Ngán ngẩm dự án 3 năm xây… đến tầng hầm
(Dân trí) - Dự án văn phòng, nhà ở hơn 500 tỷ đồng của công ty CP Đầu tư XD Hạ tầng và Giao thông (Intracom) tại xã Trung Văn, huyện Từ Liêm khởi công từ đầu năm 2009 với hứa hẹn sẽ hoàn thành vào cuối năm 2011. Hạn đã đến nhưng hẹn vẫn chỉ là… hẹn.
Gần ba năm… xây đến tầng hầm
Thời gian gần đây, nhiều bạn đọc phản ánh đến báo Dân trí về việc đã trót đổ tiền đầu tư vào dự án Intracom 1 (Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội) nhưng trong suốt gần 3 năm qua không hề được thông báo về thông tin tiến độ của dự án, và khi gần đến thời hạn giao nhà đến thì nhận được giấy mời đóng tiền đợt hai bởi dự án đã xây đến… tầng hầm.
Dự án Intracom 1 có quy mô 23.829 m2, với tổng mức đầu tư 523 tỷ đồng, được tiến hành khởi công hồi tháng 3/2009. Đây là dự án được đánh giá cao ở vị trí đắc địa, có hai mặt tiếp giáp đường giao thông là đường Trung Văn và Lê Văn Lương kéo dài, và đối diện với Làng Việt Kiều Châu Âu.
Theo tìm hiểu của PV, toàn bộ hơn 250 căn hộ của dự án Intracom 1 đã được bán hết dưới hình thức góp vốn. Mỗi khách hàng được quyền “cho vay vốn” sẽ đóng trước cho chủ đầu tư 500 triệu đồng/căn. Có thể thấy số tiền mà Intracom thu về đã lên đến hàng trăm tỉ đồng nên chắc hẳn công ty này không gặp khó khăn về vốn. Vì thế, việc chủ đầu tư này chậm trễ khởi đông dự án đã gây bất bình với khách hàng, và họ tự hỏi không biết số tiền mà họ cho Intracom “vay” có được sử dụng đúng mục đích hay không. Liệu Intracom có phải đang lợi dụng lòng tin của khách hàng để thu tiền từ dự án này để đầu tư sang dự án khác hay không?
Tuy nhiên, chính thái độ “lặng như tờ” của chủ đầu tư Intracom càng khiến các khách hàng lo lắng và bất bình. Họ lo lắng bởi kể từ sau khi “góp vốn”, họ không nhận được bất cứ thông tin gì từ chủ đầu tư.
Chị N.N.T, một khách hàng mua căn hộ rộng 65,5m2 của Intracom 1, bức xúc: “Gia đình tôi căn ke chỉ đủ tiền mua căn họ với diện tích bé thôi nhưng không hiểu sao đến khi hỏi thăm một người bạn mới biết là căn của mình đã bị tăng diện tích lên 75,8m2”. Điều đáng nói là chủ đầu tư không hề thông báo với khách hàng về việc điều chỉnh, và có vẻ như chỉ những người “thân quen” mới nắm được thông tin này, chị T. nhấn mạnh.
Anh Đ.V.H. cũng trong tình cảnh thương tự. Ban đầu anh đăng ký mua căn hộ 75,6m2 nhưng sau đó cũng “được” tăng diện tích lên gần 100m2 mà không hề được báo tin.
Chị T và anh H. còn bức xúc hơn mặc dù đã xác định không dám mơ dự án hoàn thành theo thông báo của chủ đầu tư là cuối năm 2011 nhưng: “Ít nhất Intracom cũng phải có một thông báo về việc xin gia hạn vay vốn cho khách hàng. Chúng tôi hoàn toàn không có bất kỳ liên lạc nào từ chủ đầu tư”.
Đại diện Intracom: Khách hàng có thể “tự rút”
Được biết, hợp đồng mua bán mà Intracom vừa ký với khách hàng là sẽ giao nhà vào quý III/2013 - chậm hơn 2 năm so với thông báo khi chủ đầu tư này kêu gọi đầu tư từ các khách hàng.
Để giải đáp thắc mắc của độc giả về tiến độ quá chậm của dự án, PV Dân trí đã tìm đến công ty Intracom để gặp người đại diện. Tuy nhiên, sau khi chờ đợi theo như lịch hẹn với bà Nguyễn Thị Phương Liên, Phó GĐ công ty, thì người tiếp tôi là một nhân viên pháp chế bởi bà Liên “đang bận”.
“Với những khách hàng không thể chờ đợi thì công ty cũng tạo điều kiện để cho họ rút vốn ra, đầu tư vào dự án khác mà họ muốn”, bà Thảo nói về chính sách “mở” của Intracom.
Tuy nhiên, nói như vậy thì không khác nào “đem con bỏ chợ”. Khách hàng đã chờ đợi gần 3 năm để được nhận nhà theo như cam kết nhưng khi đến hạn thì chủ đầu tư lại có thể “rũ bỏ” trách nhiệm bằng cách “mời” họ đi mua dự án khác nếu họ muốn. Hơn thế nữa, chính sách cho khách hàng rút vốn đầu tư với số lãi suất 8%/năm thì số tiền họ rút về còn thấp hơn số tiền mà họ chấp nhận bán trao tay với giá lỗ, tức thấp hơn mức giá mà họ mua trước đó!
Thị trường bất động sản vẫn còn những khó khăn trước mắt bởi tín dụng thắt chặt từ các ngân hàng nhưng với những dự án hoàn toàn không bị thiếu vốn và đã hoàn thiện được các vấn đề thủ tục pháp lý cũng như nhà thầu theo đúng như lời của đại diện Intracom cho biết thì việc chậm tiến độ là điều không thể chấp nhận được.