Ngân hàng vẫn “ăn” chênh lệch lãi suất lớn?

(Dân trí) - Trong khi các chuyên gia cho rằng, chênh lệch lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao thì theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, chênh lệch tiền gửi - tiền vay của ngân hàng thương mại thấp hơn rất nhiều.

Lãi suất trên đà giảm mạnh (ảnh minh họa).
Lãi suất trên đà giảm mạnh (ảnh minh họa).

Sáng nay 30/10, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức tọa đàm “Nhìn lại điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước năm 2011 - 2013: Những kết quả và thách thức”.

Theo thông tin mà TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cung cấp, dù lãi suất đã giảm xuống thấp nhưng chênh lệch giữa lãi suất cho vay với huy động vẫn ở mức cao.

“Số liệu điều tra của chương trình chúng tôi với ngân hàng thì lãi suất vẫn nằm trong khoảng 12 - 13%/năm”, ông Thành nói. Ngoài ra, ông Thành còn dẫn số liệu từ ANZ cho biết, 20% các khoản vay từ ngân hàng vẫn có lãi suất trên 13%.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Xuân Thành, nếu lãi suất tiền gửi bình quân 7,5%/năm và lãi suất cho vay 12 - 13% thì chênh lệch 6 - 7% là cao, trong thời kỳ bình thường là 3 - 4%.

Trước thực trạng này, TS. Nguyễn Xuân Thành đặt câu hỏi: “Liệu có phải chính sách của chúng ta có khoảng cách này là hệ quả của việc ngân hàng thương mại cần lợi nhuận cao để xóa nợ xấu?”.

Cũng liên quan tới chênh lệch lãi suất, TS.Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), dẫn lại một khảo sát gần đây của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy: Qua khảo sát 8 ngân hàng lớn, mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay khoảng 4,3% - 4,5%/năm, có một số ngân hàng cao nhất là 5%.

Thông qua các con số trên, theo đánh giá của TS.Lê Xuân Nghĩa: “Mức này cho thấy, lãi suất tiền gửi giảm không nhiều nhưng lãi suất cho vay giảm rất mạnh”.

Còn theo ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thì số liệu mà ông vừa tham khảo một số ngân hàng, chênh lệch lãi suất hiện nay theo ông chỉ ở khoảng 2,8%/năm.

Nói về mức chênh lệch lãi suất mà dư luận từng phản ánh, ông Phước cho biết: “Không thể tính chênh lệch lãi suất một cách đơn giản là lãi suất cho vay 13%/năm trừ đi lãi suất huy động 7%/năm để ra con số ngân hàng thu 6%/năm. Mức chênh lệch lãi suất đó là chưa trừ đi các chi phí hành chính, trả lương cho nhân viên và chi phí quản lý… Nếu trừ đi các chi phí, chênh lệch lãi suất chỉ khoảng 1,3% - 1,8%/năm, thậm chí chỉ còn 1,1%/năm”.

Nói về chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Con số về chênh lệch tiền gửi và tiền vay của các ngân hàng thương mại theo các chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm rất đang lưu lý. Nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng có thống kê, đánh giá khá đầy đủ và rất sát thực tế về vấn đề này.

“Các ngân hàng thương mại, chênh lệch hiện nay giữa lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay như chúng tôi tính toán thì thấp hơn rất nhiều so với mức đưa ra của các chuyên gia”, ông Đào Minh Tú khẳng định.

Còn theo ông Phạm Xuân Hòe, Vụ phó Vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước thì: Vụ theo dõi và tính toán bình quân chung cả hệ thống chỉ 3%, do đó, không thể có lãi suất nào mà có mức chênh cao tới 5-6%.

Và theo vị đại diện này, nếu có chênh lãi suất đầu vào - ra cao như ý kiến của các chuyên gia, thì “chắc công bố lợi nhuận của ngân hàng trên thị trường chứng khoán rất kếch xù”. Vị đại diện này còn cho biết, với lãi suất cho vay đầu ra hiện nay là 11,5%/năm, thì lãi suất đầu vào chỉ 7%/năm.

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng hiện từ 1-1,2%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng khoảng 5-7%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 6,5-7,5%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 7,5-9%/năm.

Theo đó, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức thấp 7 - 9%/năm.

Còn lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9 - 10,5%/năm ở khối ngân hàng thương mại Nhà nước; 9,5 - 11,5%/năm ở khối ngân hàng thương mại cổ phần; trong đó, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được các ngân hàng thương mại cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5-7%/năm.

Nguyễn Hiền