Ngân hàng xử lý thêm được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu

(Dân trí) - Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 30/6/2018, hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm 61,04 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng).

Sáng nay 28/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Thông tin cho hay, tính đến 30/6/2018, hệ thống TCTD đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm 61,04 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng). Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 21,59 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,59%).

Mặc dù công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, theo đánh giá của NHNN vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi sự chung sức, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hỗ trợ, phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương.

Thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu còn hạn chế do chưa có thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp dẫn đến việc mua bán nợ xấu chưa thật sự sôi động, các thương vụ lớn chưa phát sinh nhiều.


Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 30/6/2018, hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 30/6/2018, hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42

Việc triển khai Nghị quyết 42 trong thực tiễn còn gặp nhiều bất cập như: Việc thực hiện nội dung liên quan đến việc hoàn trả tài sản bảo đảm (TSBĐ) là vật chứng trong vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết số 42; Vấn đề liên quan đến thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ và nghĩa vụ nộp thuế có ảnh hưởng đến việc thực hiện thủ tục sang tên cho người mua; Công tác giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự và hỗ trợ các TCTD trong việc thu giữ TSBĐ của các khoản nợ xấu; Vấn đề xử lý TSBĐ là dự án bất động sản còn dở dang; Trường hợp đăng ký giao dịch bảo đảm thiếu chữ ký của bên thế chấp; Quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ mà các cá nhân, tổ chức mua lại từ VAMC…

Bên cạnh đó là cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng TSBĐ chưa đáp ứng yêu cầu của các TCTD nên các TCTD gặp khó khăn trong việc xác định tài sản bảo đảm nào đang tranh chấp, tài sản bảo đảm nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau gây khó khăn khi áp dụng các biện pháp xử lý tài sản theo Nghị quyết 42.

Từ thực tế triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian vừa qua và để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, NHNN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và các đơn vị, tổ chức có liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình phân loại, sắp xếp các doanh nghiệp, trọng tâm là các doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện tái cơ cấu, năng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, tạo điều kiện để hệ thống các TCTD xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính.

NHNN đề xuất Thủ tướng Chính phủ có văn bản gửi Tòa án nhân dân tối cao xem xét, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự) sớm có văn bản chỉ đạo về việc hoàn trả các TSBĐ là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết 42.

Còn đối với Bộ, ngành chủ quản hỗ trợ, chỉ đạo về định hướng cơ cấu lại từ các Tập đoàn/ Tổng công ty Nhà nước đối với phương án cơ cấu của các TCTD phi ngân hàng yếu kém có chủ sở hữu/ cổ đông lớn là các Tập đoàn/ Tổng công ty Nhà nước; Đồng thời chỉ đạo các tập đoàn, công ty, đơn vị thành viên thực hiện nghĩa vụ trả nợ/nghĩa vụ bảo lãnh đối với các khoản vay mà các đơn vị đứng ra bảo lãnh cho các công ty con, công ty thành viên...

Tính đến 30/6/2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống ước đạt 519,01 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2017, tăng 6,3% so với cuối năm 2016. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ước đạt 720,43 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2017, tăng 21,1% so với cuối năm 2016.

Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 bước đầu đã tạo điều kiện quan trọng góp phần xử lý nợ xấu tại các TCTD, đến cuối tháng 6/2018 tỷ lệ nợ xấu so với so với tổng nợ là 2,09%, giảm so với thời điểm 31/12/2016 (2,46%).

An Hạ

Ngân hàng xử lý thêm được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm