Ngân sách là chiếc bánh ngon!

Những dự án, chương trình đầu tư kém hiệu quả được đưa lên mặt báo trong những năm qua chủ yếu rơi vào những trường hợp sử dụng nguồn vốn ngân sách. Chuyện gì đã xảy ra và liệu có thể khắc phục tình trạng này hay không?

Bài học cũ, nạn nhân mới

Danh sách những chương trình kinh tế bị thất bại của Việt Nam vừa dài thêm. Kế hoạch phát triển đàn bò sữa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD), thu hút sự tham gia của hơn một nửa số tỉnh, thành trong cả nước, gần như đã phá sản.

Sau 5 năm triển khai rầm rộ, nhiều người nuôi đã phải bán đổ bán tháo những con bò của mình cho các lò mổ. Mục tiêu cải thiện đời sống cho người dân nghèo thông qua con bò sữa đã không thành.

Trái lại, nó còn khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Một quan chức Cục Chăn nuôi thuộc MARD thừa nhận, gắn nuôi bò sữa với chương trình xóa đói giảm nghèo là một sai lầm.

Cũng như nhiều chương trình khác, chủ trương phát triển ngành bò sữa không sai, nhưng chính cách thực hiện ồ ạt theo kiểu phong trào đã khiến cho các chương trình này thất bại. Thực tế trên cho thấy, đã đến lúc phải xem lại vấn đề quản lý và sử dụng vốn đầu tư ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách.

Lâu nay, rất nhiều những dự án đầu tư, đặc biệt là thuộc cấp địa phương quản lý, được thực hiện chủ yếu theo nghị quyết hay chủ trương của cấp lãnh đạo, nên nặng về ý muốn chủ quan hơn là theo các tính toán dựa trên hiệu quả kinh tế.

Hơn nữa, nhiều ngành, địa phương còn xem vốn ngân sách nhà nước như một “chiếc bánh ngon” và với lối nghĩ có “đầu tư là được”, nên cố gắng tranh thủ được càng nhiều càng tốt, còn hiệu quả tính sau.

Lẽ đương nhiên, bất kỳ dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách nào cũng phải làm luận chứng kinh tế kỹ thuật, nghiên cứu khả thi và phân tích, đánh giá về hiệu quả kinh tế. Nhưng trên thực tế, các nội dung này thường chỉ được xem như một loại thủ tục hành chính cần có để được đưa vào danh sách cấp vốn.

Chính vì vậy, không ít nội dung các bản phân tích tính hiệu quả của dự án được thực hiện một cách hời hợt, với những số liệu chung chung, có khi còn cóp nguyên văn kết quả nghiên cứu từ những dự án tương tự khác.

Tình trạng này không chỉ có trong những dự án nhỏ mà xảy ra cả ở dự án lớn. Cách đây mấy năm, khi ngành dầu khí triển khai một dự án trị giá hàng trăm triệu USD ở Cà Mau, đến khi bắt tay vào xây dựng người ta mới phát hiệu nhiều nội dung trong báo cáo về địa chất và đánh giá tác động môi trường đã được sao chép từ một dự án khác ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngoài ra, hiệu quả kinh tế của không ít dự án đã được tính toán theo kiểu khép kín trong phạm vi mỗi tỉnh mà không tính đến sức ép cạnh tranh trên phạm vi cả nước hoặc khu vực. Có khi còn “nhân điển hình” thành công một cách máy móc mà quên đi các hạn chế của chính địa phương mình.

Trở lại vấn đề nuôi bò sữa. TPHCM là địa phương đi đầu, rồi các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An... tiếp bước khá thành công. Sau đó, những điển hình này đã được nhân ra với tốc độ chóng mặt.

Chỉ sau vài năm kể từ năm 2001, số tỉnh tham gia phát triển chăn nuôi bò sữa tăng lên 33. Các tỉnh nhập bò giống thuần chủng về nuôi ồ ạt. Đàn bò tăng đến 25%/năm trong suốt năm năm liền.

Sau khi quả bóng bò sữa xì hơi, Cục Chăn nuôi mới phát hiện ra có đến 20 tỉnh người dân không có kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa. Nhập bò giống nước ngoài nhưng không nghiên cứu xem điều kiện địa lý, khí hậu có phù hợp hay không. Hệ thống thú y, mạng lưới tiêu thụ sữa... chưa sẵn sàng.

Điều đáng nói ở đây là những kinh nghiệm thất bại tương tự không thiếu. Xây cảng biển nhưng không có nguồn hàng cho tàu vào khai thác. Đóng tàu đánh bắt xa bờ nhưng ngư dân lại chưa có kinh nghiệm đánh bắt ở vùng nước sâu. Xây dựng nhà máy đường ở vùng không có nguồn nguyên liệu... Nhưng dường như không ai chịu học.

Tập trung hay phân tán?

Những năm gần đây, tỷ lệ ngân sách dành cho đầu tư phát triển tăng liên tục, nhưng hiệu quả thì theo xu hướng ngược lại. Khoảng cách giữa tiền đầu tư vào nền kinh tế và giá trị GDP tăng thêm ngày càng xa. Điều đó cho thấy, nguồn vốn đầu tư nhà nước sử dụng chưa đúng chỗ, đúng cách.

Để góp phần khắc phục bất cập trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư nhà nước, có lẽ cần làm rõ quan điểm khi xây dựng quy hoạch ngành. Vai trò của quy hoạch là đưa ra những định hướng, vì thế không nên xem nó là mục tiêu, nhằm tránh tình trạng huy động ồ ạt các nguồn lực để chạy theo các mục tiêu về số lượng mà xem nhẹ vấn đề hiệu quả.

Trong thực hiện quy hoạch, nhiệm vụ của Nhà nước là trợ giúp cho các doanh nghiệp thông qua chính sách. Còn triển khai cụ thể như thế nào là do các doanh nghiệp quyết định tùy theo thị trường.

Chính quyền các cấp không nên tham gia vào các dự án kinh doanh, bất kể là trực tiếp dùng ngân sách đầu tư hay gián tiếp thông qua các biện pháp bảo lãnh cho vay vốn hay trợ vốn. Vì điều này dễ tạo ra ngộ nhận về hiệu quả thực của các dự án đầu tư.

Vấn đề kế tiếp là việc giao kế hoạch và thực hiện kế hoạch. Hằng năm, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đều đề ra kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản. Nhưng lâu nay không ít cơ quan quản lý nhà nước xem hoàn thành chỉ tiêu đầu tư xây dựng cơ bản là thành tích, nên quan tâm đến tốc độ giải ngân nhiều hơn là hiệu quả đồng vốn mang lại.

Còn những nơi được cấp ngân sách, có tâm lý lo ngại sử dụng không hết thì năm sau sẽ bị cắt hoặc được ít hơn, nên tìm mọi cách để tiêu cho hết. Đương nhiên, phấn đấu hoàn thành sớm các chương trình đầu tư là điều nên làm.

Nhưng nếu xem tốc độ sử dụng vốn đầu tư là mục tiêu cuối cùng để rồi sử dụng nguồn ngân sách được phân bổ một cách vô tội vạ thì thật là nguy hiểm. Muốn giảm lãng phí, những cơ quan, đơn vị cần sử dụng có trách nhiệm nguồn vốn nhà nước được cấp.

Về phía cơ quan giữ trọng trách phân bổ ngân sách, không nên căn cứ một cách máy móc vào tình hình thực hiện của năm trước để định ra vốn đầu tư của năm sau, mà phải dựa theo nhu cầu thực tế của từng dự án cụ thể.

Ngoài ra, việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư nhà nước không thể giống như quản lý nguồn thu ngân sách, vốn nặng về nghiệp vụ hành chính, mà phải thực hiện như một nhà đầu tư, nhà kinh doanh thực sự.

Ngân sách nhà nước chỉ nên dành đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội. Điều này hẳn không ai phản đối. Nhưng trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, có nên tiếp tục đầu tư dàn trải hay tập trung vào cho một số vùng có khả năng sinh lợi cao, nhằm tạo ra những đầu tàu cho cả nền kinh tế?

Những năm qua, Chính phủ luôn nhắc phải kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tập trung cho những dự án có hiệu quả cao để nhanh chóng đưa vào khai thác. Nhưng tình hình hầu như chưa mấy chuyển biến. Nguồn ngân sách nhỏ bé của Nhà nước vẫn bị phân tán cho hàng chục ngàn dự án, dẫn đến nhiều công trình mãi không thể đưa vào khai thác vì thiếu vốn.

Trước đây, một chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khuyên Việt Nam nên học tập cách làm của nước này sau chiến tranh. Khi ấy, Chính phủ Nhật Bản đã dành gần như mọi nguồn vốn để đầu tư cho những trung tâm kinh tế lớn, là nơi có khả năng sinh lợi nhanh và nhiều nhất, nhằm vực dậy nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá.

Chẳng bao lâu sau, những trung tâm kinh tế lớn trở thành nguồn cung cấp tài chính quan trọng cho chính phủ thực hiện chương trình tái thiết và phát triển những khu vực khác.

Một chuyên gia tư vấn ví von: “Việt Nam hiện nay giống như một gia đình nghèo đông con và cha mẹ đang đứng trước hai sự chọn lựa. Giao hết tài sản cho người con giỏi nhất đi làm ăn, rồi sau đó trở về giúp những anh em khác làm giàu; hoặc chia đều cho mỗi người đứa một ít tiền và tất cả cùng nghèo”.

Việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư nhà nước không thể giống như quản lý nguồn thu ngân sách, vốn nặng về nghiệp vụ hành chính, mà phải thực hiện như một nhà đầu tư, nhà kinh doanh thực sự.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn