Ngân hàng vẫn lãi lớn trong quá trình xử lý nợ xấu, đại biểu đề nghị làm rõ
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề nghị phân tích rõ hơn các ngân hàng vẫn lãi lớn trong quá trình xử lý nợ xấu, quá trình xử lý nợ xấu có làm lợi cho ngân hàng hay không và việc thu, đòi nợ của công ty tài chính.
Quá trình xử lý nợ xấu có làm lợi cho ngân hàng hay không?
Tổng thư ký Quốc hội vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42.
Báo cáo vừa được hoàn thành ngày 31/5 để gửi các đại biểu Quốc hội, nhằm chuẩn bị cho phiên thảo luận tại hội trường về vấn đề này vào hôm nay (1/6).
Theo tổng hợp được đưa ra tại báo cáo, nhiều ý kiến cho rằng nợ xấu phát sinh trong giai đoạn 2016-2020 và nhất là giai đoạn sau dịch Covid-19 có nhiều yếu tố phức tạp. Điều đó dẫn đến nguy cơ các khoản nợ chuyển thành nợ xấu còn cao.
Đáng chú ý, có ý kiến đề nghị phân tích rõ hơn các ngân hàng vẫn lãi lớn trong quá trình xử lý nợ xấu; như vậy quá trình xử lý nợ xấu có làm lợi cho ngân hàng hay không. Ngoài ra, dư luận bức xúc về cách thu nợ, đòi nợ của các công ty tài chính.
Có ý kiến cũng đề nghị đánh giá rõ hơn về tác động của việc thực hiện Nghị quyết 42 đối với quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, khơi thông dòng vốn cũng như minh bạch hóa thị trường, nhất là cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém; cần đánh giá thêm nội dung về "sở hữu chéo" do Nghị quyết 42 được xây dựng vào thời điểm hệ thống các tổ chức tín dụng tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến sở hữu chéo.
Ý kiến khác nhau về cơ chế thu giữ tài sản đảm bảo
Báo cáo cũng cho thấy, có nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của việc triển khai và xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 42 và pháp luật về xử lý nợ xấu đúng thời hạn.
Cụ thể, Nghị quyết 42 đã quy định rõ việc giao Chính phủ trình Quốc hội đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, tức là ngay trước khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, nhằm tránh tạo khoảng trống trong hệ thống pháp luật.
Mặc dù Chính phủ đã có báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 42, được Ủy ban Kinh tế đánh giá, thẩm tra và báo cáo Quốc hội vào năm 2020, nhưng đến thời điểm phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ mới phần nào hoàn thành hồ sơ trình tổng kết thực hiện Nghị quyết 42 là còn chậm.
Đặc biệt, trong quá trình xây dựng nghị quyết còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến cơ chế thu giữ tài sản đảm bảo. Nhưng đến nay thời gian thí điểm sắp hết (15/8/2022), báo cáo tổng kết lại chủ yếu tập trung vào đánh giá quá trình xây dựng nghị quyết và nêu về tình trạng nợ xấu, trong khi việc tổng kết thí điểm cần phải được đánh giá kỹ hơn để làm cơ sở hoàn thiện chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu.
Có ý kiến cũng lưu ý nợ xấu có nhiều nguyên nhân, cần đánh giá thêm nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu đồng bộ trong chính sách, đồng thời đề nghị phân tích rõ hơn các ngân hàng vẫn lãi lớn trong quá trình xử lý nợ xấu. Như vậy, quá trình xử lý nợ xấu có làm lợi cho ngân hàng hay không, cũng như thực trạng dư luận bức xúc về cách thu nợ, đòi nợ của các công ty tài chính.
Về sự cần thiết kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42, nhiều ý kiến thống nhất với đề xuất này để giúp khơi thông dòng vốn, bảo đảm tính hiệu lực liên tục, tránh khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng các tổ chức tín dụng cần có quy định riêng về xử lý nợ xấu bởi xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng là xử lý nợ xấu của toàn nền kinh tế. Do đó cần kéo dài thực hiện Nghị quyết 42 và sau đó luật hóa trong Luật tổ chức tín dụng hoặc luật mới/văn bản mới với những báo cáo đánh giá kỹ càng, cụ thể để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Đồng thời cần làm rõ các khoản nợ xấu hình thành trước ngày 15/8/2017, nay kéo dài đến hết năm 2023 thì có cần phải xem lại phạm vi khoản nợ xấu hay không?
Đặc biệt, một số ý kiến đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải có cam kết, lộ trình, giải pháp và gắn với trách nhiệm cụ thể nếu tiếp tục kéo dài Nghị quyết 42; dự liệu được những vấn đề có thể phát sinh trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng, bảo đảm tính liên tục, lâu dài, hiệu quả trong xử lý nợ xấu.