ lệ chi thường xuyên vẫn không giảm, thậm chí 8 tháng qua chi thường xuyên chiếm 73,3% cơ cấu chi ngân sách. Điều này cho thấy các nỗ lực thực hiện giảm chi tiêu cho bộ máy vẫn hạn chế, chưa giảm được số chi tuyệt đối và tỷ lệ chi ngân sách.

Về cơ cấu chi ngân sách cho đầu tư phát triển, Tổng cục Thống kê khẳng định, nhiệm vụ không hoàn thành khi số chi 8 tháng qua chỉ bằng 36,7% dự toán năm. Như vậy, nếu hoàn thành mục tiêu, hơn 63% số chi đầu tư phát triển trong kế hoạch sẽ phải giải ngân trong hơn 3 tháng cuối năm 2017.

Trong khi đó, chi cho đầu tư phát triển và trả nợ lãi vay 8 tháng chỉ đạt hơn 26% tổng chi ngân sách. Như vậy, mục tiêu cố gắng chi ngân sách từ 30% trở lên cho cả hai nhiệm vụ trên vẫn không đạt trong gần như 3 quý đầu năm.

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan: "Lo nhất vẫn là phần chi thường xuyên lớn, trong khi đó chi cho nhiệm vụ trả nợ, và phát triển lại chưa được cơ cấu lại đúng với tinh thần cơ cấu thu chi ngân sách kế hoạch trung và dài hạn".

Một diễn biến liên quan đến chi đầu tư, phát triển là thời gian qua, giải ngân vốn đầu tư công quá chậm, điều này ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch chi ngân sách hàng năm; giải ngân vốn vay ODA, các khoản vay nợ khác (vay về không tiêu vẫn phải trả lãi). Trong cuộc họp với các bộ ngành và địa phương ngày 25/7, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc nhở 13 bộ ngành, trong đó đứng đầu là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại Giao, Bộ Y tế và một số tỉnh thành khác.

Trả lời chất vấn tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thẳng thắn nói về hệ quả của giải ngân đầu tư công chậm trễ: "Chúng ta có tiền mà không tiêu hết được, đó chính là nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế không đạt như kỳ vọng".

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm