1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Ngân sách năm 2019: Bội chi dự kiến tăng 18 nghìn tỷ đồng, áp lực trả nợ lớn

(Dân trí) - Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, khoản chi trả nợ gây áp lực lớn của ngân sách năm 2019, mặc dù nghĩa vụ nợ trực tiếp/tổng thu ngân sách Nhà nước theo báo cáo vẫn trong giới hạn cho phép.


Dự kiến bội chi năm 2019 là 222 nghìn tỷ đồng, tăng 18 nghìn tỷ đông so với năm 2018.

Dự kiến bội chi năm 2019 là 222 nghìn tỷ đồng, tăng 18 nghìn tỷ đông so với năm 2018.

Báo cáo gửi tới các Đại biểu Quốc hội của Kiểm toán Nhà nước cho biết, cơ quan này đã tổ chức nghiên cứu Dự thảo Báo cáo của Chính phủ về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 .

Căn cứ kết quả nghiên cứu, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội một số nội dung để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.

Trong đó, đáng lưu ý, về bội chi ngân sách Nhà nước, dự kiến bội chi năm 2019 là 222 nghìn tỷ đồng (gồm bội chi ngân sách trung ương và ngân sách địa phương), tương ứng 3,6%GDP, trong khi dự toán năm 2017 là 3,7%; mặc dù vậy, số bội chi tuyệt đối vẫn tăng khoảng 18 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2018.

Theo kế hoạch bội chi và phương án vay trả nợ của ngân sách địa phương còn 11 địa phương dư nợ vay cuối năm 2019 vượt hạn mức dư nợ vay theo quy định. Trong đó bao gồm Hà Giang vượt 31 tỷ đồng, Tuyên Quang vượt 46 tỷ đồng, Cao Bằng vượt 17 tỷ đồng, Thái Bình vượt 397 tỷ đồng...

Chi trả nợ lãi năm 2019 là 124,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,6% tổng chi ngân sách Nhà nước, tăng 12,3 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2018. Con số này chưa kể dự kiến trả nợ gốc năm 2019 là 197 nghìn tỷ đồng, trong đó nghĩa vụ trả nợ gốc của Chính phủ khoảng 182 nghìn tỷ đồng.

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, khoản chi trả nợ gây áp lực lớn của ngân sách năm 2019, mặc dù nghĩa vụ nợ trực tiếp/tổng thu ngân sách Nhà nước theo báo cáo vẫn trong giới hạn cho phép.

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước cũng thông tin về dự toán chi ngân sách Nhà nước trong năm 2019.

Trong đó, theo báo cáo của Chính phủ, tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương khoảng 429,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,3% tổng chi ngân sách Nhà nước, tăng 29,6 nghìn tỷ đồng (7,4%) so với dự toán năm 2018.

Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư từ nội lực tích lũy của nền kinh tế rất thấp, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn huy động ngoài nước (60 nghìn tỷ đồng bằng dự toán năm 2018) và trái phiếu Chính phủ (40 nghìn tỷ đồng); nguồn sử dụng đất (6,3 nghìn tỷ đồng); bán bớt phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp (50 nghìn tỷ đồng), nguồn vốn trong nước còn lại (40,6 nghìn tỷ đồng).

Chi thường xuyên (chưa bao gồm dự kiến chi cải cách tiền lương, tinh giảm biên chế) vẫn chiếm phần lớn với khoảng 999,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với dự toán 2018; nếu tính cả dự kiến chi cải cách tiền lương và tinh giảm biên chế, chi thường xuyên là 1.042,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,8% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Về con số chi thường xuyên, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, cần rà soát lại các khoản chi và cắt giảm những nhiệm vụ không cần thiết, tập trung đẩy mạnh sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công để giảm chi thường xuyên và tăng chi đầu tư phát triển, đặc biệt là các công trình trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia, cấp thiết và vùng đặc biệt khó khăn.

Phương Dung

Ngân sách năm 2019: Bội chi dự kiến tăng 18 nghìn tỷ đồng, áp lực trả nợ lớn - 2